Hội LHPN Hà Nội:

Xúc tiến thành lập Mô hình liên ngành một điểm dừng hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Để chuẩn bị cho việc thành lập Mô hình liên ngành một điểm dừng hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại, ngày 5/4/2023, Hội LHPN Hà Nội phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức tọa đàm khảo sát, đánh giá mô hình “Địa chỉ tin cậy-nhà tạm lánh cộng đồng quận Hoàn Kiếm”.

Bà Lê Kim Anh, Thành ủy viên, Chủ tịch  Hội LHPN Hà Nội và ông Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên thường vụ, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đồng chủ trì tọa đàm.

Xúc tiến thành lập Mô hình liên ngành một điểm dừng hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại - ảnh 1
Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh phát biểu khai mạc tọa đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Lê Kim Anh, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết, ngày 29/8/2022, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 3101/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026”, trong đó giao Hội LHPN Hà Nội chủ trì nghiên cứu, thành lập Mô hình liên ngành một điểm dừng hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Mô hình được nghiên cứu thành lập trong bối cảnh tình hình bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em vẫn có nhiều diễn biến phức tạp.

Xúc tiến thành lập Mô hình liên ngành một điểm dừng hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại - ảnh 2
Các đại biểu thăm và nghe chia sẻ về hoạt động của mô hình “Địa chỉ tin cậy-nhà tạm lánh cộng đồng quận Hoàn Kiếm”

Trên quy mô toàn quốc, việc thành lập các mô hình liên ngành một điểm dừng hay một cửa để hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại đã được triển khai ở một số tỉnh thành. Chẳng hạn, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập mô hình từ năm 2019 với tên gọi là Mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Thành phố Đà Nẵng năm 2021 đã phê duyệt Đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn – không bạo lực với phụ nữ và trẻ em, giai đoàn 2021-2025, tầm nhìn 2035”. Mới đây, vào tháng 3/2023, thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa ra mắt mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn Thành phố.

Xúc tiến thành lập Mô hình liên ngành một điểm dừng hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại - ảnh 3

Tại Hà Nội, mô hình liên ngành tới đây được thành lập với mục tiêu đặt ra là phối hợp thực hiện hỗ trợ ban đầu, giúp nạn nhân bị bạo lực, xâm hại ổn định tâm lý, sức khỏe, tư vấn pháp luật, hướng dẫn thủ tục, hỗ trợ kết nối tới các cơ quan điều tra, đảm bảo an toàn cho nạn nhân. Việc đánh giá các hoạt động, cơ chế phối hợp trong tổ chức triển khai mô hình “Địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh cộng đồng quận Hoàn Kiếm” sẽ giúp cung cấp dữ liệu cho Hội LHPN Hà Nội trong quá trình nghiên cứu, triển khai thành lập thí điểm Mô hình liên ngành.

Xúc tiến thành lập Mô hình liên ngành một điểm dừng hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại - ảnh 4
Ông Vũ Tuyết Thương, Trưởng phòng Lao động-Thương binh-Xã hội cho biết, mô hình được UBND quận Hoàn Kiếm thành lập vào tháng 8/2018

Chia sẻ về Mô hình “Địa chỉ tin cậy-nhà tạm lánh cộng đồng quận Hoàn Kiếm”, ông Vũ Tuyết Thương, Trưởng phòng Lao động-Thương binh-Xã hội cho biết, mô hình được UBND quận Hoàn Kiếm thành lập vào tháng 8/2018. Sau 3 năm từ 2018 đến 2020, mô hình đã hỗ trợ 06 vụ việc, 73 cuộc hỗ trợ qua điện thoại. Năm 2022 vừa qua, mô hình đã hỗ trợ 03 vụ, 25 cuộc hỗ trợ qua điện thoại. Từ đầu năm 2023 đến nay đã hỗ trợ 01 vụ, 08 cuộc hỗ trợ qua điện thoại.

Theo ông Vũ Tuyết Thương, các nạn nhân đến mô hình sẽ được thăm khám sức khỏe ban đầu, tham vấn tâm lý, được động viên, chăm sóc bởi đội ngũ cán bộ có chuyên môn; được hỗ trợ về thức ăn, nước uống và các chăm sóc khác... Đối với các trường hợp nạn nhân là trẻ em sẽ được quan tâm chăm sóc đặc biệt. Sau khi trẻ ổn định tâm lý, cán bộ tại mô hình sẽ liên hệ với gia đình hoặc các tổ chức xã hội để đón trẻ về gia đình hoặc vào các Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng.

Xúc tiến thành lập Mô hình liên ngành một điểm dừng hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại - ảnh 5
Từ đầu năm 2023 đến nay, mô hình tại quận Hoàn Kiếm đã hỗ trợ 01 vụ, 08 cuộc hỗ trợ qua điện thoại.(Ảnh: Các địa biểu nghe chia sẻ về hoạt động của mô hình)

Đối với phụ nữ bị bạo lực gia đình, nạn nhân được thăm hỏi, động viên, tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyên nhân dẫn tới bạo lực, bạo hành... để từ đó phối hợp cùng các các ban, ngành, đoàn thể địa phương như Tổ Hòa giải, Hội phụ nữ... tiến hành gặp gỡ các bên để hòa giải. Đối với trường hợp hòa giải không thành công, nạn nhân sẽ được hỗ trợ về mặt pháp lý để giải quyết ly hôn, giúp nạn nhân tránh khỏi bạo lực.

Xúc tiến thành lập Mô hình liên ngành một điểm dừng hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại - ảnh 6
Tại tọa đàm, bà Trịnh Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN quận Hoàn Kiếm, Phó ban quản lý mô hình đề xuất cần tiếp tục duy trì các hoạt động của mô hình

Đánh giá cao hiệu quả, tính cần thiết của mô hình Nhà tạm lánh tại quận Hoàn Kiếm, tại tọa đàm, bà Trịnh Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN quận Hoàn Kiếm, Phó ban quản lý mô hình đề xuất cần tiếp tục duy trì các hoạt động của mô hình đồng thời cho biết, trong thời gian tớ sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp Hội Phụ  nữ, cán bộ Hội trong công tác tuyên truyền, phòng ngừa, phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng, kịp thời hỗ trợ các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo lực…

Các ý kiến khác tại tọa đàm cũng thống nhất mô hình “Địa chỉ tin cậy-nhà tạm lánh cộng đồng quận Hoàn Kiếm” đã phát huy hiệu quả trong việc chăm sóc ban đầu đối với các trường hợp bị bạo lực, bạo hành, xâm hại... Nhiều đối tượng có hành vi bạo lực, bạo hành khi thấy người thân được công đồng nuôi dưỡng, chăm sóc cũng như được tuyên truyền, giáo dục, răn đe đã có thay đổi về nhận thức, hành vi...

Theo ông Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên thường vụ, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, để tiếp tục phát huy kết quả đạt được của Mô hình Địa chỉ tin cậy – Nhà tạm lánh, trong thời gian tới, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ nghiên cứu nâng cấp địa chỉ, bổ sung cơ sở vật chất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình; nghiên cứu các quy định của Thành phố để mở rộng đối tượng được tạm thời đưa vào mô hình.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xây dựng các mô hình về phân loại chất thải rắn sinh hoạt

Xây dựng các mô hình về phân loại chất thải rắn sinh hoạt

(PNTĐ) - Vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân, tổ chức, cơ sở thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng các mô hình về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; lựa chọn nhân rộng một số mô hình, điểm sáng, gương điển hình về quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại cơ sở để nhân rộng trên cả nước
Hội LHPN phường Phú Thượng: Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ công tác Hội

Hội LHPN phường Phú Thượng: Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ công tác Hội

(PNTĐ) - Với tinh thần “Đoàn kết, trí tuệ và đổi mới và phát triển”, bám sát định hướng chỉ đạo của Quận Hội và sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy phường, đến giữa nhiệm kỳ 2021 – 2026 phong trào và hoạt động của Hội LHPN phường Phú Thượng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.