7 năm “quất ngựa truy phong” bỗng xuất hiện đòi quyền lợi nuôi con

Bài và ảnh: Hoàng Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sau khi bài viết “Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú” đăng trên Báo Phụ nữ Thủ đô số 13 ra ngày 27/3/2024, tòa soạn đã nhận được phản ánh của ông P.H và vợ về trường hợp trớ trêu của cháu ngoại ông cũng bị mang danh là “con ngoài giá thú”. Tuy nhiên, sau 7 năm cháu đang sống yên ổn với gia đình bên ngoại bỗng nay có nguy cơ phải thay đổi môi trường sống do người cha xuất hiện và đòi quyền nuôi con.

7 năm “quất ngựa truy phong” bỗng xuất hiện đòi quyền lợi nuôi con - ảnh 1
Luật sư Nguyễn Tiến Trung

Con ngoài giá thú bỗng dưng có... bố
Theo ông P.H, năm 2015, con gái ông là Lê Thị T.T, sinh năm 1997 có quen với ông Lô Trọng C, sinh năm 1972, cư trú tại Mỹ. Chị T và ông C đã sống với nhau như vợ chồng tại TP Hồ Chí Minh khi chị T chưa đủ 18 tuổi dẫn đến mang thai. Sau khi chị T sinh con trai, đặt tên là Lê Trọng Nh, ông P.H đã đưa con gái và cháu ngoại từ thành phố về quê sinh sống tại tỉnh A.G. Chị T khi đăng ký khai sinh cho con đã để cháu Nh mang họ Lê của mình và để trống phần tên cha. Theo ông P.H, trong suốt quá trình từ khi mang thai, tới khi sinh con, nuôi con sau này, con gái ông đã chịu nhiều cơ cực, đàm tiếu vì phải mang danh “sinh con ngoài giá thú”. Trong thời gian đó, ông C thi thoảng về nước nhưng không đến thăm chị T và con trai. Việc nuôi nấng, chăm sóc cháu Nh hoàn toàn do gia đình ông đảm nhiệm. 

Năm 2021, chị T mất do nhiễm Covid-19. Theo tâm nguyện của con gái, ông P.H và vợ vẫn tiếp tục nuôi dưỡng cháu Nh. Năm 2022, ông C đột nhiên xuất hiện, lấy cớ đến thắp hương cho chị T rồi tìm cách đưa cháu Nh ra khỏi nhà. Sau đó 2 ngày, ông C quay trở lại, yêu cầu gia đình hợp tác giao các giấy tờ liên quan đến cháu Nh cho ông C, đổi lại, ông sẽ trao trả cháu Nh. Sau đó, ông C  còn trình ra kết quả xét nghiệm ADN xác định ông C và cháu Nh có quan hệ huyết thống cha con. 

Năm 2023, vụ án “Tranh chấp về xác định cha cho con và nuôi con” đã được TAND tỉnh A.G đưa ra xét xử sơ thẩm. Theo ông P.H, khi TAND tỉnh xét xử vụ án, gia đình ông hoàn toàn không được mời tới dự cũng như không được Tòa án niêm yết, tống đạt các quyết định, bản án với lý do gia đình ông đã chuyển khỏi nơi cư trú ở địa phương. Tuy nhiên, thực tế, theo xác nhận của chính quyền địa phương, gia đình ông vẫn đang ở ổn định tại địa phương và không hề chuyển đi nơi khác. Do đó, đến tháng 8/2023, khi được UBND xã thông báo ông C đã làm thủ tục thay đổi họ của cháu Nh sang họ của mình, bổ sung thêm phần tên cha trong giấy khai sinh của cháu Nh, gia đình ông P.H mới biết tới sự việc. Bản án yêu cầu ông P.H phải giao cháu Nh cho ông C chăm sóc, giáo dục.

 Không đồng tình với bản án này, ông P.H đã tiến hành thủ tục kháng cáo dù quá hạn theo quy định. Ông cũng không đồng ý giao cháu Nh cho ông C trong khi Tòa án đang xem xét đơn kháng cáo quá hạn của ông.
Nhìn nhận vụ án từ góc độ pháp lý 
Theo luật sư Nguyễn Tiến Trung, Giám đốc Công ty Luật Trung Nguyễn, khoản 1 Điều 73 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “1. Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật.”; khoản 1 Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây: a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; b) Phá tán tài sản của con; c) Có lối sống đồi trụy; d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội”.

7 năm “quất ngựa truy phong” bỗng xuất hiện đòi quyền lợi nuôi con - ảnh 2
Giấy khai sinh của cháu Lê Trọng Nh khi mang họ mẹ và sau này được đổi sang họ bố là Lô Trọng Nh.

Theo đó, đối chiếu với quy đinh pháp luật nêu trên, trường hợp có đầy đủ căn cứ để chứng minh hai người quan hệ cha con, huyết thống, người cha sẽ có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ về chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục và đại diện cho con. Bản án của TAND tỉnh A.G về việc tranh chấp về xác định cha cho con, nuôi con đã căn cứ vào phiếu kết quả phân tích ADN kết luận ông C và cháu Nh có cùng huyết thống cha con và tại giấy khai sinh bản sao cũng thể hiện ông C là cha đẻ của cháu Nh. Như vậy, ông C được xác định là cha của cháu Nh nên có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ; quyền chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục và đại diện cho cháu Nh. Ngoài ra, ông C cũng không thuộc trường hợp bị hạn chế quyền của cha đối với con chưa thành niên. 

Khoản 1 Điều 104 của Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “1. Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 105 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu”. Mặc dù ông P.H và vợ (là ông bà ngoại của cháu Nh) là người trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cháu từ khi còn nhỏ, nhưng đối chiếu với quy định pháp luật hiện hành, ông bà chỉ có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho cháu trong trường hợp cháu không còn cha mẹ hoặc cha, mẹ cháu không đủ điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.
Cần đặt quyền, lợi ích của trẻ lên hàng đầu
Giải thích cho ý nguyện được tiếp tục nuôi cháu Nh, vợ chồng ông P.H cho biết: “Từ khi mới sinh, cháu Nh đã sống cùng với ông bà ngoại. Chúng tôi không chỉ là người chăm sóc, mà còn là điểm tựa tinh thần cho cháu. Trong lòng cháu, chúng tôi là gia đình, là nguồn an ủi, yêu thương và bảo vệ. Chúng tôi đã cho cháu một môi trường sống ổn định, đầy đủ tình thương và cơ hội phát triển. Cháu Nh đã hòa nhập và phát triển một cách lành mạnh trong môi trường gia đình của chúng tôi. Mặc dù còn nhỏ nhưng cháu Nh bày tỏ mong muốn được ở với chúng tôi chứ không phải với người nào khác. Điều này không chỉ phản ánh sự gắn bó tự nhiên mà còn là sự chọn lựa ổn định và an toàn của cháu”.

Cũng theo ông P.H, đối với người đàn ông tự xưng là cha của cháu được ghi trong bản án và quyết định thi hành án, trong suốt hơn 7 năm qua từ lúc sinh ra cho đến nay, cháu Nh không hề biết đến sự tồn tại của người này, và không có bất kỳ ký ức hay mối liên kết tình cảm nào với người đàn ông này.

 “Chúng tôi càng lo lắng hơn khi ông C sinh sống ở nước ngoài, vậy giao cháu Nh cho ông C nuôi dưỡng thì cháu sẽ sống ở đâu? Liệu ông C có quan tâm, lo lắng, chăm sóc cháu được như chúng tôi không? Trường hợp ông C đối xử không tốt với cháu thì cháu Nh sẽ biết làm thế nào, ai sẽ cưu mang, yêu thương giúp đỡ cháu? Ở xứ người xa lạ, lại còn quá nhỏ, không biết ngoại ngữ, liệu cháu sẽ sống thế nào nếu ông C không yêu thương cháu? Ngoài ra, chúng tôi còn trăm ngàn nỗi lo khi việc thi hành án quá đột ngột và nhanh chóng trong khi cháu của chúng tôi vẫn còn quá nhỏ”.

Theo luật sư Nguyễn Tiến Trung, theo quy định của pháp luật, ông C có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ; quyền chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục và đại diện cho cháu Nh. Tuy nhiên xét trên góc độ xã hội, tình cảm con người, mối quan hệ gia đình và sự ổn định trong môi trường sống, từ khi cháu Nh được sinh ra cho tới bây giờ, ông C đã bỏ mặc cháu không chăm sóc, nuôi dưỡng. Việc trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục cháu đều do ông bà ngoại thực hiện. Vì vậy, với cháu Nh, ông bà không chỉ là người chăm sóc, nuôi dưỡng mà còn là điểm tựa tinh thần, nguồn an ủi, yêu thương và bảo vệ khi mẹ của cháu mất. Ông bà đã cho cháu Nh một môi trường sống ổn định, đầy đủ tình yêu thương của mọi người trong gia đình và cơ hội phát triển. 

Thiết nghĩ, nguyện vọng của ông P.H được tiếp tục nuôi cháu cũng là chính đáng. Trong vụ việc này, cần đặt lên cao nhất quyền lợi, mong muốn, nguyện vọng của cháu C cũng như xem xét việc cháu được ở với ai sẽ là tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của cháu. Giá như ngay từ đầu, cháu Nh được hưởng sự quan tâm, chăm sóc của cả bố mẹ thì cháu đã có một cuộc sống cân bằng thay vì suốt 7 năm qua, cháu bị mang danh là “con ngoài giá thú”. 

 Do đó, về góc độ xã hội, lúc này là ông C và ông bà ngoại cháu Nh cần ngồi lại với nhau để thoả thuận và để ông bà được tiếp tục chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục cháu Nh để đảm bảo được tình cảm con người, mối quan hệ gia đình, sự ổn định trong môi trường sống và là sự lựa chọn tốt nhất cho cháu Nh lúc này.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.