Bạo hành ngược: “Bỏ quên” nạn nhân nam giới
PNTĐ-Nếu như trước đây bạo hành ngược là hiện tượng “hiếm” thì thời gian gần đây lại ngày càng nhiều và nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến án mạng.
![]() |
Ảnh minh họa |
Đày đọa tinh thần, kìm cặp, phong tỏa kinh tế, ác mộng cuộc sống tình dục, đau đớn thể xác… là những hành vi bạo lực gia đình mà rất nhiều phụ nữ đã và đang phải hứng chịu. Tuy nhiên, ít ai có thể ngờ rằng một bộ phận nam giới cũng đang là nạn nhân của những hành vi bạo lực.
Muôn kiểu bạo hành ngược
Nếu như trước đây bạo hành ngược là hiện tượng “hiếm” thì thời gian gần đây lại ngày càng nhiều và nghiêm trọng; thậm chí dẫn đến án mạng. Điển hình như vụ tự tử vì bị vợ truy sát tại Hải Phòng ngày 31/10/2013 vừa qua. Anh Nguyễn Văn T (48 tuổi, trú tại Hải An, Hải Phòng) đi uống rượu về bị vợ mắng chửi, cầm gậy đuổi đánh. Sợ quá, anh T lên xe máy bỏ chạy. Chạy xe đến cầu Rào, anh T vẫn thấy vợ đuổi theo dọa đánh liền bỏ xe lại, nhảy xuống sông Lạch Tray rồi thiệt mạng sau đó. Tiếp đó là vụ vợ đánh chồng phải đi cấp cứu và tử vong ở Phú Thọ.
Xuất phát từ nguyên nhân không đồng ý khi chồng bắt quan hệ tình dục bằng các tư thế lạ, Nguyễn.T.H.Lan (SN 1982) đã xô xát với chồng. Trong nỗi tức giận, Lan đã dùng cây gậy gỗ vụt liên tiếp vào đầu, mặt chồng cho đến khi anh gục xuống. Dù được người thân đưa đến viện cấp cứu anh cũng vẫn không qua khỏi. Một trong những vụ gây xôn xao là chồng bị vợ cắt “của quý” xảy ra tại Long An…
Dạo qua các trung tâm tư vấn, câu chuyện nam giới bị vợ bạo hành cũng những câu chuyện dài. Anh Nguyễn Văn M (Cầu Giấy, HN) kể gần 20 năm nay, anh sống như nô lệ của vợ và nay chỉ muốn chết cho xong. Sau khi cưới, nhà vợ cho vợ chồng anh một mảnh đất để xây nhà ở và mở cửa hàng buôn bán. Kinh tế vợ quản, mỗi lần anh cần chi tiêu cá nhân đều phải hỏi xin. Lần nào vợ anh cũng đưa tiền “liền” với lời nói khiến anh bị tổn thương nặng nề. Mấy năm nay con cái lớn, vợ anh rảnh rỗi đi tập khiêu vũ rồi về chê chồng kém cỏi khoản chăn gối. Dần dần câu cửa miệng của chị là “tiền không biết kiếm, tình không biết làm” đã trở thành nỗi ám ảnh với anh. Mỗi lần phản ứng là anh bị vợ xỉa xói: “Lấy tôi anh không tốn một xu, nhà cửa không phải lo, ngồi mát ăn bát vàng còn đòi hỏi gì nữa”. Cứ thế anh sống trong u uất, đôi khi muốn dùng cái chết để trả thù.
Tương tự, anh Trần Văn B (Hoàng Mai, HN) lấy được cô vợ tiến sĩ, làm kinh tế giỏi. Vì vợ học cao, giỏi kiếm tiền nên mọi thứ trong nhà đều ghi danh vợ. Hai đứa con theo đó bị vợ “độc quyền” dạy dỗ, coi bố không ra gì. Mỗi lần mâu thuẫn, vợ nổi nóng đập phá đồ đạc, ném mọi thứ vào chồng. Không ít lần anh bươu đầu, sứt trán vì những mảnh vỡ của bát đĩa, bình hoa do vợ ném. Mỗi lần nỗi niềm với ai anh cũng nhận lại sự mỉa mai: “Đàn ông như thế thì vợ “nện” cho là phải…”. Từ đó, để giữ thể diện, anh đành nuốt ngược nỗi đau và che giấu kỹ hơn bất hạnh của mình.
Quyền được bảo vệ bị “bỏ quên”
Quyền được bảo vệ bị “bỏ quên”
Theo chuyên gia tư vấn Lê Thị Túy (Trung tâm Tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc gia đình Việt Nam), sở dĩ vấn đề bạo hành ngược chưa được quan tâm nhiều là bởi ảnh hưởng của xã hội phong kiến, tư tưởng Nho giáo trọng nam khinh nữ, nhìn vào bề nổi, nạn nhân nữ giới bị bạo hành chiếm đa số. Tuy nhiên trong thời hiện đại, đặc biệt từ khi có Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình ra đời, vị thế của phụ nữ trong xã hội đã thay đổi. Sự bình đẳng nam nữ đã mang lại nhiều cơ hội cho phụ nữ khẳng định mình. Nhưng sự bình đẳng “quá đà” của một bộ phận nữ giới đã khiến bạo hành ngược nảy sinh kéo theo các hành vi vi phạm pháp luật sau đó.
Bà Túy cho rằng: Nguyên nhân chính khiến nạn bạo lực gia đình tồn tại là do nạn nhân và thủ phạm đều không nhận thức được hành vi bạo hành. Việc chị em kiểm soát chi tiêu của chồng được lý giải là trách nhiệm của người nắm tay hòm chìa khóa. Họ không nhận thức được sự kìm kẹp, phong tỏa tiền chồng làm ra cũng là một dạng bạo hành. Việc vợ cấm vận, chửi bới, coi thường chồng không làm ra tiền, trình độ thấp, địa vị quèn trong xã hội, chức năng đàn ông kém cũng là… chuyện thường vì người chồng kém cỏi ấy đáng phải chịu.
Trong khi đó, quan niệm đàn ông luôn cứng rắn, làm chủ trong gia đình đã khiến cho những nam giới bị bạo hành ngược luôn che giấu và “bỏ quên” quyền được hỗ trợ, bảo vệ giống như nạn nhân nữ giới. Công tác tuyên truyền của chúng ta cũng đang “ưu tiên” đề cập và bảo vệ nạn nhân nữ giới. Từ hệ thống nhà tạm lánh đến các trung tâm tư vấn, hỗ trợ, các chương trình hành động đều hướng đến đối tượng nạn nhân nữ giới, trẻ em gái.
Một tài liệu thống kê của Viện Khoa học xét xử cho thấy, trong 10.608 vụ án hôn nhân và gia đình xét xử ở tòa thì có 42% vụ án ly hôn có nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Trong số đó, tỷ lệ bạo hành ngược như vợ bạo hành thể xác chồng là 0,6%; vợ bạo hành tinh thần chồng: 8,5%; vợ bạo hành tình dục chồng: 1,6%. Điều này cho thấy bạo hành ngược không còn là vấn đề… “nho nhỏ” nữa mà cũng rất cần lên án và ngăn chặn kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Hạ Thi