Hội LHPN Hà Nội:
Tham quan nhiều mô hình làm kinh tế giỏi tại các tỉnh Tây Nam Bộ
(PNTĐ) - Từ ngày 26-29/3/2025, đoàn công tác của Hội LHPN thành phố Hà Nội do đồng chí Lê Kim Anh, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội và đồng chí Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Thường trực dẫn đầu đã tới TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền tây Nam bộ tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm các mô hình làm kinh tế giỏi và xây dựng nông thôn mới. Đây là hoạt động nằm trong đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025” do UBND thành phố Hà Nội phê duyệt.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả
Ngày 26/3, tại huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), với sự có mặt của đại diện lãnh đạo Hội LHPN các cấp TP Cần Thơ, đoàn đã tham quan, học tập mô hình phát triển du lịch cộng đồng Sông Hậu Farm. Đây là một trong những mô hình nổi bật kết hợp nông nghiệp sạch và du lịch sinh thái, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho phụ nữ nông thôn. Các thành viên đoàn đã được nghe giới thiệu về quy trình canh tác nông sản hữu cơ, mô hình homestay cộng đồng và nghe chia sẻ về cách vận hành hiệu quả từ các nữ chủ doanh nghiệp.
Tiếp đó, đoàn thăm mô hình Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Vy (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ). HTX Nam Vy là mô hình điển hình về sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, với sự tham gia tích cực của phụ nữ trong các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hội Phụ nữ các cấp 2 đơn vị đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ về phương pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp bền vững, cũng như chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Ngoài ra, đoàn cũng được Hội LHPN huyện Cờ Đỏ giới thiệu sản phẩm Trà mãng cầu Kim Nhiên, thương hiệu đạt chuẩn OCOP4 do phụ nữ làm chủ.
Ngày 28/3, đoàn đã có buổi làm việc với Hội LHPN tỉnh Bến Tre. Tiếp đoàn có đồng chí Võ Thị Ái Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre cùng đại diện lãnh đạo các ban chuyên môn của Hội. Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, đặc biệt là công tác quản lý, vận hành các nguồn quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình. Hội LHPN tỉnh Bến Tre chia sẻ nhiều mô hình hiệu quả đã giúp chị em phụ nữ nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững, phát triển các ngành nghề đặc trưng của địa phương như chế biến dừa, thủ công mỹ nghệ...
Tại Bến Tre, đoàn cũng đã đến thăm và làm việc tại Công ty TNHH Vĩnh Tiến - doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm bánh kẹo từ dừa, một trong những thương hiệu nổi tiếng tại Bến Tre. Bà Đặng Thị Trúc Lan Chi, Giám đốc Công ty, Chủ tịch Hội Nữ Doanh nhân tỉnh Bến Tre tiếp đón và chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp cũng như những thách thức trong việc đưa sản phẩm đặc sản của Bến Tre vươn ra thị trường trong nước và quốc tế. Công ty Vĩnh Tiến không chỉ chú trọng sản xuất kinh doanh mà còn có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ tại địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn, giúp họ có thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trước đó, đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Định Thuỷ, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre trao đổi kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế địa phương, tham quan Hợp tác xã nông nghiệp Định Thủy. HTX là một trong những mô hình tiêu biểu về thu gom và sơ chế dừa tại Bến Tre. Đây là mô hình kinh tế tập thể giúp nâng cao giá trị cây dừa, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nữ tại địa phương.
“Chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bến Tre, TP Cần Thơ là hoạt động ý nghĩa, thực tế và bài học quý báu cho đoàn công tác. Những hoạt động ý nghĩa này không chỉ góp phần tăng cường sự kết nối giữa Hội LHPN Hà Nội với Hội LHPN các tỉnh, mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững”- Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương nhấn mạnh.
Thăm Bến Nhà Rồng, Dinh Độc lập
Hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), nhân chuyến công tác tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nam Bộ, trong 2 ngày 29 và 30/3, đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội do đồng chí Lê Kim Anh, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội dẫn đầu đã đến thăm Bến Nhà Rồng, nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (sau này là Bác Hồ kính yêu) ra đi tìm đường cứu nước. Tại đây, đồng chí Lê Kim Anh cùng các đại biểu đã thành kính dâng hương, dâng hoa trước tượng đài Hồ Chủ tịch, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn trước công ơn to lớn của Người đã đưa đất nước, dân tộc thoát cảnh lầm than, giành tự do, độc lập. Đoàn đã tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, nơi lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu quý giá về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác.

Tiếp đó, đoàn đến tham quan Dinh Độc Lập, công trình gắn liền với sự kiện lịch sử trọng đại ngày 30/4/1975. Dinh Độc Lập không chỉ là một “chứng nhân” lịch sử, nơi lưu dấu mốc son chói lọi - chiến thắng ngày 30/4/1975, mà còn là một biểu tượng của sự hòa hợp, thống nhất đất nước, đúng như tên gọi ngày nay của công trình này - Hội trường Thống Nhất, ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước sạch bóng thù. Tại đây, đoàn đã được nghe giới thiệu về quá trình hình thành và lịch sử của Dinh Độc Lập, tìm hiểu về những thời khắc quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau 50 năm, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập vẫn là biểu tượng của chiến thắng lịch sử, khẳng định tinh thần yêu nước và sự hy sinh anh dũng của bao thế hệ người Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.
Cùng ngày, đoàn đã đến dâng hương tại đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định tại TP Hồ Chí Minh, nhân dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh của bà (15/3/1920 - 15/3/2025). Tại đây, những câu chuyện kể về nữ tướng Nguyễn Thị Định được đại diện gia đình chia sẻ đã giúp đoàn công tác hiểu rõ hơn về vai trò quan trọng của phụ nữ trong đấu tranh giành độc lập, đặc biệt là hình ảnh các bà, các mẹ, các chị trong “Đội quân tóc dài” - những người đã trực tiếp tham gia các cuộc đấu tranh chính trị, hậu cần, tiếp tế lương thực, tải thương, góp phần không nhỏ vào thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
50 năm sau ngày đất nước thống nhất, hình ảnh nữ tướng Nguyễn Thị Định vẫn sống mãi trong lòng nhân dân, là tấm gương sáng ngời về tinh thần kiên trung, bất khuất của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Trước đó, đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội đã đến thăm những “địa chỉ đỏ” như: Khu Di tích lịch sử căn cứ Vườn Mận (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) là di tích gắn liền với những năm tháng đấu tranh gian khổ nhưng đầy kiên cường, bất khuất của quân và dân miền Tây Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ; Khu Di tích lịch sử quốc gia Đồng Khởi, nơi ghi dấu sự kiện ngày 17/1/1960, nhân dân Bến Tre vùng lên khởi nghĩa chống Mỹ - Diệm, mở đầu cho phong trào Đồng khởi lan rộng khắp miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của bà Nguyễn Thị Định, phong trào Đồng khởi đã trở thành cột mốc quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Nhân dịp này, Hội LHPN Hà Nội đã trao 10 suất quà đến các nữ cựu tù chính trị của Thành phố, thể hiện sự tri ân sâu sắc với những hy sinh đóng góp to lớn của họ; tặng 10 suất quà đến các má, các cô là phụ nữ tiêu biểu từng tham gia Đội quân tóc dài và phong trào Đồng khởi.
Trong chương trình, đoàn công tác đã tham dự lễ bàn giao "Mái ấm tình thương" do Hội LHPN Hà Nội hỗ trợ xây dựng, dành tặng bà Võ Thị Đủ, nguyên nữ chiến sĩ “Đội quân tóc dài”, từng tham gia phong trào Đồng khởi trong kháng chiến chống Mỹ. Tại lễ bàn giao, Hội LHPN Hà Nội đã trao tặng gia đình bà Võ Thị Đủ những phần quà ý nghĩa. Dịp này, Hội LHPN các quận Thanh Xuân, Hà Đông và các huyện Đan Phượng, Ứng Hoà và Gia Lâm đã gửi tặng bà Võ Thị Đủ thêm kinh phí giúp gia đình bà có điều kiện mua sắm thiết bị sinh hoạt trong ngôi nhà mới.