Bố "bỉm sữa" chia sẻ cách giao tiếp với con

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ)- Triệu Nguyễn Tài, admin group “giáo dục con toàn diện từ sớm” đồng thời cũng là một “ông bố bỉm sữa” với nhiều bài viết giáo dục con được cộng đồng mạng yêu thích. Cùng nghe anh muốn chia sẻ với các cha mẹ đang nuôi con nhỏ cách anh trò chuyện với con.

Bố
Vợ chồng tác giả và con trai (Ảnh: NVCC)

Xin chào anh, vì sao anh lại quan tâm đến chủ đề cha mẹ giao tiếp với con?

Cách cha mẹ giao tiếp với con, đối với tôi là sự trải nghiệm, quan sát từ chính gia đình thời thơ ấu của tôi cũng như hàng trăm gia đình khác. Việc giao tiếp với con hàng ngày quan trọng vô cùng và là cốt lõi nhất trong việc giáo dục tinh thần trí tuệ cho trẻ.

Những gia đình có con cái thành đạt, gia đạo êm ấm đều có  mẫu số chung là cách giao tiếp / cách nói chuyện/ cách đỗi đãi với nhau hàng ngày. Tôi không dám nói tuyệt đối nhưng gần như tuyệt đối những gia đình cha mẹ ăn nói văn minh, tôn trọng nhau và cách cha mẹ tương tác giao tiếp với con văn minh, không nói những từ tiêu cực, phỉ báng hay cộc lốc, các con sau này trưởng thành đều là người lành hiền, có học thức và sự nghiệp. Việc cha mẹ giao tiếp với con một cách thân thiện, khiến những đứa con đó không cảm thấy lo sợ khi tiếp cận vấn đề với cha mẹ, từ đó chúng thỏa trí tò mò và tưởng tượng, dám dấn thân và thực hiện những quyết định của chúng.

Ngược lại trong những gia đình không êm ấm,  cha mẹ đối đãi giao tiếp với nhau tiêu cực và đặc biệt hành xử với các con cũng tiêu cực, rất hiếm khi thể hiện tình cảm với con qua ánh mắt hoặc lời nói hoặc cử chỉ. Thay vào đó, nhiều bố mẹ đay nghiến, thờ ơ, cộc lốc, uy quyền, ép buộc, giáo điều tiêu cực. Mẫu số chung các con của những gia đình đó trưởng thành đều mang theo tổn thương bên trong, các con thiếu tự tin, có tính cách rụt rè nhưng rất cục tính, hay đa nghi, ít có chỗ đứng trong xã hội và rất thờ ơ với cuộc sống của chính mình.

Góc độ tiếp cận tiếp theo tôi muốn hướng tới là Triết học. Các cụ có câu: “Hủy diệt người chỉ cần một câu. Xây dựng người lại mất ngàn lời”. Có thể thấy, trong gia đình, với hàng xóm, trong công sở, nếu ta mềm mại, thân thiện, niềm nở, lời nói tích cực, ta sẽ có những sức hút khác lạ so với nếu ta gai góc, lời ăn tiếng nói khó nghe và tiêu cực.

Áp dụng cho các con, trong giao tiếp hàng ngày, cha mẹ niềm nở, vui vẻ, cách nói chuyện thông minh, khơi gợi, kích thích con đúng lúc đúng chỗ, những đứa con đó không chỉ phát triển về mặt cảm xúc tinh thần và trí tuệ của chúng cũng tăng trưởng không ngừng.

Vậy theo anh, cha mẹ thường có những sai lầm nghiêm trọng nào khi giao tiếp / đối đãi với con hàng ngày?

+ “Con nói ít thôi, con nói nhiều quá, con đi chỗ khác chơi”.

Đây là cụm từ cha mẹ hay nói với con trẻ đặc biệt khi con đang ở độ tuổi 2-5 tuổi. Lúc này, con đang trong độ tuổi tò mò, ham hiểu biết, thắc mắc và liên tục con hỏi cha mẹ. Những lúc cha mẹ mệt mỏi, áp lực cuộc sống gia đình… cha mẹ thường phản xạ bản năng bằng những câu như trên khiến con cụt hứng và vô tình cha mẹ đã dập tắt đi ngọn lửa tò mò trong con. Không chỉ dừng lại ở đó, những câu nói như vậy sẽ khiến sự xa cách cảm xúc giữa con và cha mẹ mỗi ngày một nới rộng hơn.

+ Hay nói hộ con/ trả lời thay con.

Con đang trả lời hoặc đang suy tư về câu trả lời nào đó, cha mẹ thường có thói quen trả lời hộ con, nói luôn kết quả cho con. Điều này khiến con không còn tự giác tự tin và thói quen tự thân vận động.

+ Gạt phăng đi quan điểm của con một cách cực đoan

Khi con trả lời sai hoặc nói quan điểm nhưng cha mẹ dựa vào sự hiểu biết của mình gạt quan điểm của con một cách dứt khoát và có phần tiêu cực, điều này làm cho các con mất đi sáng tạo và tự tin. Con sẽ rụt rè hơn cho những lần sau, không dám thể hiện quan điểm.

+ Sử dụng quyền làm cha mẹ áp đặt quyền uy, giáo điều nạt nộ con

Cha mẹ thường có suy nghĩ: “Trứng đòi khôn hơn vịt” , vì suy nghĩ đó cha mẹ thường áp đặt ý thức hệ và quan điểm sống của cha mẹ lên con cái, không tin khả năng và những nét độc đáo của riêng con, dù cách áp đặt đó âm thầm bên trong hay biểu hiện bên ngoài sẽ khiến con không có đất, không gian để thể hiện tài năng của mình. Chưa dừng lại ở đó trong cách giao tiếp với con còn sử dụng những động từ mạnh, bậy bạ thì còn nguy hại hơn. Tôi muốn nói thêm rằng nếu cha mẹ nạt nộ con trong một thời gian dài thì những đứa trẻ đó sẽ dừng lại việc yêu thương chính mình.

Bố
Cha mẹ hãy luôn cười với con mỗi ngày ( Ảnh: NVCC)

Vậy cha mẹ nên làm gì để có cách giao tiếp đúng với con, theo quan điểm của cá nhân anh?

Cha mẹ muốn có được sự giao tiếp với con tốt đẹp, việc đầu tiên cha mẹ sửa lại chính mình. Tại sao tôi nhấn mạnh cha mẹ tu sửa chính mình vì nếu cha mẹ không tu sửa thân tâm thì việc cha mẹ xuất ngôn sẽ không thể văn minh và sạch sẽ được. Cha mẹ cần tu sửa từ việc ăn nói trống không, cộc lốc, sử dụng những ngôn từ mất vệ sinh, đao to búa lớn.Việc tu sửa như thế nào là việc cha mẹ chọn nhưng đích cuối cùng là cách xuất ngôn văn minh. Tôi chia sẻ một vài cách cha mẹ có thể tham khảo.

Đọc sách và tìm hiểu những tác hại của việc ăn nói thiếu văn minh với con. Khi đọc được những tác hại cha mẹ sẽ sợ và từ từ rút kinh nghiệm. Việc học hỏi từ sách vở, thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp rất quan trọng.

- Hãy nhớ lại quá trình chính cha mẹ chúng ta khôn lớn, chính chúng ta nhận sự giáo dục từ bố mẹ, ông bà của chúng ta, những mặt ưu/nhược điểm. Tại sao ta lại nóng tính mất kiên nhẫn với con như vậy? Tại sao ta không cười nhiều với con thay vào đó là cau có và áp đặt, ta luôn đặt những câu hỏi cho chính mình.

- Nếu cha mẹ có và đang nóng tính và đe nẹt con quá, hãy trấn tĩnh lại, tham gia những lần lao động công ích, đặc biệt lao đông công ích cho xã hội cũng là một cách làm cha mẹ trấn tĩnh điềm đạm hơn với con.

- Hãy quan sát con nhiều hơn, nhìn và ngắm con, tương tác với con nhiều hơn, chính những đứa trẻ sẽ chữa lành bản thân chúng ta liên tục. Việc nhìn ngắm, quan sát con cũng sẽ làm cho cha mẹ mềm mại và tự tăng trưởng trí tuệ khi giao tiếp với con.

Việc cha mẹ giao tiếp với con văn minh và thông minh sẽ giúp con tăng trưởng cảm xúc với cha mẹ, gắn kết yêu thương và trí tuệ của con không ngừng tăng trưởng. Con sẽ mở lòng và tự tin hơn rất nhiều, con dám dấn thân và tự chịu trách nhiệm với chính hành động của mình.

Được biết, hiện anh đang là một “ông bố bỉm sữa” của một bé trai rất đáng yêu. Vậy hàng ngày, anh giao tiếp với con thế nào?

Tôi đã đồng hành với con từ khi con nằm trong nôi. Tôi hay cười với con, khi giao tiếp tôi hay nhìn vào mắt con, chăm chú nghe con bằng ánh mắt dịu hiền, cách nói chuyện của tôi với con luôn là sự kích thích, khơi gợi, chứ không cung cấp kết quả mà con tôi cần. Tôi luôn dẫn dắt con để con tự đưa ra kết quả cuối cùng.

Giáo dục con cốt lõi nhất theo tôi là cười, cười cùng con mỗi ngày. Cha mẹ làm sao nở một nụ cười thân thiện và luôn có cảm giác hạnh phúc khi ở bên con. Điều đó đơn giản nhất, dễ làm nhất, ít tốn kém nhất nhưng giúp con đạt được nhiều tiến bộ phát triển nhất.

Xin cảm ơn anh

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.