Hội LHPN Hà Nội:

Trang bị kiến thức pháp luật về phòng chống mua bán người cho cán bộ Hội

P.V
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống mua bán người và Ngày toàn dân phòng chống mua bán người, chiều ngày 21/7, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật về phòng chống mua bán người và phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em. Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến trên fanpage Hội LHPN Hà Nội.

Tham dự hội nghị có: Bà Lê Thị Thiên Hương, Phó chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, bà Dương Thị Lý Anh, Ủy viên ban Thường vụ, Trưởng ban Chính sách-Luật pháp cùng các đồng chí là Thường vụ, cán bộ hội phong trào các ban, đơn vị Hội LHPN Hà Nội, lãnh đạo và cán bộ Hội LHPN quận/huyện/thị xã, các đơn vị trực thuộc, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật do Hội LHPN Hà Nội quản lý.

Trang bị kiến thức pháp luật về phòng chống mua bán người  cho cán bộ Hội - ảnh 1
Bà Lê Thị Thiên Hương, Phó chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cùng Thường vụ, cán bộ hội phong trào Hội LHPN Hà Nội, lãnh đạo và cán bộ Hội Phụ nữ các quận/huyện/thị xã tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, tiến sĩ Đỗ Xuân Lân, Chánh văn phòng Đảng, Đoàn thể, Bộ Tư pháp làm báo cáo viên đã phổ biến các nội dung về pháp luật phòng, chống mua bán người, các tội phạm liên quan đến mua bán người; nhận diện các hành vi xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em; các tội phạm về xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em.

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người ở nước ta diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Mua bán người là tội phạm có nguồn thu lợi bất chính cao, chỉ sau ma túy và mua bán vũ khí. Vì vậy, mua bán người được Liên hợp quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào “Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu”. Việt Nam đã và đang nỗ lực đẩy lùi loại tội phạm này.

Trang bị kiến thức pháp luật về phòng chống mua bán người  cho cán bộ Hội - ảnh 2
Tiến sĩ Đỗ Xuân Lân - Chánh văn phòng Đảng, Đoàn thể, Bộ Tư pháp báo cáo viên tại hội nghị

Theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, từ năm 2010 đến tháng 6/2021, đã phát hiện xảy ra gần 3.500 vụ, với 5.000 đối tượng, lừa bán gần 7.500 nạn nhân. Riêng từ năm 2019 đến nay, đã phát hiện xảy ra hơn 370 vụ, với gần 500 đối tượng, lừa bán hơn 550 nạn nhân. Tội phạm mua bán người đã xuất hiện trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố.

Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà còn xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê.... Thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi, phức tạp, chủ yếu là lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, trình độ học vấn thấp, nhẹ dạ cả tin của người bị hại để lừa bán nạn nhân từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp, hoặc ra nước ngoài…

Trang bị kiến thức pháp luật về phòng chống mua bán người  cho cán bộ Hội - ảnh 3
Lãnh đạo các Ban (Hội LHPN Hà Nội) tham gia tập huấn

Theo tiến sĩ Đỗ Xuân Lân, hậu quả của nạn buôn bán người không chỉ chà đạp lên danh dự nhân phẩm của con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, mà hậu quả đó còn dai dẳng đi suốt cuộc đời của nạn nhân. Do đó, bên cạnh việc giải cứu nạn nhân thì việc bảo vệ nạn nhân sau đó cũng rất quan trọng. Cần giữ bí mật về nơi cư trú, nơi làm việc, học tập của nạn nhân và người thân thích của họ. Có các biện pháp ngăn chặn hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của nạn nhân, người thân thích của họ theo quy định. Đồng thời cần bảo đảm bí mật thông tin về nạn nhân, người thân thích của họ theo quy định của pháp luật.

Để có chế tài pháp luật trong phòng chống mua bán người, ngày 29/3/2011, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống mua bán người số 66/2011/QH12 trong đó tại Điều 4 của Luật đã quy định một số nguyên tắc cơ bản phòng, chống mua bán người như: Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; Giải cứu, bảo vệ, tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân kịp thời, chính xác, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và không bị kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân; Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mua bán người; Mọi hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người đều phải được ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời và chính xác…

Trang bị kiến thức pháp luật về phòng chống mua bán người  cho cán bộ Hội - ảnh 4
 Bà Dương Thị Lý Anh, Ủy viên ban Thường vụ, Trưởng ban Chính sách-Luật pháp, Hội LHPN Hà Nội bế mạc hội nghị

Qua thực tiễn đấu tranh phòng, chống mua bán người lâu nay cho thấy, việc phát hiện, truy bắt, xử lý kẻ mua bán người lâu nay vẫn còn tồn tại hạn chế như chỉ giải quyết được phần ngọn chứ chưa giải quyết được cái gốc của vấn đề - nguyên nhân, điều kiện của tình trạng mua bán người.

 Vì vậy, cuộc đấu tranh này chỉ thực sự có hiệu quả khi chúng ta làm tốt công tác phòng ngừa (cả phòng ngừa chung lẫn phòng ngừa riêng) với sự tham gia của toàn thể xã hội, từ những cá nhân, gia đình tới các cơ quan, tổ chức để góp phần giải quyết cơ bản căn nguyên của hoạt động mua bán người.

 Tuy nhiên, chỉ thực hiện tốt công tác phòng ngừa mà không quan tâm đúng mức tới công tác phát hiện, xử lý các hành vi mua bán người cũng như những hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người thì việc đấu tranh phòng, chống mua bán người cũng không có hiệu quả. Do đó, sự kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và đấu tranh xử lý những hành vi mua bán người và những hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực này phải được xem là nguyên tắc đầu tiên, quan trọng nhất trong đấu tranh phòng, chống mua bán người.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giáo dục truyền thống cho phụ nữ Thủ đô trong kỷ nguyên mới

Giáo dục truyền thống cho phụ nữ Thủ đô trong kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Giáo dục truyền thống cho phụ nữ Thủ đô trong kỷ nguyên mới không chỉ khơi dậy niềm tự hào về quá khứ mà còn là bước đi chiến lược để phụ nữ Thủ đô tự tin khẳng định vị trí của mình, đưa Thủ đô và đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh.
Những “bông hồng thép” làm nên “huyền thoại Trường Sơn”

Những “bông hồng thép” làm nên “huyền thoại Trường Sơn”

(PNTĐ) - Họ là những “bông hồng thép” trong Đại đội nữ lái xe Trường Sơn - đại đội nữ duy nhất đảm nhiệm công việc không kém gì nam giới, nữ cựu thanh niên xung phong trở về từ trong bão lửa chiến tranh, viết nên những trang sử anh hùng trên cung đường huyền thoại. Họ là những người mẹ, người vợ nơi hậu phương suốt bao năm thuỷ chung chờ đợi chồng, cha là chiến sĩ trở về, chấp nhận mất mát, hi sinh để cùng viết lên những câu chuyện tình yêu vượt thời gian… Những câu chuyện của họ thật bình dị mà quá đỗi phi thường, đã khắc hoạ một bức tranh lịch sử hào hùng, bi tráng của dân tộc trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại.
Phụ nữ Hà Nội: Anh dũng, đảm đang cùng dân tộc làm nên bản hùng ca lịch sử

Phụ nữ Hà Nội: Anh dũng, đảm đang cùng dân tộc làm nên bản hùng ca lịch sử

(PNTĐ) - Trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Hà Nội nói riêng đã đóng góp công sức, trí tuệ và máu xương cho sự nghiệp đấu tranh dành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phụ nữ Hà Nội không phân biệt tuổi tác, trình độ, giai cấp…đã anh dũng đóng góp sức mình để cùng tiền tuyến làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.