Giám sát việc thực hiện 2 Đề án 938, 939 của Chính phủ tại huyện Chương Mỹ
Tăng cường trách nhiệm của chính quyền trong thực thi chính sách liên quan đến phụ nữ
(PNTĐ) -Ngày 4/10/2023, trong khuôn khổ hoạt động giám sát việc thực hiện Đề án “Tuyên truyền giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2018-2027” (Đề án 938) và Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025” (Đề án 939), Đoàn giám sát liên ngành của Thành phố do đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Ủy viên BCH Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại huyện Chương Mỹ.
Đồng chí Hoàng Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ làm việc với Đoàn.
Nỗ lực triển khai hiệu quả 2 Đề án
Báo cáo với đoàn Giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến cho biết: thực hiện 2 Đề án,UBND huyện đã ban hành 2 Kế hoạch triển khai thực hiện; giao Hội LHPN huyện là Cơ quan thường trực thực hiện Đề án; chỉ đạo công tác phối hợp các phòng, ban, ngành, đơn vị thực hiện đảm bảo đầy đủ nội dung, tiến độ theo yêu cầu của Đề án; Ngoài ra, đối với Đề án 938, UBND huyện Chương Mỹ cũng đã ký văn bản thoả thuận với một Tổ chức phi Chính phủ quốc tế thực hiện Dự án “Nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái”.
Năm 2022 - 2023, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai các nội dung hoạt động tới cơ quan chuyên môn có liên quan, thường xuyên phối hợp, tham mưu triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án tại địa phương.

Cụ thể, đến cuối năm 2022, trong triển khai Đề án 938, tất cả các chỉ tiêu của Đề án Giai đoạn 2017 - 2022 đều đạt và vượt mức Kế hoạch đề ra.


Trong đó, trên 25.000 hội viên, phụ nữ và cha mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức về sự cần thiết phải giữ gìn và rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật; về khả năng, vai trò của phụ nữ trong đảm bảo an toàn thực phẩm;
100% cán bộ chuyên trách của các cơ quan tham gia triển khai Đề án được bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng về các nội dung của Đề án nhằm hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội;
Hơn 31.000 phụ nữ được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực giới, bạo lực gia đình sẵn sàng lên tiếng trước các hành vi bạo lực;
32 mô hình mới nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật; thành lập mới 127 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 01 tổ tư vấn pháp luật; 01 CLB “Uống có trách nhiệm khi tham gia giao thông”; 15 chi hội phụ nữ thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm…

Trong thực hiện Đề án 939, đến nay, 100% cán bộ Hội các cấp tham gia triển khai Đề án được nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách khởi nghiệp, phát triển kinh tế và phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh tế;
Hàng năm, 85% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, phát triển kinh tế;
Từ năm 2022 đến nay, các cấp Hội đã giúp đỡ 49 phụ nữ mới khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp bằng nhiều biện pháp; 4 mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ quản lý được hỗ trợ thành lập; 623 phụ nữ mới khởi nghiệp do nữ làm chủ được tư vấn, hỗ trợ kiến thức khởi nghiệp.
Ghi nhận vướng mắc để kịp thời đề xuất tháo gỡ
Trước đó, Đoàn đã thăm mô hình hợp tác xã HĐQT HTX Nông nghiệp Hữu cơ Đông Sơn.
Thành lập từ tháng 8/2022 với 10 thành viên, vốn điều lệ là 500 triệu đồng, HTX là mô hình xuất phát từ ý tưởng khởi nghiệp theo Đề án 939 trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Hiện nay, HTX tập trung trồng các loại rau ăn lá, nho Hạ Đen, ổi....trên diện tích gần 5 ha. Trong đó, diện tích trồng rau, nho Hạ Đen của HTX với diện tích gần 2.000 m2 được xây dựng hệ thống nhà lưới, 5000m2 ổi được trồng theo hướng hữu cơ. Mục tiêu của HTX là cung cấp ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp an toàn, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.


Bà Bùi Thị Nguyệt, thành viên HĐQT HTX Hữu cơ Đông Sơn cho biết, đến nay, hoạt động của HTX cơ bản đem lại hiệu quả, tạo thu nhập tốt và thu hút thành viên mới tham gia. Trong đó, sản phẩm Nho hạ đen trung bình đạt khoảng 16-18 tấn/ha/mỗi vụ, chất lượng quả cao, giá bán 150.000 đồng/kg. Năm 2022, sản phẩm Nho hạ đen cùng một số sản phẩm rau, quả khác của HTX đã được UBND Thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện, HTX đang tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ xúc tiến thương mại...
Tuy nhiên, bà Bùi Thị Nguyệt cũng chia sẻ những vướng mắc mà chị em phụ nữ đang gặp phải trong quá trình khởi nghiệp. Điển hình trong chính sách đất đai, theo quy định theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, thời hạn cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích quá ngắn (không quá 05 năm) nên chưa khuyến khích được người dân đầu tư sản xuất do chưa đủ thời gian để đem lại hiệu quả kinh tế. Bà Nguyệt cũng mong muốn tiếp tục nhận được các chương trình, hỗ trợ về đầu ra cho sản phẩm vì đầu ra sản phẩm sẽ quyết định tính bền vững cho hoạt động, mô hình khởi nghiệp.

Từ khảo sát mô hình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp cũng như qua làm việc với một số xã và UBND huyện Chương Mỹ, kết luận hội nghị giám sát, đồng chí Trưởng đoàn Giám sát Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: Hoạt động giám sát của Đoàn giám sát liên ngành nhằm tiếp tục đánh giá vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp trong triển khai 2 Đề án; nắm bắt kết quả đạt được cũng như tồn tại, vướng mắc và đề xuất của các địa phương trong thực hiện 2 Đề án để có giải pháp thực hiện hiệu quả trong giai đoạn 2023-2027 đối với Đề án 938 và giai đoạn 2023-2025 đối với Đề án 939;
Đồng chí Trưởng đoàn giám sát ghi nhận UBND huyện Chương Mỹ đã kịp thời chỉ đạo, ban hành kế hoạch triển khai 2 Đề án; UBND huyện cũng chủ động khai thác nguồn lực để triển khai 2 Đề án, đặc biệt là Đề án 938; Các hoạt động tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác triển khai 2 Đề án được chú trọng; Các mô hình thực hiện 2 Đề án đã có hiệu quả trong thời gian qua và đang được tiếp tục nhân rộng;
Thay mặt Đoàn Giám sát, đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy cũng đã chỉ ra một số điểm hạn chế của huyện Chương Mỹ như cần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, trong đó quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hình thức tuyên truyền, kết nối với các đối tượng thụ hưởng của 2 Đề án; Còn một số xã chưa cấp kinh phí riêng triển khai 2 Đề án, chủ yếu trích từ kinh phí hoạt động chung. Đồng chí cũng đề nghị UBND huyện ban hành 2 kế hoạch triển khai Đề án 939 giai đoạn 2023-2025 và Đề án 938 giai đoạn 2023-2027.
Đặc biệt đối với ý kiến của HTX Nông nghiệp Hữu cơ Đông Sơn, cũng là đại diện cho ý kiến của các phụ nữ khởi nghiệp, đồng chí Trưởng đoàn Nguyễn Thị Thu Thủy chỉ đạo các ban chuyên môn của Hội tổng hợp trong các báo cáo; đồng thời có biện pháp nắm bắt, tập hợp ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia điều hành, phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Trân trọng tiếp thu các kết luận của Đoàn Giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến cho biết, hoạt động giám sát của Đoàn Giám sát liên ngành một lần nữa giúp cho UBND huyện đánh giá lại vai trò, trách nhiệm trong thực hiện 2 Đề án. Đặc biệt lưu tâm tới hai tiêu chí quan trọng là việc làm và thu nhập, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, nếu phụ nữ không có việc làm thì không có thu nhập, không có thu nhập sẽ phát sinh các vấn đề xã hội phức tạp ảnh hưởng tới sự ổn định của gia đình và xã hội. Vì vậy, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác hướng nghiệp, tạo việc làm, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp cũng như hỗ trợ phụ nữ nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế trong gia đình, xã hội.