7 cụ già trong lớp erobic

Trần Ngọc Hương
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng nào chúng tôi cũng hẹn nhau đúng 5h tập trung bên bờ hồ để tập erobic. Lớp có 20 người, đa phần là các bạn trẻ nhưng cũng có tới 7 thành viên cao tuổi. Trong đó, cả 7 bà đã lên chức bà nội, ngoại.

Các bà tập chẳng “sung” và đúng động tác được như cánh trẻ nhưng bù lại, rất chăm chỉ, đúng giờ. Thi thoảng, có bà còn dẫn cả cháu nội, ngoại ra sân tập, cháu đứng trước bà cũng vùng vẫy tay chân như ai. Rồi bà bảo, đây là cô cháu nội hàng ngày vẫn do bà trông nom ở nhà. Bố mẹ cháu sợ cháu còn non, đi học mẫu giáo lại ốm nên nhờ bà giúp cho một thời gian nữa.

Theo tôi tìm hiểu, không chỉ có cụ bà đó mà phần lớn các bà trong lớp đều đang tham gia hỗ trợ các con, cháu. Người thì giúp con trông cháu nhỏ, người thì hỗ trợ công việc nội trợ cơm nước để các con/cháu đi làm về là có cơm dẻo canh ngọt sẵn sàng. Người dư dả về kinh tế thì giúp đỡ thêm các con mua nhà, kinh doanh, đỡ con tiền mua bỉm, sữa cho cháu hàng tháng. Người nặng gánh nhất thì phải cáng đáng cả một đại gia đình với 3 cặp vợ chồng các con và 7 cháu nội ngoại vẫn đang sinh hoạt cùng nhà.

7 cụ già trong lớp erobic - ảnh 1
Ảnh minh họa

Dù thân già “đèo bòng” như vậy nhưng tôi lại không thấy các cụ than vãn. Ngược lại, mỗi lần ra sân là các bà lại cười nói tíu tít. Nhớ nhất là một bà từng kể con dâu mang bầu sắp tới ngày sinh, không biết có tiếp tục theo lớp được nữa không. Nhưng rồi bẵng đi một thời gian, bà khoe với mọi người ảnh cháu nội tròn 3 tháng mà chẳng thấy bà nghỉ buổi tập nào để chăm cháu cả. Còn cụ bà tủm tỉm cười: “À, cũng là nhờ các con sắp xếp ổn thỏa công việc để mẹ có thể yên tâm tập thể dục rèn luyện sức khỏe mỗi ngày”.

7 cụ bà trong lớp erobic, mỗi người có các hoàn cảnh khác nhau, nhưng lại đều giống nhau ở việc có các con cháu hiếu thảo. Biết mẹ đi tập thể dục, có người con mua biếu bố mẹ quần áo, giầy thể thao để mẹ tập được thoải mái. Có người tặng mẹ học phí tập erobic quanh năm.

Lại có bà khoe con mua cho mẹ cả thùng nước bù khoáng để mẹ bù nước sau mỗi buổi tập. Và dù ban ngày có nhờ bà hỗ trợ thế nào thì khi bà đi tập thể dục, họ đều cố gắng không phiền tới mẹ và còn động viên mẹ tập luyện đều đặn.

Tôi đã từng biết có những người con ích kỷ, chỉ biết tận dụng sức lực của cha mẹ già, biến mẹ thành ôsin không công trong nhà. Khi cha mẹ già không đáp ứng được thì con cháu giận dỗi, oán trách. Họ luôn cho rằng cha mẹ già phải có trách nhiệm với con/cháu mà chưa từng nghĩ rằng, các bà cũng cần được con cháu chăm sóc, thấu hiểu và có thời gian để sống cho bản thân.

Nhưng tôi cũng lại thấy thật vui khi có những người con như của 7 cụ già trong lớp tập erobic, rất biết nghĩ cho bố mẹ. Họ làm vậy, không chỉ thể hiện sự quan tâm, chăm sóc bố mẹ già mà xét cho cùng, khi bố mẹ già khỏe mạnh về thể chất, minh mẫn về tinh thần thì nước mắt chảy xuôi, bố mẹ lại tiếp tục đỡ đần cho con cháu.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đừng để định kiến ngăn cản phụ nữ làm chủ cuộc đời

Đừng để định kiến ngăn cản phụ nữ làm chủ cuộc đời

(PNTĐ) - Những câu nói như “phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng”, “con gái học nhiều để làm gì”… đã trở thành quan niệm định kiến, tạo nên rào cản vô hình đối với nhiều phụ nữ. Nhiều phụ nữ đã dũng cảm đứng lên khẳng định quyền làm chủ cuộc sống của mình, thoát khỏi những định kiến xã hội vốn gò bó vai trò của họ trong suốt nhiều thế hệ.
Hơn 1.000 người sẽ tham dự lớp học “yêu thương và tự chữa lành” miễn phí

Hơn 1.000 người sẽ tham dự lớp học “yêu thương và tự chữa lành” miễn phí

(PNTĐ) - Diễn giả Tuệ An dự định sẽ tổ chức một khoá học “yêu thương và tự chữa lành” miễn phí cho cộng đồng vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 tới đây. Đây là khoá học thường niên nhằm lan toả những phong cách sống hạnh phúc tự thân, lãnh đạo cuộc đời cho mỗi người.
Dùng dằng ly hôn vì vướng... của hồi môn

Dùng dằng ly hôn vì vướng... của hồi môn

(PNTĐ) - Nhiều cặp vợ chồng khi đến với nhau thì vui vẻ “góp của” cho hôn nhân. Nhưng, khi mâu thuẫn tới mức ly hôn, họ bắt đầu gặp rắc rối trong việc phân chia tài sản. Người yêu cầu nhận lại phần tài sản đã góp, người lại cho rằng, đó đã trở thành tài sản của chung. Những mệt mỏi khi ly hôn vì thế càng nhiều thêm.
Chồng nhà người ta

Chồng nhà người ta

(PNTĐ) - Thấy chị về tới cổng, chồng chị ở trong bếp nói vọng ra: “Vợ về rồi à, thay quần áo, nghỉ ngơi rồi ăn cơm. Hôm nay anh về sớm nên nấu cơm cả nhà ăn sớm”.