Ứng Hòa: Tích cực thực hiện mô hình Phụ nữ tham gia xây dựng di tích lịch sử kiểu mẫu
(PNTĐ) - Phát huy vai trò của tổ chức Hội, Hội LHPN huyện Ứng Hòa đã tích cực thực hiện mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng Khu di tích lịch sử kiểu mẫu trong tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng” tại Di tích quốc gia đền Hữu Vĩnh (đền Đức Thánh Cả) thôn Hữu Vĩnh, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa (Hà Nội).
Đền thờ vị tướng “Nhất phẩm đại vương”
Tương truyền rằng Đền Đức Thánh Cả (hay còn gọi là đền Thiên Vựng) được xây dựng cách đây khoảng 1500 năm. Đền thờ vị tướng “Nhất phẩm đại vương” của triều tiền vua Lý Nam Đế. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” và thần phả hiện lưu giữ tại đền, Thần vốn dòng dõi Kinh Dương Vương, là một người tài giỏi về thủy quân, đã làm tướng phò giúp Lý Bí đánh dẹp quân nhà Lương. Ông đã cùng tướng Phạm Tu chỉ huy quân sỹ diệt tướng giặc là Tiêu Tư ở phía bắc và bình quân Chăm–pa xâm lược ở phía nam. Dẹp xong giặc, ông theo dòng sông Đáy đến trang Hữu Vĩnh thì hóa. Đây cũng vốn là nơi thân mẫu sinh ra ông. Vua Lý Nam Đế đã ban cho dân ở đây tiền bạc, ruộng đất để xây dựng đền miếu thờ phụng ông. Trải qua các triều đại phong kiến, thời nào cũng phong sắc ca ngợi công đức của thần. Hiện trong đền Hữu Vĩnh có 48 đạo sắc phong. Đạo đầu tiên vào năm Vĩnh Tộ thứ 6 thời Lê Thần Tông và sắc sau cùng là thời Nguyễn, niên hiệu Bảo Đại thứ 15. Đền Đức Thánh Cả được Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin ra quyết định công nhận di tích quốc gia năm 1991.
Đền Đức Thánh Cả tọa lạc trên mảnh đất linh thiêng Hồng Quang, huyện Ứng Hòa, bên tả ngạn của dòng sông Đáy, tựa sau dãy núi Hàm Long hùng vỹ. Đền Đức Thánh Cả được Nhà nước ghi nhận là di tích lịch sử văn hóa và là nơi dừng chân của rất nhiều khách du lịch đến từ mọi miền Tổ quốc. Với vị thế đắc địa, khung cảnh thiên nhiên non nước làm say lòng người và vẻ đẹp văn hóa tâm linh, đền Đức Thánh Cả càng ngày thu hút rất nhiều du khách thập phương đến nơi đây thăm quan du lịch.
Nỗ lực thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng
Trong thời gian qua các cấp hội phụ nữ huyện Ứng Hoà đã nỗ lực triển khai thực hiện các mô hình phần việc cụ thể trong việc vận động cán bộ hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng (QTƯX). Các mô hình ứng xử đẹp với môi trường lan tỏa khắp các thôn/phố trên địa bàn, như: Tranh tường bích họa xóa chân rác, ngõ hoa xóa điểm đen về rác, hoa phủ xanh gốc cây, đoạn đường xanh sạch đẹp nở hoa, sân chơi thiếu nhi và sân chơi cộng đồng,… Đặc biệt phải kể đến việc xây dựng thành công mô hình “Thôn văn hóa kiểu mẫu” trong tuyên truyền thực hiện QTƯX nơi công cộng” tại 3 xã Dương Khê, Vân Đình, Kim Châm.
Các mô hình huy động được sự tham gia tích cực hiệu quả của cán bộ hội viên phụ nữ trong toàn huyện. Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Ứng Hòa Phạm Thúy Hòa: Để tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Hội và cán bộ, hội viên phụ nữ trong tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống, lối sống văn hóa, đồng thời tạo sự lan tỏa những nét đẹp trong văn hóa ứng xử của phụ nữ đến với cộng đồng, Hội LHPN huyện tổ chức ra mắt mô hình “Di tích lịch sử kiểu mẫu” trong tuyên truyền thực hiện QTƯX nơi công cộng” tại Di tích quốc gia đền Hữu Vĩnh (Đền Đức Thánh Cả) xã Hồng Quang. Đây là hoạt động thiết thực nhằm phát huy vai trò của tổ chức hội và cán bộ, hội viên phụ nữ trong tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống, lối sống văn hóa. Đồng thời, mô hình được triển khai với mục đích giúp cán bộ, hội viên và phụ nữ trên địa bàn, phụ nữ kinh doanh tại các điểm di tích lịch sử đã xếp hạng và cả du khách thập phương tới Đền… được tuyên truyền, thay đổi hành vi thực hiện QTƯX nơi công cộng, ứng xử văn minh, thanh lịch tạo sự lan tỏa những nét đẹp trong văn hóa ứng xử của phụ nữ đến với cộng đồng.
Để khởi động mô hình “Di tích lịch sử kiểu mẫu” trong tuyên truyền thực hiện QTƯX, Hội LHPN huyện cũng ra mắt nhóm Nòng cốt tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi thờ tự tại di tích. Nhóm có nhiệm vụ tuyên truyền vận động nhân dân trên địa bàn huyện, xã, phật tử, khách thập phương đến cơ sở thờ tự trên địa bàn thực hiện đúng các nội dung, yêu cầu của QTƯX do UBND thành phố Hà Nội ban hành như: Mặc đúng trang phục nơi thờ tự; không nói tục chửi bậy, không mang vàng mã vào chùa, không xả rác bừa bãi ở khuôn viên nơi thờ tự.
Chị Nguyễn Thị Thúy Hà, hộ kinh doanh tại đền Hữu Vĩnh chia sẻ: Là hộ dân sinh sống trên địa bàn thôn Hữu Vĩnh từ nhiều năm nay, tôi hiểu rằng để xây dựng di tíich lịch sử kiếu mẫu thì đòi hỏi phải có sự vào cuộc cúa cả hệ thống chính trị. Đồng thời phải có sự chung tay góp sức, sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của mỗi hộ gia đình, mỗi người dân trong thôn, du khách thập phương trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nội quy, quy ước cùa địa phương, của di tich. Chúng tôi thấy rằng việc triển khai mô hình này thật sự ý nghĩa. Việc xây dựng thành công mô hình sẽ giúp thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi thực hiện quy tắc ứrng xứ nơi công cộng của cán bộ, hội viên và phụ nữ trên địa bàn, phụ nữ kinh doanh tại di tích lịch sử và du khách thập phương.
Trao đổi tại buổi ra mắt mô hình, Trưởng ban Tuyên giáo (Hội LHPN Hà Nội) Hoàng Thu Hồng nhấn mạnh: Việc hình thành nét văn hóa ứng xử văn minh trong di tích vừa góp phần tạo sự văn minh cho những người quản lý di tích, người dân đến chiêm bái, nhưng đồng thời vừa thể hiện sự trân trọng với các di tích lịch sử, góp phần làm tăng những giá trị đích thực của di tích trong cộng đồng. Trưởng ban Tuyên giáo cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, làm đẹp môi trường, giữ cho môi trường di tích luôn luôn sạch đẹp; từng bước hạn chế, chấn chỉnh và thực hiện nghiêm các nội quy, quy định đã đưa ra tại di tích, góp phần tích cực trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Dưới đây là một số hình ảnh phụ nữ Ứng Hòa tham gia xây dựng di tích lịch sử kiểu mẫu: