Bao giờ mẹ mới chấp nhận con?

Chia sẻ

PNTĐ-Tôi về làm vợ anh, có cưới xin đàng hoàng. Đích thân mẹ anh mang trầu cau sang nhà tôi xin dâu. Tôi lần đầu lên xe hoa nhưng với anh là kết hôn lần hai.

 
 
Bao giờ mẹ mới chấp nhận con? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trước khi đến với anh, tôi cũng gặp phải không ít khó khăn từ gia đình. Bố mẹ tôi vẫn nặng nề với tư tưởng truyền thống, họ không ủng hộ quyết định của tôi khi lấy một người đàn ông đã qua một đời vợ, trong khi tôi còn rất nhiều sự lựa chọn khác. Mẹ tôi thậm chí còn tuyệt thực để phản đối. Bố tôi vì thương con gái đành phải xuống nước và ra sức thuyết phục mẹ để tôi được đến với anh. Bạn bè tôi cũng nghĩ tôi lấy anh vì những ham muốn vật chất nhưng kỳ thực ngoài tình yêu dành cho anh, tôi không có bất kỳ một sự toan tính nào cả.
 
Ngày sánh bước bên anh tiến vào lễ đường, tôi tự nhủ sẽ cố gắng để sống hòa hợp, được gia đình chồng yêu thương. Bố anh hiền lành, ít nói nhưng hầu như ông chẳng có vai trò trong gia đình. Mọi thứ do mẹ anh định đoạt. Với tôi, bà luôn giữ một khoảng cách. Lúc đầu, tôi nghĩ có thể do tôi mới về làm dâu, mẹ con chưa tiếp xúc với nhau nhiều nên chưa có được sự gần gũi, thân thiện. Nhưng rồi ba năm đã trôi qua, dù tôi đã cố gắng nhưng mối quan hệ ấy cũng chẳng khá lên mà còn tệ đi. Cái đám cưới được cho là hoành tráng chỉ là vì bà không muốn mất mặt với quan khách. Sự thật là bà không chấp nhận tôi.
 
 Chướng ngại vật chắn giữa mối quan hệ của tôi và mẹ chồng đó chính là vợ cũ của anh. Như những gì tôi được biết thì chị ấy là người giỏi giang, một doanh nhân thành đạt. Sau ngày ly hôn, chị ấy đưa con gái vào TP Hồ Chí Minh sinh sống. Dù chị đã bước ra khỏi cuộc đời chồng tôi nhưng trong mắt mẹ chồng tôi, chị luôn là cô con dâu tuyệt vời nhất, và cánh cửa nhà chồng tôi vẫn luôn rộng mở để đón mẹ con họ bất kể lúc nào.
 
Bà chẳng ngại ngần khen chị ấy trước mặt tôi. Những khi tôi làm việc gì đó không tốt bà thường đưa con dâu cũ ra so sánh. Hồi đầu, tôi cũng bị “sốc” nhưng lâu dần rồi quen. Vì chồng tôi luôn bên cạnh để trấn an, động viên vợ. Chồng tôi cũng làm nhiều việc để giúp tôi cải thiện mối quan hệ với mẹ chồng nhưng gần như chẳng có kết quả. Sinh nhật, tôi mua quà tặng mẹ chồng, cũng phải cẩn thận để chọn đúng loại nước hoa bà thích nhưng về thì bà vứt xó. Bà gọi điện cho con dâu cũ bảo đi nước ngoài thì xách về cho mẹ lọ nước hoa đúng thương hiệu mà tôi mua. Mấy hôm thấy mẹ chồng không đến công ty, tôi nghĩ bà mệt nên vào phòng hỏi thăm nhưng bà bảo không sao. Vậy mà ngay sau đó, mẹ chồng tôi gọi điện cho vợ cũ của anh than thở là bà mệt, ốm nhưng tôi không đoái hoài. Bà còn buông những lời tiếc nuối:
 
- Mẹ ước, giá như vợ chồng con không ly hôn, giá như mẹ con mình vẫn còn được sống cùng nhà.
 
Hè năm ngoái, vợ cũ anh đưa con gái ra chơi. Tôi ý tứ bảo chồng tôi ra sân bay đón mẹ con chị ấy, nhưng sát giờ thì nhà ngoại tôi có việc đột xuất. Tôi đang mang bầu, chồng không yên tâm để tôi đi xe máy nên anh nhất mực đưa tôi đi. Tôi nhìn đồng hồ vẫn còn kịp giờ nên đồng ý. Lúc về, đường tắc, anh không kịp giờ lên sân bay, đành phải gọi điện để mẹ con chị ấy đón taxi về.
 
Kết quả là khi không có anh ở nhà, tôi lĩnh đủ những lời quy kết cay đắng của mẹ chồng. Tôi nghe mà uất nghẹn nhưng để giữ hòa khí gia đình đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Vợ cũ và con gái anh ở lại Hà Nội chơi mấy ngày. Giữ ý tứ nên chị ấy định về bên nhà chị gái ở nhưng mẹ chồng tôi khăng khăng:
 
-  Con không được đi đâu cả. Nơi đây vẫn là nhà của con, nhà của cháu nội mẹ.
 
Tôi thì chẳng hẹp hòi gì, đến bữa ăn tôi vào bếp nấu nướng, dọn dẹp rồi phục vụ nhưng tôi biết chồng tôi khó xử. Vợ cũ của anh cũng vậy nên chị để con gái ở lại chơi với bà nội. Chị vừa ra khỏi nhà thì mẹ chồng quay ra trách mắng chồng tôi:
 
- Dù gì con và nó cũng là vợ chồng đầu ôm tay gối 7 năm, con không mở miệng nói một câu để giữ nó ở lại được sao? Phải rồi, con giờ mở miệng làm sao được khi có “thầy dùi” luôn ở sau lưng.
 
 Anh tức tối bỏ đi, còn tôi thì lòng đầy cay đắng. Bao nhiêu lần bị đổ oan nhưng tôi vẫn cắn răng chịu đựng cũng chỉ vì không muốn gây thêm hiềm khích với mẹ chồng.
 
Dạo gần đây, công việc làm ăn của chồng tôi trục trặc. Nhiều việc không mong muốn xảy ra dồn dập. Anh lo lắng xoay xở gầy rộc cả người. Thương anh mà không giúp gì được, tôi chỉ biết lẳng lặng chăm sóc và chia sẻ với anh. Mẹ chồng tôi cho rằng tôi là người mang đến những xui xẻo cho anh, rồi bà lại gọi điện cho vợ cũ của anh để nhờ giúp anh giải quyết khó khăn. Chồng tôi không muốn làm phiền nhưng vì mẹ anh đã có lời, vợ cũ lại sẵn lòng nên anh cũng khó từ chối. Sợ tôi nghĩ sai, anh phân trần:
 
- Em đừng nghĩ ngợi gì cả. Giữa anh và cô ấy ngoài con cái và công việc thì không có gì khác đâu.
 
Tôi nhìn anh mà nước mắt rưng rưng. Tôi có đủ niềm tin để bước cùng anh qua những cung đường gian nan nhất, nhưng mẹ chồng lại luôn khiến cho sự gian nan ấy càng nhiều thêm. Lúc nào lòng tôi cũng tự hỏi: “Bao giờ mẹ mới chấp nhận con là con dâu thật sự của mẹ!”. 
 
Thu Đức

Tin cùng chuyên mục

Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

(PNTĐ) - Vợ chồng ông Hồng P và vợ là Ngọc Y ở Vĩnh Phúc sinh được 1 con chung là cháu A, sinh năm 2009. Năm 2021, hai ông bà ly hôn. Bà Y được tiếp tục nuôi dưỡng cháu A. Sau đó, ông P cho rằng bà Y có biểu hiện không quan tâm, chăm sóc con nên đã khởi kiện yêu cầu Tòa án hạn chế quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của bà đối với cháu A trong thời hạn 2 năm tính từ ngày 1/1/2024.
Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

(PNTĐ) - Tiếp tục gửi ý kiến thảo luận tới Diễn đàn, nhiều độc giả cho rằng, tuổi già cần nhất là những giây phút thảnh thơi, tránh xung đột không cần thiết nên việc bố mẹ càng ít cậy nhờ, dựa dẫm con thì càng tốt.
Người vun vén hạnh phúc gia đình

Người vun vén hạnh phúc gia đình

(PNTĐ) - Suốt 20 năm qua, bà Hoàng Thanh Mai (SN 1949, tổ trưởng tổ hòa giải số 19, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) đã dốc hết lòng cho công tác hoà giải cơ sở, giúp xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em phát triển toàn diện.