Tỉnh Ninh Thuận: Dự án 8 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước xóa bỏ định kiến giới
(PNTĐ) - Tại Ninh Thuận, Dự án 8 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được triển khai tại 6 huyện, 23 xã, 71 thôn đặc biệt khó khăn, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Raglai sinh sống. Sau 3 năm thực hiện, nhờ sự chỉ đạo sâu sát, định hướng của Hội LHPN Việt Nam, cấp ủy, chính quyền, vai trò chủ trì tham mưu của Hội LHPN tỉnh và sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành, Dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ quyền lợi phụ nữ, trẻ em.
Với cách tiếp cận phù hợp và sự chỉ đạo sát sao, Hội LHPN tỉnh Ninh Thuận đã chủ trì tham mưu kế hoạch triển khai, thành lập Ban điều hành và tổ chức giao ban định kỳ với Hội Phụ nữ các huyện, bảo đảm đồng bộ và hiệu quả trong thực hiện.
Để việc chỉ đạo, điều hành thực hiện Dự án hiệu quả, Hội Phụ nữ tỉnh đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Dự án 8; tổ chức Đoàn làm việc với Thường trực huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện và các đơn vị liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ Hội LHPN 6 huyện trong triển khai thực hiện Dự án 8; thành lập Ban điều hành Dự án 8 gồm 07 đồng chí, tổ giúp việc gồm 02 đồng chí; phân công lãnh đạo và cán bộ phụ trách địa bàn để hỗ trợ hoạt động cho các huyện; duy trì lịch họp giao ban hàng tháng của Ban điều hành và tổ giúp việc Dự án 8 Hội LHPN tỉnh với Thường trực, cán bộ phụ trách Dự án 8 của Hội LHPN các huyện để kịp thời nắm bắt tình hình, tiến độ triển khai thực hiện và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các huyện.
Đồng thời, chỉ đạo Hội LHPN 6 huyện tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động Dự án 8 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và chỉ tiêu giao. Để đảm bảo tính khả thi, Hội đã chia nhỏ các chỉ tiêu theo từng nhóm nội dung, từng năm và phân bổ cụ thể đến từng huyện, phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ sở.
Tính đến tháng 4 năm 2025, các chỉ tiêu của tỉnh cơ bản hoàn thành. Toàn tỉnh đã thành lập và duy trì 77 tổ truyền thông cộng đồng; hỗ trợ 04 tổ, nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã, có phụ nữ Raglai làm chủ hoặc tham gia quản lý, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường; củng cố và nâng chất lượng 08 địa chỉ tin cậy cộng đồng, trở thành điểm tựa an toàn cho phụ nữ và trẻ em; thành lập 14/15 CLB thủ lĩnh của sự thay đổi với 420 thành viên, tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực và kỹ năng sống.
Các cấp Hội tổ chức 38 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn với 1.900 phụ nữ DTTS tham gia, góp ý vào quá trình xây dựng chính sách. Tổ chức các lớp tập huấn về bình đẳng giới và lồng ghép giới cho cán bộ các cấp và cộng đồng.

Để duy trì các chỉ tiêu đề ra, Hội đã phân nhóm chỉ tiêu theo 4 nhóm trọng tâm đó là:
Về hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức: Tập trung lựa chọn nội dung phù hợp với văn hóa địa phương, sử dụng đa dạng hình thức truyền thông (trực tiếp, gián tiếp, qua truyền thông cộng đồng), phát huy vai trò của 77 tổ truyền thông cộng đồng với 714 thành viên (410 nữ, 304 nam). Chú trọng tập huấn, hướng dẫn các hình thức truyền thông có ứng dụng công nghệ thông tin để giúp thành viên Tổ truyền thông cộng đồng nắm bắt và truyền đạt kịp thời đến người dân tại địa phương.
Về hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực: Chú trọng xác định nhu cầu thực tế, xây dựng chương trình tập huấn thiết thực, áp dụng phương pháp đào tạo có sự tham gia, nâng cao năng lực cho 30 cán bộ nữ DTTS cấp huyện, xã. Tổ chức 03 Hội thảo tại các huyện (Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc) về giải pháp tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý tại địa phương.
Hỗ trợ sinh kế, phát triển kinh tế: Hàng năm, kết hợp tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ Raglai tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, phương pháp quản lý nguồn vốn. Hỗ trợ ứng dụng công nghệ 4.0 để phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi quảng bá sản phẩm bản địa, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử; liên kết với các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp, ngân hàng, để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp nữ.
Kiểm tra, giám sát và xây dựng mô hình điểm: Tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất, có sự tham gia của cộng đồng, tham dự các buổi truyền thông, sinh hoạt của các mô hình.
Dự án 8 đã góp phần rõ nét vào thay đổi nhận thức, hành vi trong cộng đồng, hạn chế tình trạng tảo hôn, bạo lực gia đình, nâng cao vai trò phụ nữ trong gia đình và xã hội, từng bước xóa bỏ định kiến giới.
Phát huy những kết quả, kinh nghiệm đã đạt được, trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Ninh Thuận đề nghị Trung ương Hội LHPN Việt Nam, các bộ ngành tiếp tục quan tâm định hướng, chỉ đạo để việc triển khai Dự án giai đoạn 2026 - 2030 thiết thực, hiệu quả, mang lại những đổi thay tích cực và lâu dài cho cộng đồng.