Tránh “nói nhiều làm ít” trong thực hiện chính sách bình đẳng giới
(PNTĐ) -Tiếp tục chương trình giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động năm 2023, ngày 14/7, đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Ủy viên BCH Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội cùng các thành viên trong Đoàn Giám sát liên ngành của Thành phố đã có buổi làm việc với Công ty CP Môi trường đô thị Gia Lâm và lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm.
Thực hiện chính sách riêng cho lao động nữ
Công ty CP Môi trường đô thị Gia Lâm (tiền thân là Xí nghiệp Môi trường đô thị huyện Gia Lâm) là doanh nghiệp Nhà nước với lĩnh vực kinh doanh chủ yếu là cung ứng dịch vụ công ích, trong đó có dịch vụ duy trì vệ sinh môi trường trên địa bản huyện Gia Lâm và quận Long Biên. Tổng số lao động tại doanh nghiệp (tính đến ngày 30/06/2023) có 654 người; trong đó số lao động nữ là 427 người chiếm 65%;
Báo cáo với đoàn giám sát, bà Huỳnh Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc công ty cho biết: Thực hiện Luật Lao động, Luật bình đẳng giới, Công ty đã xây dựng Thỏa ước lao động và Nội quy lao động. Công ty đảm bảo bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, tiền lương, khen thưởng, thăng tiến, trả công lao động, các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ốm đau, thai sản, các chế độ phúc lợi khác về vật chất và tinh thần.
Về tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, thăng tiến: Các tiêu chí tuyển dụng phụ thuộc vào công việc cần tuyển, không phân biệt nam, nữ. Năm 2022, công ty có 2 cán bộ quy hoạch lãnh đạo và chủ chốt là nữ.
Theo bà Huỳnh Thị Thu Hiền, lao động nữ trong công ty được đảm bảo nghỉ đủ 6 tháng, trợ cấp thêm 1.000.000 đồng/lần sinh và đảm bảo việc làm sau khi nghỉ thai sản; hiện không có trường hợp nào công ty sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng với lao động nữ. Công ty có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động nữ.
Chỉ đạo thúc đẩy bình đẳng giới
Làm việc tại huyện Gia Lâm, Đoàn giám sát liên ngành Thành phố đã nghe đồng chí Nguyễn Đức Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm và đại diện các ban, ngành liên quan trực tiếp báo cáo về kết quả việc thực hiện quy định pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động trên địa bàn huyện Gia Lâm.
Theo đó, toàn huyện hiện có 8.291 công chức, viên chức và người lao động là nữ; số nữ lao động ngoài khu vực nhà nước là 4.864 người. Tổng số hội viên phụ nữ trong tổ chức hội phụ nữ trên toàn huyện là 46.282 hội viên.
UBND huyện quan tâm quán triệt việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến lao động nữ và bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động; đồng thời chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động. 6 tháng đầu năm 2023 đã giải quyết việc làm cho 2.273 lao động nữ; Từ năm 2010-2019, UBND huyện đã tổ chức 223 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 7.662 người tham gia; 6 tháng đầu năm 2023 đã chỉ đạo giải ngân nguồn vốn vay giải quyết việc làm 89,7 tỷ đồng cho 1.500 người vay, trong đó có 900 người vay vốn là nữ. Hàng năm, từ nguồn ngân sách UBND huyện đầu tư kinh phí từ 65 triệu đến 100 triệu đồng; UBND xã, thị trấn đầu tư kinh phí từ 10 triệu đến 12 triệu đồng cho công tác bình đẳng giới.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, năm 2023, UBND huyện chưa ghi nhận phản ánh, kiến nghị nào liên quan đến công tác phân công nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nói chung và nữ lao động nói riêng. Trong các đơn vị, doanh nghiệp việc tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ốm đau đối với lao động nữ trong các doanh nghiệp được thực hiện bình đẳng như nam giới, có vị trí việc làm người lao động nữ được ưu tiên tuyển dụng hơn so với nam giới như: ngành dệt may, da giày, bán hàng...
Tăng cường hoạt động kiểm tra, hậu kiểm tra
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng đoàn Giám sát liên ngành Thành phố cho biết, đây là buổi giám sát thực hiện quy định pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động thứ 2 trong năm 2023 của Đoàn giám sát liên ngành Thành phố (Trước đó, đoàn đã có buổi giám sát tại quận Thanh Xuân).
Hoạt động giám sát không chỉ đánh giá việc triển khai thực hiện nhữngquy định liên quan đến việc đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực laođộng mà còn nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, cácdoanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả quy định pháp luật thúcđẩy bình đẳng giới trong lao động, tránh tình trạng “nói nhiều hơn làm”,“năm sau y như năm trước”.
Trưởng đoàn giám sát liên ngành Thành phố Nguyễn Thị Thu Thủy
Qua buổi giám sát, thay mặt Đoàn giám sát liên ngành Thành phố, trưởng đoàn Giám sát ghi nhận UBND huyện Gia Lâm cơ bản đã bám sát chỉ đạo của Thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai công tác bình đẳng giới, công tác lao động; có sự phân công đơn vị đầu mối triển khai; đã bố trí kinh phí thực hiện công tác bình đẳng giới.
Các chế độ chính sách đối với người lao động cơ bản được đảm bảo theo quy định. Lao động tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp bắt buộc tăng so với cùng kỳ. Việc bảo đảm bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, chi trả tiền lương, khen thưởng, các chế độ về bảo hiểm, điều kiện lao động, an toàn lao động, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, chế độ nghỉ ốm, thai sản, các chế độ phúc lợi khác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn cơ bản được thực hiện theo quy định.
Cùng với đó, đồng chí trưởng đoàn giám sát liên ngành Thành phố cũng chỉ ra một số hạn chế ghi nhận từ hoạt động giám sát như về kết quả công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện bình đẳng giới, bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động chưa rõ nét; kinh phí đầu tư thúc đẩy bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động nói riêng của địa phương còn khiêm tốn…
Trưởng đoàn giám sát ghi nhận các ý kiến đề xuất, kiến nghị từ Công ty CP Môi trường đô thị huyện Gia Lâm và UBND huyện Gia Lâm như được tăng cường các hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ, đào tạo, tập huấn về công tác bình đẳng giới và giới nói chung và trong lĩnh vực lao động nói riêng cùng những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định về bình đẳng giới và cho biết Hội LHPN Hà Nội sẽ tổng hợp, lựa chọn các ý kiến xác đáng báo cáo Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy, UBND, UB MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội.
Thay mặt đoàn giám sát, đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy đã đưa ra một số khuyến nghị đối với UBND huyện Gia Lâm như cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng các quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động tới các công ty, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hậu kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động; hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tốt hơn nữa các quy định dành riêng cho lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới trong lao động;