Thay đổi nhận thức, xóa bỏ khuôn mẫu giới tại vùng dân tộc thiểu số

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cụ thể tạo điều kiện để phụ nữ phát huy khả năng, sự đóng góp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có phụ nữ các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên trên thực tế, phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn đang phải đối mặt với nhiều quan niệm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng và trao cơ hội phát triển bình đẳng.

Gánh nặng việc nhà, chăm con của phụ nữ dân tộc thiểu số

“Gia đình tôi có 4 người gồm vợ chồng và 2 con nhỏ 2 tuổi và 1 tuổi. Do hoàn cảnh gia đình, chồng tôi đi làm thợ xây ở Hà Nội. Vì không có lớp học cho trẻ dưới 2 tuổi nên tôi phải ở nhà trông con. Công việc hàng ngày của tôi là chăm sóc con, giặt giũ và làm việc nhà. Hôm nào đi làm nương thì tôi phải gửi con nhà hàng xóm. Vướng bận con nhỏ, hầu như tôi không có thu nhập nên kinh tế rất bấp bênh” - đây là tâm sự của một phụ nữ người DTTS tại huyện Tam Đường, Lai Châu và cũng là câu chuyện của rất nhiều phụ nữ DTTS hiện nay. 

Thay đổi nhận thức, xóa bỏ khuôn mẫu giới tại vùng dân tộc thiểu số - ảnh 1
Nhiều phụ nữ DTTS vẫn mang gánh nặng việc nhà và chăm sóc không lương (Ảnh minh hoạ)

Tại Việt Nam, khoảng cách giới trong thị trường lao động nói chung đã được thu hẹp đáng kể trong giai đoạn 2010 - 2020, nhưng khoảng cách giới trong tiếp cận việc làm có chất lượng và phát triển nghề nghiệp vẫn còn rất lớn. Nguyên nhân một phần ở vấn đề gánh nặng của công việc chăm sóc không lương (CVCSKL) mà phụ nữ đang phải đảm trách. Theo kết quả Điều tra lao động việc làm năm 2020, trung bình phụ nữ dành khoảng 20,1 giờ mỗi tuần cho CVCSKL, gần gấp đôi thời gian của nam giới dành cho công việc này (10,7 giờ mỗi tuần). Trong cộng đồng đồng bào DTTS, khoảng cách này còn lớn hơn và trở thành một trong những trở ngại để phụ nữ DTTS có thể tham gia bình đẳng vào thị trường lao động.  

Theo thống kê, hiện nay, cả nước có khoảng hơn 13 triệu người DTTS, trong đó phụ nữ chiếm 49,8%. Tỷ lệ phụ nữ và nam giới tương đối cân bằng, nhưng phụ nữ DTTS đang là nhóm đối tượng yếu thế. Họ đang phải chịu nhiều thiệt thòi, bất bình đẳng về giới trong gia đình và ngoài xã hội. Vì thế, xóa bỏ quan niệm việc nhà là việc của phụ nữ là một trong những vấn đề cấp thiết đặt ra và cần giải quyết ở nhiều góc độ khác nhau. Góc độ đầu tiên là tuyên truyền để gỡ bỏ rào cản từ định kiến giới, bởi công việc chăm sóc gia đình do phụ nữ thực hiện không nhận được sự đánh giá và trân trọng từ các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là nam giới và cộng đồng.

Do đó, giải quyết các định kiến và chuẩn mực giới là bước đầu tiên trong việc phân bổ lại trách nhiệm chăm sóc và nội trợ giữa phụ nữ và nam giới, để từ đó, người phụ nữ có thể tham gia công bằng vào thị trường lao động, tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và nâng cao vị thế, tiếng nói của họ trong các quyết định liên quan. 

Ở góc độ tiếp theo, để cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới và gánh nặng CVCSKL cho phụ nữ DTTS, cần thay thế các thiết bị gia dụng hỗ trợ CVCSKL, giúp giảm đáng kể thời gian và công sức của phụ nữ. Nhà nước cần đầu tư thỏa đáng vào cơ sở hạ tầng và các dịch vụ xã hội, ưu tiên các công trình cơ sở hạ tầng có trách nhiệm giới; đầu tư cho các dịch vụ chăm sóc như trường mẫu giáo, cơ sở chăm sóc người già, người khuyết tật, truyền thông thay đổi định kiến giới… 

Thay đổi nhận thức, xóa bỏ khuôn mẫu giới tại vùng dân tộc thiểu số - ảnh 2
Phụ nữ vùng dân tộc thiểu số tại địa bàn huyện Gia Lai tham gia triển lãm "Chuyện trên dòng sông Ba" do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp Hội LHPN huyện la Pa tổ chức. (Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam).

Thực tế hiện nay cho thấy, tại các địa phương có người DTTS, một số dịch vụ có thể giúp giảm gánh nặng CVCSKL cho phụ nữ, giúp họ tìm việc làm có trả lương như dịch vụ nhà dưỡng lão cho người già, cơ sở dành cho người khuyết tật và giới thiệu việc làm cho phụ nữ... đang thiếu. Chỉ 11,4% hộ đồng bào DTTS cho biết sẵn có nhà dưỡng lão cho người già, 11,2% cho biết sẵn có trung tâm dành cho người khuyết tật và 18,9% cho biết sẵn có trung tâm giới thiệu việc làm cho phụ nữ…, theo khảo sát của Tổ chức CARE.

Xoá bỏ định kiến giới, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS

 Với vai trò là đơn vị chủ trì Dự án thành phần số 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, một trong 10 dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Hội LHPN Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động từ trung ương tới địa phương để thực hiện Dự án hiệu quả nhất.

Dự án thành phần số 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được Nhà nước giao cho Hội LHPN Việt Nam chủ trì. Đây là một trong 10 dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021. Dự án nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Dự án được thiết kế chú trọng 04 nội dung can thiệp đó là: 1) Tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; 2) Xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; 3) Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, giám sát và phản biện xã hội, nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số; 4) Nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị và già làng/trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng.

Thay đổi nhận thức, xóa bỏ khuôn mẫu giới tại vùng dân tộc thiểu số - ảnh 3
Sự thay đổi của cộng đồng về bình đẳng giới được chia sẻ bằng những câu chuyện người thật, việc thật tại sự kiện “Chuyện bên dòng sông Ba”.

Với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Dự án thành phần số 8, TƯ hội LHPN Việt Nam đã ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện Dự án và triển khai các hội nghị, hội thảo, tập huấn hướng dẫn triển khai các mô hình, hoạt động cụ thể của Dự án tới các địa phương và bước đầu thành lập, vận hành được mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng”, “Địa chỉ tin cậy”, “Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi” tại một số địa phương.

Tại tỉnh Gia Lai, địa phương được Hội LHPN Việt Nam lựa chọn thực hiện điểm Dự án thành phần số 8, toàn tỉnh đã thành lập 171 tổ truyền thông cộng đồng với 1.590 thành viên; thành lập mới 18 mô hình Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng với 400 thành viên, củng cố, nâng cao chất lượng của 18 mô hình địa chỉ tin cậy với 203 thành viên; thành lập 19 CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi với 570 thành viên. Hội LHPN Gia Lai chú trọng công tác tuyên truyền về Dự án thành phần số 8 trên các nhóm Zalo, fanpage và trang thông tin điện tử của Hội để cập nhật, chia sẻ thông tin đến cán bộ, hội viên trên địa bàn. Riêng tại huyện Ia Pa, từ khi triển khai dự án 8, bà con nơi đây đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống thường ngày. Nam giới đã tham gia làm việc nhà, chăm sóc con; trồng hoa làm đẹp cảnh quan; làm “cô đỡ thôn bản”…

Nạn nhân bị bạo lực gia đình đã biết tìm đến Địa chỉ an toàn; Hội nghị đối thoại chính sách với hội viên phụ nữ về chủ đề “phòng chống tảo hôn” thu hút gần 200 hội viên, thảo luận những vấn đề đã, đang diễn ra tại địa phương, tìm kiếm các giải phải pháp để thay đổi thực trạng; Các thành viên Câu lạc bộ (CLB) thủ lĩnh của sự thay đổi đã có 4 tác phẩm tranh vẽ tham gia cuộc thi “Lắng nghe em nói“; Từ gói hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số (PN DTTS) sinh đẻ an toàn tại cơ sở y tế và chăm sóc trẻ em Dự án đã hỗ trợ 18 trường hợp sinh đẻ an toàn; đồng thời truyền thông, cung cấp kiến thức, thông tin về chính sách của Nhà nước hỗ trợ đối với PN DTTS nghèo khi sinh đẻ an toàn tại cơ sở y tế, từ đó giảm tỷ lệ sinh con tại nhà.

Nhiều chị em đã được hưởng lợi từ những hoạt động của dự án 8. Tại sự kiện "Chuyện bên dòng sông Ba" do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội LHPN huyện Ia Pa, Bảo tàng tỉnh Gia Lai tổ chức tháng 11/2023, chị Sùng Y Múa (dân tộc Mông, xã Hang Kia, Mai Châu, Hòa Bình) cho biết:“Bám nương, bám rẫy, gia đình tôi chưa lúc nào đủ ăn. Tôi muốn thoát khỏi cuộc sống nghèo nàn, tôi muốn thay đổi. Năm 2012, người bản Lác đưa khách du lịch lên xã tôi nhiều, nhận thấy đây chính là cơ hội, tôi quyết tâm thoát nghèo với nghề du lịch. Ban đầu, tôi cho khách thuê phòng ngủ, sau đó cung cấp một số dịch vụ như nấu ăn, trải nghiệm cuộc sống địa phương. Vừa làm tôi vừa học. Năm 2016, vợ chồng tôi đầu tư xây dựng nhà sàn, triển khai thêm các loại hình trải nghiệm theo mô hình Homestay. Từ ngày có nhiều khách về bản, cuộc sống của bà con cũng được cải thiện. Tôi thấy vui vì mình đã góp phần giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa người Mông và tăng thu nhập cho mọi người”.

Hay chị Vàng Thị Cầu là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên tại xã Sà Phìn, Đồng Văn, Hà Giang. Từ khi còn rất nhỏ, được mẹ truyền dạy nghề dệt, chị Cầu thành thạo các công đoạn: trồng cây lanh, tước vỏ, se lanh, kéo sợi, dệt vải, hấp, nhuộm, vẽ hoa văn, thêu thùa, may thành váy áo… Là cán bộ của Hội LHPN huyện với mong muốn giúp chị em thoát nghèo và gìn giữ được nghề truyền thống, năm 2017 chị Cầu cùng những người phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, bị bạo lực gia đình, bị buôn bán qua biên giới… phát triển mô hình HTX Thổ cẩm Lanh trắng. Với 20 thành viên chủ chốt, HTX phát triển thêm 40 hộ gia đình liên kết. HTX đã làm ra hơn 70 dòng sản phẩm thổ cẩm thủ công mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông tiêu thụ trong nước và nước ngoài. Thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt từ 4 triệu đồng/người/tháng. Từ sự thay đổi của chị em trong HTX, chị Cầu khẳng định: “Phụ nữ có việc làm, có thu nhập là có sự bình đẳng và được tôn trọng, yêu thương”.

Chị Má Thị Di, 19 tuổi, dân tộc Mông, thị xã Sapa, Lào Cai đã vượt lên định kiến, xoá bỏ hũ tục. Chị kể, năm 15 tuổi, chị đã bị kéo về làm vợ. Chị không chấp nhận cuộc hôn nhân này, khi đó còn ít tuổi và không có tình yêu. Cùng với sự giúp đỡ của mẹ, chị đã vượt lên định kiến, quay trở về nhà để tiếp tục học tập. Sau đó, chị có người yêu, kết hôn khi ở tuổi trưởng thành, cuộc sống hạnh phúc…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thăm, chúc mừng các đơn vị quân đội nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Thăm, chúc mừng các đơn vị quân đội nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

(PNTĐ) - Sáng ngày 20/12, nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Đoàn công tác Hội LHPN Hà Nội do đồng chí Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội làm Trưởng đoàn đã đến thăm, chúc mừng Sư đoàn Phòng không 361 và Bộ Tư lệnh Thủ đô.