“Làm cha mẹ thông thái”:
Bí quyết kiểm soát con khi dùng mạng xã hội
(PNTĐ) -Nhiều bậc phụ huynh than phiền, việc kiểm soát con em tiếp cận các thông tin xấu, độc trên môi trường mạng khá là đau đầu. Làm thế nào để kiểm tra lịch sử truy cập máy tính của con, cách cài đặt chế độ kiểm soát web đen, sử dụng mạng xã hội nào thì “sạch” là những trăn trở không hồi kết của những người làm cha mẹ.

Ảnh minh họa, nguồn Int
Trẻ em sinh ra trong thời đại công nghệ số, các em rất giỏi các kỹ năng số, nhưng lại chưa đủ kinh nghiệm, tư duy phản biện để phân biệt đúng sai, tốt xấu trên mạng, cộng thêm sự tò mò của lứa tuổi khiến trẻ càng dễ có nguy cơ bị tổn thương trên mạng và là đối tượng nhắm đến của những kẻ xấu.
Theo anh Bạch Ngọc Toàn, chuyên gia công nghệ kiêm sáng lập kênh đào tạo trực tuyến TEDU cho rằng sự phát triển của các mạng xã hội Facebook, Youtube... có tác động cả mặt tích cực và tiêu cực, đồng thời phản ánh đúng bản chất xã hội hiện nay.
“Hiện có rất nhiều youtuber bất chấp lương tâm, đạo lý để “sáng tạo” những clip nhảm nhí, vô bổ, thậm chí độc hại, nguy hiểm chỉ để câu view, câu like. Gần như không có kênh Youtube nào cảnh báo trẻ em, nội dung giới hạn độ tuổi, trong khi nhiều cháu bé được bố mẹ cho xem thoải mái, không hề kiểm soát, chọn lọc nội dung nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro”- anh Toàn cảnh báo.
Trước thực trạng trên, để kiểm soát nội dung và thời gian dùng mạng xã hội của trẻ, các bậc phụ huynh đa số đều sử dụng giải pháp “cấm”. Tuy nhiên, cấm không xuể bởi phụ huynh không thể bên con mọi lúc, mọi nơi để cấm được. Vì vậy, các giải pháp phòng ngừa là hiệu quả nhất.
Anh Bạch Ngọc Toàn cho rằng, khi đã cho con sử dụng các thiết bị công nghệ có kết nối internet thì nguyên tắc đầu tiên là cha mẹ phải thường xuyên giám sát và kiểm tra chặt chẽ các ứng dụng cũng như thời gian truy cập của trẻ. Bên cạnh đó, cha mẹ cần quan tâm, hướng dẫn, chọn lọc cho con xem các kênh lành mạnh, mang tính giáo dục, giám sát thời gian, nội dung để biết con mình đang tiếp cận với thông tin nào.
Còn theo nhà giáo Nguyễn Thanh Nhân, cố vấn chương trình Giáo dục và phát triển giải pháp NAHI Kids, hiện nay, có rất nhiều công cụ quản lý việc sử dụng máy tính của trẻ như: Kids Place - Parental Control, Kid Read, NAHI Kids - NAHI Parental Control… Các công cụ này có thể liên kết tài khoản của con với cha mẹ, từ đó kích hoạt nhiều cài đặt về mặt nội dung và quyền riêng tư, giúp kiểm soát từng hoạt động của trẻ khi tương tác với thiết bị, nhờ đó cha mẹ có thể biết được con mình thường dành nhiều thời gian vào mạng làm gì, vào những trang web nào. Ngoài ra, một số phần mềm chặn trẻ truy cập vào trang web có nội dung xấu như: Kaspersky Safe Kids, Qustodio, OpenDNS Family Shield, Net Nany, Anti-Porn… Cha mẹ có thể cài đặt các phần mềm này trên máy tính như “bức tường lửa” ngăn con với các web xấu.
Cũng theo các chuyên gia, hiện nay, với đòi hỏi của xã hội, các mạng xã hội cũng đã bắt đầu đưa ra các chính sách thay đổi quyền riêng tư, phát triển thêm các bộ lọc. Mạng xã hội TikTok sẽ tự động tắt thông báo lúc 9h tối với tài khoản người dùng từ 13-15 tuổi và 10h tối với các tài khoản từ 16-17 tuổi. TikTok cũng sẽ cập nhật thêm tính năng chọn lọc đối tượng xem video trước khi đăng tải. Tại Việt Nam, một số nghị định quản lý các nền tảng xuyên biên giới đã được sửa đổi và dự kiến được ban hành trong quý III này.
Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là các bậc phụ huynh cần thường xuyên dành thời gian cho con em mình. Để mỗi cú click chuột của trẻ khi bước vào không gian mạng đều an toàn và chủ động.