Bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống và hiện đại của gia đình Việt
(PNTĐ) -Gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước. Trong đó, việc xây dựng và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới là một trong những yêu cầu trọng tâm.

Vấn đề chính sách và thực tiễn được quan tâm hiện nay là, những giá trị gia đình cơ bản nào của gia đình Việt Nam đang gìn giữ, đang biến đổi, và hình thành trong quá trình phát triển; cũng như những giá trị nào cần đặc biệt quan tâm vun đắp để gia đình vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa, vừa tiếp thu những giá trị nhân văn trong xu thế hội nhập, vừa bảo vệ được những mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, vừa thúc đẩy quan hệ tương tác của gia đình với quá trình chính sách và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước?
Các giá trị gia đình truyền thống đang được bảo lưu
Gia đình Việt Nam có xu hướng bảo lưu các giá trị gia đình truyền thống. Người dân coi trọng hôn nhân với tuổi kết hôn trung bình 25,2 tuổi, theo kết quả Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở 2019, và tỷ lệ cao đồng ý với việc đến tuổi trưởng thành cần lập gia đình, ít chấp nhận độc thân, dù tuổi kết hôn trung bình lần đầu đang tăng.
Hôn nhân, gia đình được coi là ưu tiên quan trọng nhất trong cuộc sống mỗi cá nhân. Theo tính toán của tác giả, tỷ lệ kết hôn của Việt Nam đang cao hơn so với Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, cho thấy xu hướng bảo lưu giá trị gia đình truyền thống khá mạnh mẽ.
Giá trị chung thủy được gia đình Việt Nam đánh giá là quan trọng nhất trong đời sống hôn nhân, sau đó là đến các giá trị tình yêu thương, bình đẳng, chia sẻ việc nhà, hòa hợp tình dục, có thu nhập, và sống riêng. Đạo hiếu là giá trị vững bền nhưng đang có sự biến đổi về cách thức biểu hiện.
Giá trị con cái tiếp tục được coi trọng. Theo đó, người Việt Nam mong muốn có con, nhưng không muốn nhiều con. Theo kết quả Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tổng tỷ suất sinh ở Việt Nam là 2,09 con/phụ nữ, quanh mức sinh thay thế.
Tuy nhiên, mức độ chênh lệch lớn giữa mức sinh ở khu vực thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và giữa các tỉnh đang là vấn đề cần quan tâm hiện nay. Các giá trị của con cái đang chuyển dần từ giá trị xã hội (ưa thích con trai) an sinh (có người chăm sóc khi về già), kinh tế (có nguồn lao động) sang giá trị tâm lý - tình cảm (gắn kết hôn nhân, hoàn thiện bản thân).
Trong giáo dục con cái, các giá trị đạo đức được gia đình giáo dục cho con cái khá đa dạng và phong phú, là sự giao thoa giữa các giá trị truyền thống và các giá trị mang tính hiện đại. Trong đó, các giá trị đạo đức mang tính truyền thống như hiếu thảo, trung thực, lễ phép… tiếp tục được xem là các giá trị đạo đức quan trọng nhất.
Xu hướng biến đổi và hình thành một số giá trị gia đình mới
Gia đình Việt Nam đang thể hiện rõ xu hướng hạt nhân hóa, giảm dần về quy mô, nhất là ở khu vực hiện đại như đô thị. Tính cá nhân đang ngày càng mạnh lên trong quá trình hiện đại hóa, thể hiện ở mức sinh giảm, tuổi kết hôn tăng, ly hôn vì lý do cá nhân tăng, nhất là nhóm mang đặc điểm hiện đại hơn, ly hôn cao hơn.
Tỷ lệ ly hôn trên 1.000 dân số của Việt Nam tăng từ 0,79 năm 2000 lên 1,64 năm 2020, sau đó giảm mạnh còn 1,25 năm 2021. Xu hướng ly hôn tăng lên của Việt Nam tương tự Trung Quốc. Trong khi đó, một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác ghi nhận hiện tượng ly hôn giảm liên tục trong nhiều năm qua.
Ngoài ra, gia đình Việt Nam cho thấy mức độ chấp nhận cởi mở dần với một số hiện tượng hôn nhân gia đình mới như chấp nhận cao với chung sống không kết hôn (67,5%), làm mẹ đơn thân (49,6%), kết hôn với người nước ngoài và mức độ chấp nhận còn thấp hiện tượng sống độc thân (38,5%), rất dè dặt với kết hôn đồng giới (27,7%), nhưng mức độ chấp nhận tăng dần ở nhóm mang đặc điểm hiện đại và phụ nữ.
Xu hướng khác biệt giới rõ nét trong giá trị gia đình
Có khác biệt giới rõ nét trong giá trị gia đình. Bình đẳng giới trong gia đình đang có những vận động khá phức tạp. Với nam giới, họ được kỳ vọng gánh vác vai trò trụ cột kinh tế. Đây có thể là một gánh nặng tâm lý đối với nam giới bởi vì không phải người nam giới nào cũng có đầy đủ khả năng đảm đương được những trách nhiệm đó, nhất là trong bối cảnh phụ nữ tham gia rộng rãi vào thị trường lao động, cạnh tranh với nam giới. Đối với nam giới, dường như đang trong xung đột của hệ giá trị cũ và mới, mức độ chấp nhập việc giảm dần vai trò và tiếng nói của mình theo tư tưởng gia trưởng chậm hơn so với mức độ phụ nữ nhận thức được quyền bình đẳng và vị thế của mình trong gia đình và xã hội.
Với phụ nữ, sự khác nhau giữa kỳ vọng và thực tế cho thấy vấn đề về giới thậm chí còn lớn hơn. Thứ nhất, xã hội dường như đánh giá vai trò kinh tế trong gia đình của phụ nữ thấp hơn thực tế. Thứ hai, phụ nữ được mong đợi và thực tế thực hiện vai trò kép ở cả gia đình và xã hội.
Một mặt, người vợ được mong đợi gánh vác cùng người chồng trong tạo thu nhập cho gia đình và thừa nhận ý nghĩa của việc làm cho phụ nữ đối với bình đẳng giới trong gia đình. Mặt khác, truyền thống văn hóa Á Đông dưới ảnh hưởng của Nho giáo vẫn đặt gánh nặng chăm sóc lên phụ nữ.
Đồng thời, một bộ phận phụ nữ Việt Nam đang có xu hướng giải phóng tư tưởng khá mạnh mẽ, có nhiều quan điểm hiện đại và cởi mở về hôn nhân và gia đình”. Khi phụ nữ vừa đi làm đóng góp kinh tế cho gia đình, vừa đảm nhiệm trách nhiệm chính trong nội trợ chăm sóc, vừa phải vượt qua được các rào cản về định kiến giới trong công việc, sự nghiệp, thì áp lực đối với người phụ nữ là rất lớn.