Chung tay phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em

Bài cuối: “Lá chắn” phòng vệ hữu hiệu

Hoàng Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) -Là tổ chức chính trị-xã hội đại diện chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, trong những năm qua, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã luôn chú trọng triển khai công tác phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em và lồng ghép trong các chương trình, đề án do Hội chủ trì thực hiện.

Bài cuối: “Lá chắn” phòng vệ hữu hiệu - ảnh 1
Hội đồng Tư vấn tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em của Hội LHPN Hà Nội đã có nhiều hoạt động nâng cao kiến thức pháp luật, hỗ trợ công tác phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em Ảnh: H.Lan

Nỗ lực xây dựng cộng đồng, gia đình “không bạo lực”
“Không bạo lực gia đình” là một trong 8 tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” được Hội LHPN phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân triển khai thực hiện có hiệu quả trong những năm qua.

Theo chị Phạm Thị Cúc Tú, Chủ tịch Hội LHPN phường Thanh Xuân Bắc, để có thể kịp thời phòng ngừa, ứng phó, tiến tới ngăn chặn bạo lực, xâm hại thì công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng là rất quan trọng.

“Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình thông qua nhiều hình thức như: Tập huấn, tọa đàm, giao lưu, hội thi tìm hiểu pháp luật, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt chi/tổ, nhóm phụ nữ… Hội còn phối hợp trang bị kỹ năng phát hiện, phòng chống và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới, phòng chống bạo lực gia đình, tội phạm ma túy, buôn người, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái. Trong quá trình tư vấn, hòa giải mâu thuẫn gia đình, Hội không chỉ khuyên nhủ người gây ra bạo lực mà còn phải giải quyết từ gốc rễ vấn đề để chấm dứt hoàn toàn những hành vi đó”.

Chị Tú chia sẻ về trường hợp của cặp vợ chồng chị Y, bị chồng bạo hành tinh thần do ghen tuông. Ngay khi biết sự việc này, Hội đã gặp riêng, động viên chị, đồng thời tâm sự với chồng chị, chứng minh cho anh thấy sự ghen tuông của mình là vô lý. Cán bộ hội viên phụ nữ cũng nghiêm túc phân tích để anh chồng hiểu về hành vi bạo hành tinh thần cũng là vi phạm pháp luật. Nhờ đó, chồng chị Y đã hiểu ra và xin lỗi vợ, đến nay cuộc sống gia đình họ đã êm ấm trở lại. 

Theo chị Tú, trung bình mỗi năm Hội và các Chi hội phụ nữ đã hóa giải kịp thời từ 5-10 trường hợp gia đình có mâu thuẫn nhỏ. Tại phường Thanh Xuân Bắc, nhiều năm qua không để xảy ra trường hợp bạo lực gia đình nghiêm trọng.

Hội LHPN Sơn Hà, huyện Phú Xuyên hiện có hơn 1.100 hội viên, sinh hoạt ở 3 Chi hội. Theo chị Trương Thị Ánh, Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Hà, thời gian qua, Hội LHPN xã cũng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Trong đó, điển hình là công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia các cuộc thi tuyên truyền pháp luật; tổ chức các hội thi, tọa đàm, xây dựng các tủ sách, túi sách pháp luật, tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên; Hội cũng triển khai thiết thực, hiệu quả nhiều mô hình, câu lạc bộ (CLB) như “CLB phòng chống tệ nạn xã hội từ trong gia đình", "CLB giúp nhau làm kinh tế”…

Xác định gia đình hạnh phúc phải đi cùng với no ấm, Hội LHPN xã Sơn Hà còn đẩy mạnh hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế với nguồn vốn tín chấp hiện nay là trên 11 tỷ đồng cho 266 hộ hội viên phụ nữ vay, tạo sinh kế cho phụ nữ nâng cao thu nhập… Những giải pháp đó đã góp phần giảm thiểu tình trạng phụ nữ bị bạo lực, xâm hại…

Ngoài ra còn có thể kể tới mô hình đầu tiên thu hút sự tham gia của nam giới trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình do Hội LHPN Gia Lâm thành lập từ năm 2019 tại xã Đặng Xá, sau đó các xã, thị trấn đều thành lập các mô hình tương tự như CLB “Nam giới tiên phong trong phòng chống bạo lực gia đình” thành lập năm 2021 tại 2 xã là Yên Viên và Đông Dư, CLB “Nam giới đồng hành vì sự an toàn của phụ nữ” thành lập năm 2022 ở xã Dương Xá, Phú Thị…. 

Theo chị Vũ Lan Anh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm, các mô hình sau khi được thành lập đã phát huy hiệu quả rõ rệt, giúp nâng cao hiểu biết và thay đổi hành động cho nhiều nam giới và cộng đồng... Nhiều năm qua, Huyện Hội không nhận được đơn thư nào liên quan đến bạo lực gia đình. 

Đánh giá của Hội LHPN Hà Nội cho thấy, thời gian qua, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã có nhiều sáng tạo, đa dạng các mô hình tư vấn pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, các mô hình tuyên truyền, vận động phụ nữ chấp hành pháp luật tại cộng đồng. Điển hình mô hình tư vấn pháp luật liên ngành được thành lập từ cấp Thành phố đến cơ sở, trong đó thành viên gồm các ngành tố tụng, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội LHPN cùng cấp và các chuyên gia. 

Đến nay, cấp thành phố đã thành lập Hội đồng Tư vấn tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ cấp thành phố, cấp huyện và cơ sở đã nhân rộng được 64 tổ “Tư vấn giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em”. Thông qua mô hình này, đã giúp Hội chủ động lên tiếng, tích cực tham gia phối hợp hiệu quả với các ngành chức năng trong giải quyết nhiều vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em. 

Mô hình “Làng quê an toàn” được thí điểm tại xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên và “Thành phố An toàn, thân thiện đối với phụ nữ và trẻ em gái” được triển khai nhân rộng tại 6 quận huyện: Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên, Ứng Hòa và Đông Anh, đã xây dựng các tiêu chí về môi trường sống an toàn, lành mạnh, không có bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em và nhận được sự đánh giá cao của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

Điểm nhấn mới trong hành trình phòng, chống bạo lực, xâm hại
Bước sang giai đoạn 2022-2026, một trong những điểm nhấn nổi bật trong hoạt động phòng ngừa, bạo lực xâm hại phụ nữ, trẻ em của Hội LHPN Hà Nội là sự ra đời Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022-2026" vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt. 

Bài cuối: “Lá chắn” phòng vệ hữu hiệu - ảnh 2
Cán bộ, hội viên phụ nữ quận Đống Đa tham gia buổi truyền thông hưởng ứng Tháng  Hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 do Hội LHPN Hà Nội tổ chức.
Ảnh: H.Lan

Mục tiêu của đề án nhằm quán triệt thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thành phố về công tác phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em; tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của phụ nữ, gia đình và cộng đồng trong phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, xây dựng Thành phố an toàn, thân thiện, trong đó lấy phòng ngừa là chính, phát hiện và kịp thời hỗ trợ các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, xử lý nghiêm minh theo pháp luật các hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em. 

Đề án hiện hướng tới các đối tượng là hội viên, phụ nữ, trẻ em và thành viên hộ gia đình; các cán bộ Hội LHPN các cấp, cộng tác viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của Hội và cán bộ các cơ quan truyền thông, cơ quan tố tụng, cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện công tác về gia đình, trẻ em, giáo dục, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

Đề án sẽ được Hội LHPN Hà Nội triển khai trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó tập trung tại một số địa bàn khu vực miền núi, dân tộc, địa bàn khó khăn, các địa phương, đơn vị, tổ chức có tình trạng bạo lực trên cơ sở giới xảy ra nhiều hoặc có nguy cơ cao.

Đề án đã đặt ra một số chỉ tiêu như 100% vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em khi phát hiện được Hội lên tiếng bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng; 80% phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân mua bán người trở về địa phương khi phát hiện được các cấp Hội hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; 50% các hộ gia đình được hỗ trợ kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em...

Đặc biệt, đề án cũng đặt mục tiêu có 80% người có hành vi gây bạo lực khi phát hiện được tư vấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực; 80% hội viên phụ nữ, trẻ em được tập huấn các kỹ năng tự bảo vệ, phòng tránh bạo lực, xâm hại.

Với đề án này, các cấp Hội LHPN Hà Nội sẽ có điều kiện mở rộng đối tượng và tập trung sâu rộng công tác phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

(PNTĐ) - Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người. Sự mất kiểm soát cảm xúc này có thể làm tăng tính bốc đồng, ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận về bản thân và tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với những người khác. Bệnh thường xảy ra ở tuổi mới lớn.
Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.