Hội LHPN Hà Nội:
Truyền thông pháp luật về phòng, chống mua bán người và bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động
(PNTĐ) - Sáng ngày 22/7/2023, Hội LHPN Hà Nội tổ chức Chương trình truyền thông pháp luật về phòng, chống mua bán người và bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động tại huyện Mê Linh nhân dịp hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người” và ngày “Toàn dân phòng, chống mua bán người” – 30/7.
Tham dự Chương trình có các đồng chí Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội; Lê Văn Khương, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ huyện.
Phát biểu tại Chương trình, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết: Năm 2013, Liên Hợp Quốc đã lựa chọn ngày 30/7 hàng năm là “Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người”.
Tại Việt Nam, từ năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định lựa chọn ngày này là ngày “Toàn dân phòng chống mua bán người” với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.
Năm 2021, Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 và Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó xác định phòng chống mua bán người là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy và đảm bảo cho việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới một cách thực chất.
Hội LHPN Hà Nội với chức năng của tổ chức chính trị - xã hội đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, trong những năm qua đã chỉ đạo, triển khai phát huy thế mạnh của tổ chức, tích cực đổi mới, đa dạng về hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người, thông tin kịp thời về tình hình, phương thức, cách thức hoạt động, thủ đoạn lừa gạt của bọn tội phạm mua bán người nhằm giúp chị em phụ nữ đề cao cảnh giác, nâng cao kĩ năng nhận biết, chủ động phòng ngừa và có ý thức trách nhiệm trong vấn đề tố giác tội phạm mua bán người.
Thay mặt Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội đã đề nghị các cấp Hội phụ nữ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ, hội viên phụ nữ (trong đó có nữ công nhân lao động) các kiến thức và kỹ năng thực hiện tốt pháp luật về phòng, chống mua bán người và đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò của tổ chức Hội trong phản biện xã hội, nâng cao hiệu quả công tác giám sát việc thực hiện luật pháp chính sách về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động và các chính sách pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em; Vận động phụ nữ tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng; Trang bị kỹ năng nhận diện thủ đoạn, hành vi của tội phạm mua bán người, nâng cao tinh thần cảnh giác của phụ nữ và gia đình phòng ngừa và đấu tranh, tố giác tội phạm mua bán người; Tham gia hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương sớm ổn định về đời sống vật chất và tinh thần.
Phát biểu hưởng ứng tại Chương trình, đồng chí Lê Văn Khương, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ huyện, thay mặt lãnh đạo huyện Mê Linh khẳng định sẽ tích cực thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động; đồng thời kêu gọi các cấp, các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các xã, thị trấn, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện cùng chung sức để qua đó xây dựng một cộng đồng an toàn, bình đẳng và thịnh vượng cho tất cả mọi người, xây dựng một Thủ đô nơi phụ nữ sẽ không phải chịu bất kỳ hình thức phân biệt, đối xử nào, không còn ai là nạn nhân của mua bán người ở mọi lúc, mọi nơi.
Tại Hội nghị, các đại biểu và trên 200 cán bộ, hội viên, phụ nữ, nữ công nhân khu công nghiệp thị trấn Quang Minh, Mê Linh đã nghe luật sư Trần Thị Trâm, Đoàn Luật sư Hà Nội truyền thông một số quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người và bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động.