Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số

Bài và ảnh: Thanh Thanh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hội LHPN Hà Nội vừa tổ chức Cuộc thi tuyên truyền viên giỏi trong vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng khu vực dân tộc thiểu số, miền núi năm 2024 tại huyện Quốc Oai.

Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, 94 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10; đồng thời thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Sân chơi bổ ích từ cuộc thi

Tại cuộc thi, 7 đội thi tại 2 xã Phú Mãn và Đông Xuân cùng trải qua 3 phần thi: “Kiến thức” với các câu hỏi trắc nghiệm tìm hiểu về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình; “Xử lý tình huống” thông qua hình thức sân khấu hóa để giải quyết tình huống thường gặp liên quan đến những tập tục văn hóa có hại, một số vấn đề xã hội cấp thiết ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ, trẻ em và phần thi “Nét đẹp văn hóa dân tộc” với các tiết mục nghệ thuật múa, trình diễn trang phục của dân tộc… thể hiện nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số.

Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số - ảnh 1
Chị em trong CLB Cồng Chiêng xã Phú Mãn tham gia cuộc thi.

Bà Nguyễn Thị Oanh, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Cổ Rùa và hiện là Chủ nhiệm CLB Cồng Chiêng xã Phú Mãn cho biết: "Chúng tôi rất phấn khởi khi được tham gia cuộc thi do Hội Phụ nữ TP Hà Nội tổ chức ngay chính tại quê hương. Vui mừng hơn khi chúng tôi được chào đón các đại biểu về tham dự cuộc thi bằng những tiếng cồng chiêng vui tươi, tưng bừng.  Với mong muốn giới thiệu nét văn hóa truyền thống quê hương, những ngày qua, chị em thành viên CLB chúng tôi đã luyện tập hăng say để trình diễn đánh cồng chiêng với các bài “Đi đường”, “Bông trắng”..."

Bà Oanh cho biết thêm, CLB Cồng Chiêng được thành lập từ năm 2015 với 60 thành viên thuộc địa bàn 5 thôn. Nhiều gia đình có cả bà, mẹ và con gái cùng tham gia luyện tập cồng chiêng.

Là thành viên đội thi đã giành giải Nhất tại cuộc thi, em Nguyễn Anh Việt, thôn Đồng Bèn, xã Đông Xuân phấn khởi: Em là một trong những thành viên nam giới có mặt tại cuộc thi. Qua đây, em có cơ hội được tìm hiểu nhiều kiến thức bổ ích trong thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi. Trải qua các phần thi và các tình huống được các thành viên xây dựng kịch bản với nhiều hướng giải quyết phù hợp, đội thi mong muốn truyền tải thông điệp về xóa bỏ nạn tạo hôn, xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng.

Chị Bùi Thị Hằng, Chi hội phụ nữ thôn Cửa Khâu, xã Đông Xuân cho biết: Trước đây chị em hội viên phụ nữ rất “e ngại”, thậm chí nhiều chị không dám chia sẻ về các vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình, đến sức khỏe sinh sản; hay như việc tạo điều kiện cho phụ nữ làm mẹ an toàn; đối xử công bằng và tạo cơ hội như nhau giữa con trai và con gái… Nhưng thông qua cuộc thi này, chị em đã mạnh dạn chia sẻ, phán ảnh những vấn đề trong cuộc sống gia đình tương tự như những tình huống của cuộc thi đã đề cập. Từ đó có những trao đổi kinh nghiệm để xử lý tốt hơn khi gặp những vấn đề xảy ra trong cuộc sống gia đình.

Chị Nguyễn Thị Lợi, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Xuân cho biết: Trên địa bàn xã có 4 đội tham gia cuộc thi, trong đó huy động cả nam giới cùng vào cuộc. Để chuẩn bị tốt cho 3 phần thi, từ nhiều ngày trước đó, các thành viên trong các đội thi đã tạm gác công việc gia đình, tranh thủ thời gian hăng hái tập luyện. Qua cuộc thi, nhiều chị em đã hiểu được những định kiến giới và tư tưởng gia trưởng vốn là nguyên nhân gốc rễ của bạo lực trên cơ sở giới, từ đó có những biện pháp bảo vệ bản thân khi bị bạo lực và mạnh dạn chia sẻ với chị em trong tổ truyền thông cộng đồng để được tư vấn giúp đỡ.

Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số - ảnh 2
Nhiều gia đình cùng tham gia CLB Cồng Chiêng.

Còn với chị Bùi Thị Hoa, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Mãn, sau hội thi, mỗi đội thi sẽ trở thành tuyên truyền viên ngay tại cơ sở để tiếp tục tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những nội dung quan trọng trong thực hiện Dự án 8. Đồng thời lan tỏa những nét đẹp văn hóa truyền thống, phòng, chống bạo lực trong gia đình; bình đẳng giới, các thông điệp vợ chồng cần tôn trọng nhau, cùng chung tay vun đắp hạnh phúc gia đình.

Tích cực tuyên truyền sâu rộng về Dự án 8

Theo bà Phạm Thị Mỹ Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/10/2021 với 10 Dự án thành phần nhằm hỗ trợ phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó có Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.

Chính phủ đã giao cho Hội LHPN Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện Dự án 8. Bám sát chỉ đạo của Trung ương, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 257/KH-UBND về triển khai Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn I, cuối năm 2022-2025.

Trong đó giao Hội LHPN Thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ngành; UBND các huyện: Quốc Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức, Ba Vì, Chương Mỹ tham mưu UBND Thành phố triển khai thực hiện Dự án 8.

Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số - ảnh 3
Phần thi “Nét đẹp văn hóa dân tộc”.

Thực hiện Kế hoạch của UBND Thành phố, Hội LHPN Hà Nội đã cùng các sở, ngành, UBND 5 huyện chủ động, tích cực xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực triển khai khai thực hiện các nội dung Dự án 8 một cách nghiêm túc, trong đó tập trung cao cho công tác tập huấn, hướng dẫn, triển khai mô hình điểm, huy động được sự tham gia tích cực của hệ thống chính trị và cộng đồng vào việc xây dựng các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Mỹ Hoa nhấn mạnh: Để các chỉ tiêu của Dự án 8 theo kế hoạch của Thành phố được thực hiện hiệu quả, phấn đấu hoàn thành sớm so với tiến độ đề ra, trong thời gian tới cần có sự vào cuộc tích cực, sự phối hợp chặt chẽ của sở, ban, ngành Thành phố; đặc biệt là cấp ủy chính quyền, các ban, ngành đoàn thể địa phương và toàn thể nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Hà Nội; trong đó việc đổi mới nội dung/hình thức truyền thông, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” bằng hình thức sân khấu hóa để nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động tích cực về bình đẳng giới giữ vai trò quan trọng.

Cuộc thi là dịp để đội ngũ cán bộ cơ sở và thành viên Tổ truyền thông cộng đồng trên địa bàn tại 2 xã Phú Mãn và Đông Xuân, huyện Quốc Oai- vùng có đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được học tập, giao lưu, chia sẻ và nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong tuyên truyền vận động cộng đồng thực hiện các mục tiêu của Dự án 8; đồng thời giới thiệu tới công chúng những nét đẹp về văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thăm, chúc mừng các đơn vị quân đội nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Thăm, chúc mừng các đơn vị quân đội nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

(PNTĐ) - Sáng ngày 20/12, nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Đoàn công tác Hội LHPN Hà Nội do đồng chí Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội làm Trưởng đoàn đã đến thăm, chúc mừng Sư đoàn Phòng không 361 và Bộ Tư lệnh Thủ đô.