Tăng tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031
(PNTĐ) - Ngày 22/9, tại Hà Nội, Hội LHPN Việt Nam phối hợp Tổ chức nhân dân Australia vì Y tế, Giáo dục và Phát triển hải ngoại (ALPHEDA) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy tăng tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031”.
Tỷ lệ nữ đại biểu dân cử cao hơn so với nhiệm kỳ trước
Phát biểu tại hội thảo, bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, hiện nay, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt hơn 30%, cao nhất từ Quốc hội khóa VI trở lại đây, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đều đạt 29%, cao hơn nhiệm kỳ trước. Để đạt được kết quả nêu trên, có vai trò quan trọng và quyết định của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức bầu cử, sự tích cực, chủ động, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tin tưởng của cử tri và sự nỗ lực phấn đấu, rèn luyện vượt qua những rào cản, định kiến giới, để khẳng định bản thân trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ nữ.
Bà Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ, trong quá trình giám sát và hướng dẫn triển khai công tác bầu cử, nội dung bảo đảm tỷ lệ nữ ứng cử luôn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia yêu cầu các Ủy ban bầu cử báo cáo, đánh giá để đưa ra các giải pháp bảo đảm thực hiện mục tiêu đề ra. Kết quả sau hiệp thương lần thứ ba, người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ đạt tỷ lệ 45,38% (393 người); tỷ lệ ứng cử đại biểu HĐND cả ba cấp là nữ ở nhiều địa phương đều đạt và cao hơn so với quy định.
Từ việc xác định tỷ lệ cơ cấu hợp lý và kỹ lưỡng, sát sao trong công tác thực hiện, trong quá trình, kiểm tra, giám sát nên tỷ lệ nữ trúng cử tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đạt cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ đạt 30,26% (151 đại biểu), tỷ lệ đại biểu HĐND cấp tỉnh là nữ đạt 29% (1079 đại biểu, cao hơn 2,44% so với nhiệm kỳ trước), tỷ lệ đại biểu HĐND cấp huyện là nữ đạt 29,08% (6.557 người, cao hơn 1,58% so với nhiệm kỳ trước); tỷ lệ đại biểu HĐND cấp xã là nữ đạt 28,48% (68.265 người, cao hơn 1,89% so với nhiệm kỳ trước).
Việc tăng số lượng, hoạt động của các nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp trong nhiệm kỳ qua đã có những đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND và đã có tác động tích cực nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, bình đẳng giữa các dân tộc Việt Nam trong việc xây dựng, hoạch định chính sách, giám sát những vấn đề về quốc kế dân sinh.
Sự nhiệt huyết, hiệu quả trong hoạt động của nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đã để lại hình ảnh tốt đẹp trong lòng cử tri và Nhân dân. Qua mỗi nhiệm kỳ, các nữ đại biểu Quốc hội, HĐND đều tích lũy được nhiều kiến thức, kỹ năng về bản lĩnh, kinh nghiệm hoạt động nghị trường; không những hoàn thành tốt vai trò của người đại biểu mà còn có những thành công trên các cương vị công tác khác, được Đảng, cử tri và Nhân dân ghi nhận.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho biết thêm, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã hoàn thành 3 cuộc hội thảo tại 3 miền Bắc – Trung – Nam về công tác cán bộ nữ và thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù. Theo đó, có những địa phương tỷ lệ cán bộ nữ khá cao nhưng cũng tồn tại những địa phương tỷ lệ cán bộ nữ còn rất thấp. Hiện còn Hải Phòng và Cà Mau không có nữ đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch Tôn Ngọc Hạnh nhận định, Việt Nam có hệ thống luật pháp, chính sách cơ bản đầy đủ và tiến bộ nhằm đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ và nam giới trong lĩnh vực chính trị. Tiêu biểu như Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND là phụ nữ; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương xác định chỉ tiêu đến năm 2030 tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương đang thiếu vắng sự tham gia của lãnh đạo nữ, đặc biệt là nữ lãnh đạo chủ chốt, có địa phương không có nữ đại biểu Quốc hội, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân có nơi chỉ khoảng 20%.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh mong muốn các đại biểu, cơ quan TƯ, đại phương, các chuyên gia sẽ có những phân tích, đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm, khuyến nghị về thực trạng, về quá trình thúc đẩy tăng tỷ lệ nữ tham gia ứng cử, cũng như tỷ lệ nữ trúng cử cao hơn, hiệu quả hơn. Ngoài ra, cần có những đánh giá về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình tham gia chuẩn bị và tổ chức bầu cử… để tăng tỷ lệ cán bộ nữ trong thời gian tới, đạt được mục tiêu đề ra
Nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu dân cử trong nhiệm kỳ 2026-2031
Bà Hoàng Thị Lệ Hằng, Trưởng đại diện APHEDA tại Việt Nam cho biết: “Trong khuôn khổ dự án: “Thúc đẩy Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị và Nâng cao năng lực cho nữ đại biểu dân cử”, APHEDA tiếp tục phối hợp cùng Ban Tổ chức, TW Hội LHPN Việt Nam triển khai hội thảo “Giải pháp thúc đẩy tăng tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031” với mục tiêu đảm bảo có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ trong kỳ bầu cử diễn ra vào năm 2026. Trao quyền cho phụ nữ, đảm bảo bình đẳng giới thực chất sẽ giúp các quốc gia giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội còn tồn tại”.
Để nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XVI và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, theo bà Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần phải có một số giải pháp thiết thực nhằm thực hiện thắng lợi như Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đề ra. Đó là, tiếp tục tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến việc nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Mở rộng thẩm quyền cho các cơ quan, tổ chức trong việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là nữ bảo đảm số lượng. Cần chủ động quan tâm xây dựng quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ, nâng cao năng lực của phụ nữ về mọi mặt nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan của hệ thống chính trị. Hạn chế tình trạng một đại biểu nữ “gánh” quá nhiều cơ cấu, vừa cơ cấu trẻ, cơ cấu dân tộc, cơ cấu là trí thức và cơ cấu ngoài Đảng… Việc gắn quá nhiều cơ cấu vào một nữ đại biểu dẫn đến tình trạng người trẻ thì chưa qua đào tạo, ít kinh nghiệm thực tiễn, thiếu các kỹ năng cần thiết của người đại biểu nhân dân; mà kể cả khi có đủ điều kiện thì gánh nặng gia đình, trách nhiệm làm mẹ, nuôi con nhỏ lại rất nặng nề nên chị em rất khó để tham gia các hoạt động xã hội, tham gia đại biểu dân cử ở lứa tuổi này. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng trúng cử cũng như chất lượng của nữ đại biểu dân cử...
Bà Ngô Diệu Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI, đặc biệt là tỉ lệ cơ cấu nữ. Ngay từ khi giới thiệu đại biểu ra ứng cử, các địa phương cần bảo đảm số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần chủ động, tích cực phát hiện, giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các ngành; tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các ứng cử viên. Cùng với đó, cần bảo đảm tỷ lệ nam, nữ ứng cử trong danh sách tại các đơn vị bầu cử tương đương về trình độ, vị trí, chức danh, tạo cạnh tranh công bằng trong bầu cử. Để bình đẳng trong quy trình bầu cử thì bản thân phụ nữ phải nâng cao năng lực cũng như phát huy nội lực của mình. Cần nhận thức đầy đủ về vai trò của mình trong tham chính. Phụ nữ cần nỗ lực, chủ động nắm bắt cơ hội đào tạo, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng nâng cao năng lực bản thân về chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo...
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội cho biết: Hà Nội có tỷ lệ nữ cấp uỷ nhiệm kỳ 2020 - 2025 cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp đạt bình quân 22,1%. Trong đó cấp Thành phố là 19,7%, Ban Thường vụ Thành ủy đạt 25% (4/16 đồng chí). 24/95 nữ đại biểu HĐND Thành phố nhiệm kỳ 2021-2026 (tỷ lệ 25,3%). Từ năm 2018 đến nay, nhiều đồng chí cán bộ nữ, cán bộ Hội được luân chuyển, điều động bổ nhiệm giữ các cương vị lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền, các ban Đảng, MTTQ và các tổ chức chính chị các cấp.
Đối với cán bộ Hội, năm 2018 đến nay, từ Thành phố đến cơ sở có 150 cán bộ Hội được điều động, luân chuyển sang công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể. Tỷ lệ nữ được kết nạp vào Đảng chiếm 44,4% trong tổng số đảng viên được kết nạp (23.922/53.835), trong đó có 9.455 cán bộ, hội viên ưu tú do Hội Phụ nữ giới thiệu, góp phần tạo nguồn cán bộ nữ tại địa phương. Hà Nội tập trung làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ nguồn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương pháp công tác cho đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo quản lý và trong quy hoạch ở các cấp của Thành phố chưa tương xứng với tiềm năng của lực lượng phụ nữ Thủ đô
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội, để chuẩn bị Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2025-2030 và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Hội LHPN Hà Nội mạnh dạn đề xuất một số giải pháp sau: Thứ nhất: Cấp uỷ các cấp, nhất là người đứng đầu tiếp tục quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác phụ nữ và công tác cán bộ nữ, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy BCH TW Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ,các nội dung của Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư. Nghiên cứu thành lập Tổ theo dõi công tác cán bộ nữ ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành phố dưới sự chủ trì của Ban Tổ chức TW và Ban Tổ chức các tỉnh, thành ủy để kịp thời phát hiện, đề xuất các giải pháp đảm bảo tỷ lệ nữ lãnh đạo ở các cấp, nhất là những địa phương có tỷ lệ nữ chưa đảm bảo theo quy định; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện phân biệt đối xử, hẹp hòi, định kiến trong việc đánh giá tuyển chọn và đề bạt cán bộ nữ.
Thứ hai: Tiếp tục nghiên cứu rà soát hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách về bình đẳng giới và công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ, đảm bảo sự đồng bộ, thực hiện bình đẳng giới thực chất, đảm bảo tỷ lệ tham gia lãnh đạo quản lý ở các cấp. Quan tâm đào tạo, quy hoạch, luân chuyển, bố trí cán bộ nữ vào các chức danh lãnh đạo, quản lý có cơ cấu cấp ủy để chuẩn bị từ sớm cho nhân sự Đại hội Đảng nhiệm kỳ tới và bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 (nội dung này cần được thực hiện từ năm 2023, 2024 để chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới). Đề xuất cấp ủy có thẩm quyền không phê duyệt quy hoạch của cấp dưới nếu không đủ tỷ lệ cán bộ nữ.
Thứ ba: Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá của cấp ủy đối với cấp ủy trực thuộc trong việc thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư và các quy định về công tác cán bộ nữ. Hằng năm, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp duy trì gặp gỡ và tiếp xúc đối thoại với đại biểu các tầng lớp phụ nữ và đội ngũ cán bộ nữ để lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của phụ nữ địa phương. Chỉ đạo triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bình đẳng giới làm cơ sở cho việc nghiên cứu, hoạch định chính sách về bình đẳng giới và công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ; chỉ đạo thực hiện đồng bộ việc tổng hợp, phân tích dữ liệu giới ở các địa phương.
Thứ tư: Phát huy vai trò của các cấp Hội phụ nữ, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ trong tham mưu các giải pháp tăng cường tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp, gặp gỡ, động viên, tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm để cán bộ nữ nỗ lực rèn luyện, phấn đấu trưởng thành.
Hiện nay, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt trên 30%, cao nhất từ Quốc hội khóa VI trở lại đây, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp đều đạt 29%, cao hơn nhiệm trước.
Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (tháng 6 năm 2023), Việt Nam đã tăng 11 bậc về bình đẳng giới so với năm 2022, từ thứ hạng 83 lên 72 trong số 146 nước tham gia bảng xếp hạng.
Đặc biệt, trong lĩnh vực chính trị, Việt Nam xếp từ thứ hạng 106 năm 2022 lên thứ hạng 89 năm 2023 (tăng 27 bậc), trong đó tỷ lệ nữ trong nghị viện xếp hạng 53.