Báo động cha mẹ già bị ngược đãi, bạo lực

Chia sẻ

Thay vì được con cháu phụng dưỡng, yêu thương, một bộ phận cha mẹ già lại trở thành nạn nhân bạo lực gia đình. Điều đáng nói là tình trạng con cái ngược đãi cha mẹ ngày càng gia tăng trong cuộc sống.

Hình ảnh vợ chồng con trai hành hạ mẹ già được cắt từ clip đăng trên FBHình ảnh vợ chồng con trai hành hạ mẹ già được cắt từ clip đăng trên FB

Gia tăng tình trạng cha mẹ già bị con cái ngược đãi

Ngày 25/2, một clip ghi lại cảnh một người mẹ già bị con dâu đánh đập liên tục vào người. Điều đáng nói là trong đoạn clip đó còn có sự xuất hiện của một người đàn ông và một bé gái chứng kiến nhưng không có sự can thiệp nào. Thậm chí sau đó, người đàn ông còn cầm roi đánh tiếp người mẹ sau khi bế bà vào bên trong. Khi đoạn clip đăng tải trên mạng xã hội facebook, lập tức thu hút hàng trăm ngàn lượt xem, cùng những lời bình luận phê phán hành vi đánh đập mẹ già của vợ chồng người con trai trong clip.

Sau khi đoạn clip được đăng tải, sự việc đã được các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh. Ngày 27/2, công an huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) cho biết đang điều tra vụ bạo hành gia đình, nạn nhân là người mẹ già và thủ phạm là vợ chồng người con trai xuất hiện trong clip được lan truyền trên mạng xã hội. Người mẹ già là bà Võ Thị D, năm nay 88 tuổi sống cùng vợ chồng con trai Võ Quốc Tuấn (56 tuổi) và con dâu Phạm Thị Loạn (57 tuổi). Nguyên nhân của vụ bạo hành mẹ già, theo vợ chồng người con khai là do bà D tuổi cao, đãng trí, mọi việc sinh hoạt cá nhân hàng ngày không theo ý muốn vợ chồng họ.

Bà D không phải là nạn nhân duy nhất bị con cái bạo lực. Tháng 4/2017, dư luận bàng hoàng trước vụ án con trai giết mẹ ở Thọ Xuân (Thanh Hóa). Bà L.T.H đã bị đứa con trai nghịch tử B.X.C (23 tuổi) dùng cuốc đập nhiều nhát vào đầu tử vong. Sau khi bị bắt, thủ phạm khai nguyên nhân dẫn đến hành vi giết mẹ của hắn là do bị mẹ mắng khi không chú tâm làm việc. Hay vụ việc, con rể đánh đập bố vợ nhẫn tâm diễn ra ở Hải Phòng năm 2018. Ông N.X.K (SN 1950, trú tại Hải An, Hải Phòng) sống cùng với vợ chồng con gái (sau khi vợ và con trai mất). Lúc ốm đau bệnh tật, ông chẳng những không được con gái quan tâm chăm sóc mà còn bị con rể đánh đập tàn nhẫn, chửi mắng nhiều lần khiến cuộc sống của ông khốn khổ. Cũng trong năm 2018, vụ việc ông N.V. N (55 tuổi trú tại Hưng Nguyên, Nghệ An) bị con trai N.V.T (31 tuổi) đánh đập phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng bị gãy xương sườn, mẻ xương bánh chè, xương ống chân và toàn thân bầm tím khiến dư luận hoang mang trước tình trạng đạo đức gia đình xuống cấp.

Theo tác giả Lê Ngọc Văn (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới), trong một nghiên cứu gần đây do Viện tiến hành về người cao tuổi ở Việt Nam tại 6 xã, phường của 3 tỉnh Đắc Lắc, Phú Yên và Quảng Trị, với 600 phiếu khảo sát người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên cho thấy: bạo lực của con cái đối với người cao tuổi khá nghiêm trọng, gây tổn thương về thể chất, tinh thần và thiệt hại về kinh tế. Cụ thể, có 3% số người cao tuổi được hỏi nói rằng họ bị con cái đánh đập, 8,3% bị đe dọa nhốt trong nhà và 15% bị con cái bỏ rơi, không chăm sóc. Nhóm người già, ở cả ba nhóm 60-69 tuổi, 70-79 tuổi và 80 tuổi trở lên đều phải gánh chịu các hình thức bạo lực gia đình do con cháu gây nên ở những mức độ khác nhau. Nhóm người ở tuổi 60-69 bị đánh đập và bị đe dọa, nhốt trong nhà nhiều nhiều hơn so với 2 nhóm kia. Những số liệu trên nói lên thực trạng đáng buồn về sự vi phạm đạo hiếu ở một số gia đình hiện nay.

Đạo hiếu xuống cấp trầm trọng

Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mô hình gia đình hạt nhân ngày càng phổ biến. Nhiều cha mẹ già phải chấp nhận thực tế con cái kết hôn không chung sống cùng cha mẹ. Hiện tượng cha mẹ già sống cô đơn, sống xa con cháu ngày càng gia tăng, đặc biệt là người già đô thị. Ở không ít gia đình, con cháu bận mưu sinh, lao vào kiếm tiền tối ngày, họ để cha mẹ già cô đơn, không nơi nương tựa. Tình trạng con cháu lẩn trốn trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng ông bà cha mẹ, dồn hết trách nhiệm cho người giúp việc, trung tâm dưỡng lão; thậm chí vô lễ, đánh đập, giết hại ông bà, cha mẹ không còn hiếm.

Theo bà Lê Thị Túy, chuyên gia tư vấn hôn nhân gia đình – Trung tâm tư vấn tâm lý Tuổi trẻ hạnh phúc thì đạo hiếu ngày nay đang dần bị xuống cấp. Nguyên nhân xuất phát từ việc giáo dục, bồi đắp đạo hiếu trong gia đình không còn như trước. Ngày xưa, chữ hiếu được dạy rất kỹ như: Vào mùa đông, mỗi đêm trước khi cha mẹ đi ngủ, con phải nằm cho ấm chỗ trước để cha mẹ lên nằm không bị lạnh”. Những câu tục ngữ khuyên dạy: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”… được răn dạy hàng ngày. Con cháu không chỉ hiếu với ông bà, cha mẹ khi còn sống mà còn phải hiếu cả khi họ đã mất đi, thờ cúng tổ tiên chu đáo. Ngày nay, giáo dục trong gia đình có sự thay đổi. Việc chăm sóc, giáo dục trẻ được giao phó cho nhà trường và người giúp việc nhiều hơn. Thời gian bố mẹ dành cho con cái ít dần. Ngoài ra, việc cha mẹ chăm sóc, giáo dục con theo kiểu xem con là “trung tâm vũ trụ”, “vua con” trong gia đình khiến cho nhiều đứa trẻ sống ích kỷ, không biết quan tâm, yêu thương bố mẹ.

Bên cạnh đó, điều kiện sống của xã hội cũng ảnh hưởng đến việc chăm sóc cho bố mẹ già trong các gia đình hiện nay. Một bộ phận người già đã không chuẩn bị trước tương lai già cho mình (tích lũy về kinh tế). Khi về già bị ốm đau bệnh tật, tạo gánh nặng cho con cái. Khi cuộc sống của con cái khó khăn, gánh nặng chăm sóc bố mẹ già ốm đau bệnh tật sẽ dễ khiến họ bức xúc, có những hành động bất hiếu. Vì thế, để đạo hiếu giữ gìn phát huy trong gia đình, một mặt chúng ta phải chú trọng vấn đề giáo dục con cái hàng ngày, ông bà, bố mẹ sống mẫu mực làm gương để bồi đắp lòng hiếu thảo cho con cháu. Một mặt, bản thân cha mẹ cũng cần biết chủ động cuộc sống già của mình khi còn trẻ.

Hạ Thi

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.