Thay đổi tư duy trong ứng dụng sản xuất nông nghiệp hàng hóa công nghệ cao

THANH THANH
Chia sẻ

(PNTĐ) -Ngày 27/5, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tọa đàm “Phát huy vai trò của các cấp Hội Phụ nữ trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao” trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hỗ trợ mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ

Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương phát biểu khai mạc tọa đàm, cho biết: “Những năm qua, Hội LHPN Hà Nội đã triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, giai đoạn 2021-2025”.

Các cấp Hội PN đã tuyên truyền sâu rộng, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ thay đổi tư duy, nhận thức về phát triển nông nghiệp; tích cực tham gia xây dựng các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương, góp phần hình thành nền kinh tế “xanh”, các vùng sản xuất nông sản sạch.

Chia sẻ tại hội nghị, đồng chí Thạch Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm cho biết: Hội PN huyện đã kết nối, hỗ trợ chị em vay vốn ưu đãi từ các ngân hàng, hỗ trợ đăng ký thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm với các mô hình: Trồng rau thủy canh của bà Đặng Thị Phác, xã Đa Tốn; nuôi nấm linh chi, nấm đông trùng hạ thảo của chị Vũ Thị Thập, xã Phú Thị. Tháng 3/2022, Huyện Hội đã hỗ trợ vay vốn, hoàn thiện hồ sơ để thành lập Hợp tác xã (HTX) Dược liệu Phú Thị gồm 7 thành viên, trong đó có 3 thành viên là phụ nữ.

Trên diện tích khoảng10.000m2, HTX trồng cây sả, chanh, bồ kết làm nguyên liệu để sản xuất trà thảo dược, dầu gội thảo dược, nước rửa chén thảo dược đạt tiêu chuẩn chất lượng được cơ quan y tế công nhận; sản phẩm có mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc và được bày bán tại các siêu thị. Ngoài ra, các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập 10 tổ hợp tác, 2 tổ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn với 330 hội viên. Việc tham gia các mô hình tổ liên kết, tổ hợp tác đã giúp các hội viên có thu nhập bình quân ổn định từ 7-10 triệu đồng/tháng.

Theo đồng chí Đỗ Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Thụy An, huyện Ba Vì cho biết: Từ năm 2013, Hội PN và Hội Nông dân xã đã phối hợp thành lập Hội chăn nuôi gà đồi và HTX gà đồi với 10/24 thành viên là hội viên phụ nữ. HTX đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình phát triển chuỗi sản xuất chăn nuôi gà đồi theo hướng an toàn sinh học. Năm 2016, HTX đã xây dựng thương hiệu “Gà đồi Ba Vì”, góp phần mang lại thu nhập đạt trên 250 triệu đồng/hộ/năm. Năm 2021, HPN đã thành lập mô hình “Tổ liên kết trồng rau hữu cơ” với 22 thành viên, được truyền thông kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. 

Thay đổi tư duy trong ứng dụng sản xuất nông nghiệp hàng hóa công nghệ cao - ảnh 1
Các đại biểu thăm quan mô hình HTX nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương, huyện Đông Anh

Ứng dụng công nghệ cao trong phát triển sản xuất

Chị Phạm Thị Lý - Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương, huyện Đông Anh cho biết: Mới đây, được sự đồng hành và cố vấn của các nhà khoa học hàng đầu, HTX đã thành công sáng chế chế phẩm sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi; chế phẩm dinh dưỡng tạo thành một bộ sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ vi sinh hoàn nguyên, hoàn trả dinh dưỡng cho đất và bảo vệ môi trường rất hiệu quả.

Ngoài ra, chị Lý cùng đồng sự tiếp tục nghiên cứu, phân lập các chủng vi sinh vật bản địa hữu ích để tạo ra một bộ chế phẩm hữu cơ vi sinh được làm từ thảo mộc tự nhiên, thân thiện với môi trường và không độc hại với người sử dụng. 

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng được lắng nghe nhiều ý kiến chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nhằm phát huy vai trò của các cấp Hội phụ nữ trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao như: Mô hình nuôi cấy mô hoa cúc F1 trong phòng thí nghiệm của chị Nguyễn Thị Hà, hội viên chi hội thôn Đại Bái, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh; các giải pháp hỗ trợ phụ nữ sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao của Hội LHPN huyện Hoài Đức...

Theo đồng chí Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, hiện nay, các địa phương chuyển sang thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, hoạt động của các cấp Hội PN đã và đang lựa chọn các nội dung phù hợp để tiếp tục phát huy vai trò trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Trong đó, quan tâm đặc biệt đến việc hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao (nhất là công nghệ sinh học) trong sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị gắn với hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường.

Đặc biệt, nhiều mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ đã vừa sáng tạo chuyển đổi sản xuất, vừa bảo tồn các nghề truyền thống; đưa các giá trị văn hóa vào phát triển kinh tế theo hướng bền vững, an toàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái.

Hiện, các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập 17 hợp tác xã, 20 tổ hợp tác, 50 tổ liên kết do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất như: HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ Cuối Quý (huyện Đan Phượng), HTX nông nghiệp hữu cơ Tàm Xá (huyện Đông Anh); HTX gạo hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ)... Các cấp Hội cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển thương mại điện tử nhằm hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương, kết nối nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng trên địa bàn TP.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Hương cho biết thêm: Trong thời gian tới, các cấp Hội cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ và nhân dân về lợi ích, sự cần thiết tham gia kinh tế tập thể, liên kết trong sản xuất, kinh doanh để việc phát triển sản xuất hàng hóa có tính cạnh tranh, thích ứng với kinh tế thị trường.

Chủ động đề xuất, liên kết của các ngành, các hiệp hội nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, trước hết là các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn trong quá trình hỗ trợ các tổ liên kết, tổ hợp tác, hỗ trợ hội viên phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, quảng bá hình ảnh, thương hiệu, tìm “đầu ra” cho sản phẩm. Triển khai và thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi hội viên phụ nữ tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật.

Đẩy mạnh thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp. Hỗ trợ phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn của các tổ chức, quỹ tín dụng, quỹ hỗ trợ phát triển, khởi nghiệp. Tiếp tục tổ chức các hoạt động giao lưu kết nối, quảng bá, trưng bày giới thiệu sản phẩm. chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và mở rộng hoạt động hình thành chuỗi kết nối trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp do nữ làm chủ.

Chương trình có sự phối hợp của Chương trình Điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các cấp Hội Phụ nữ cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống, tham gia chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Hội LHPN quận Tây Hồ: Đẩy mạnh kiểm tra hoạt động vay vốn ngân hàng trên địa bàn

Hội LHPN quận Tây Hồ: Đẩy mạnh kiểm tra hoạt động vay vốn ngân hàng trên địa bàn

(PNTĐ) - Nhằm tiếp tục đưa hoạt động ủy thác cho vay để giải quyết việc làm cho hộ cận nghèo, đối tượng chính sách từ nguồn vốn vay của ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSSH) được hiệu quả, kịp thời phát hiện vấn đề cần khắc phục…  thời gian qua, Hội LHPN quận Tây Hồ đã xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra, giám sát với công tác ủy thác cho vay trên địa bàn quận.
Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

(PNTĐ) - Tối 22/4, Hội LHPN quận Đống Đa tổ chức “Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo”. Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương; Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy; Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Nguyễn Anh Cường đến dự.