Hội LHPN Hà Nội phát động truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10:
Trẻ em gái có quyền lắng nghe và đưa ra quyết định
(PNTĐ) - Hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10, ngày 7/10/2023, tại trường THCS Phú Yên, huyện Phú Xuyên, Hội LHPN Hà Nội tổ chức phát động truyền thông với chủ đề “Trẻ em gái có quyền được lắng nghe và đưa ra quyết định đến những vấn đề ảnh hưởng đến các em” và chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”.
Dự Chương trình có bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Ủy viên BCH Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội; bà Trần Lưu Hoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; ông Nguyễn Mạnh Huy, UV BTV huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ huyện Phú Xuyên.
Nỗ lực xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái
Phát biểu phát động Chương trình, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và thứ 2 trên thế giới ký kết Công ước về quyền trẻ em; là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.

Với Hà Nội, UBND các cấp đã ban hành và triển khai nghiêm túc kế hoạch thực hiện các chương trình, chiến lược trên địa bàn liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái; Với những nỗ lực của các cấp, các ngành, có thể thấy trẻ em đã ngày càng được quan tâm phát triển toàn diện. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trẻ em vẫn còn phải chịu những tác động mạnh mẽ bởi bạo lực trên cơ sở giới, định kiến giới, khuôn mẫu giới tạo nên bất bình đẳng giới giữa trẻ em nam và nữ.
Theo báo cáo điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2020-2021 do Tổng cục Thống kê thực hiện, có đến 70,8% trẻ em dưới 15 tuổi đã từng phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên gia đình; Theo báo cáo số 662/BC-CP của Chính phủ ngày 16/12/2019 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, trong giai đoạn tháng 1/2015 đến hết tháng 6/2019, có 8.091 trẻ bị xâm hại trong đó trẻ em gái là 7.032, chiếm tỷ lệ 86.9%, xâm hại tình dục 6.432 trẻ chiếm tỷ lệ 79.5%. Ở Hà Nội, từ tháng 01/2015 đến tháng 6/2019, phát hiện có 655 trẻ em bị xâm hại, bạo lực, trong đó trẻ em gái bị xâm hại là 419, chiếm 64%.

Bên cạnh đó, mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay cũng là thách thức với công tác dân số ở Việt Nam. Năm 2022, tỷ số giới tính khi sinh vẫn còn ở mức cao là 112 bé trai/100 bé gái. Nguồn gốc sâu xa của tình trạng này là từ quan niệm về bất bình đẳng giới trọng nam khinh nữ và nó cũng đã có những tác động tiêu cực đến hạnh phúc gia đình và quyền của trẻ em gái.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội cho biết: Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, diễn đàn trẻ em…, xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả nhằm tăng cường quyền năng trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Cấp Thành phố đã thành lập Hội đồng Tư vấn tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ cấp Thành phố, cấp huyện và cơ sở đã nhân rộng được 74 tổ “Tư vấn giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em”. Thành hội đã thành lập điểm và nhân rộng các mô hình: “Làng quê an toàn”, “Thành phố An toàn, thân thiện đối với phụ nữ và trẻ em gái”.

Đối với các cấp Hội Phụ nữ, đồng chí đề nghị triển khai, thực hiện hiệu quả các Đề án của Chính phủ, kế hoạch của Trung ương, Thành phố về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, phòng ngừa, xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội; Gắn hoạt động phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em với thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, gia đình 5 có 3 sạch, gắn với việc thực hiện đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề liên quan đến đến phụ nữ”, Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026”.


Bên cạnh đó, các cấp Hội cần tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, trong đó chú trọng xây dựng và triển khai hiệu quả các mô hình nhằm tăng cường quyền trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa ứng phó bạo lực, xâm hại trẻ em; tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Chủ động tham gia giám sát việc thực hiện luật pháp chính sách về trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; phát hiện và kiến nghị các giải pháp cho các vấn đề phát sinh liên quan đến trẻ em.
Đồng hành cùng Hội Phụ nữ thúc đẩy bình đẳng giới
Phát biểu hưởng ứng kêu gọi nhân Ngày quốc tế Trẻ em gái, ông Nguyễn Mạnh Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên khẳng định, trong thời gian tới, huyện Phú Xuyên sẽ tập trung triển khai các hoạt động hoạt động vì đẳng giới, xây dựng môi trường an toàn, thân thiện cho trẻ em, trẻ em gái.

Cụ thể sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch của UBND huyện Phú Xuyên liên quan đến phụ nữ, trẻ em, triển khai các biện pháp thiết thực, hiệu quả thực hiện bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong cộng đồng về quyền trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, phòng, chống bạo lực xâm hại phụ nữ, trẻ em, trẻ em gái, trọng nam khinh nữ. Tạo điều kiện về cơ chế, tập trung các nguồn lực, điều kiện triển khai thực hiện công tác phụ nữ, trẻ em, trẻ em gái. Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của “Tổ tư vấn tham gia giải quyết vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em trên địa bàn huyện Phú Xuyên”;

Đại diện Hội LHPN huyện Phú Xuyên, Phòng GD-ĐT huyện Phú Xuyên cũng có bài phát biểu hưởng ứng, khẳng định quyết tâm cùng Hội LHPN Hà Nội triển khai các hoạt động thiết thực, hiệu quả công tác phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.

Đại diện cho các trẻ em gái, em Phùng Ngọc Anh, học sinh lớp 7A3, trường THCS xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên cho biết: Chương trình truyền thông là cơ hội để các trẻ em gái được nói lên tiếng nói của mình, đưa ra quyết định đến những vấn đề ảnh hưởng đến các em. “Ngay từ bây giờ các bậc làm cha, làm mẹ, các thầy cô giáo cũng như xã hội, mọi người phải thay đổi nhận thức và tạo cơ hội để trẻ em gái tạo dựng và phát huy vị thế xứng đáng trong xã hội. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ về tầm quan trọng của việc nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, xóa bỏ định kiến trọng nam khinh nữ để không có việc chọn giới tính khi sinh con, nhằm hướng đến một xã hội bình đẳng, bền vững, có như vậy trẻ em gái mới có cơ hội phát triển về mọi mặt trong đời sống”.

Trong khuôn khổ chương trình, các học sinh đã cùng tham gia đóng kịch, giao lưu, trả lời các câu hỏi về Ngày Quốc tế trẻ em gái, phòng chống bạo lực giới, định kiến giới, bạo lực học đường...