Cảm ơn mẹ chồng

Mai Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày tình cờ đọc được tin nhắn chồng gửi cho một đồng nghiệp nữ, tim chị như vỡ vụn. Nếu như không có buổi trò chuyện kịp thời của mẹ chồng thì không biết chị có suy nghĩ lại để cứu vãn hôn nhân hay không.

Chị và chồng cưới nhau từ một tình yêu bền bỉ kéo dài 7 năm. Hai người đều gần như là mối tình đầu của nhau nếu không kể đến những rung động đầu đời trong sáng, thơ ngây thuở học trò. Mỗi khi bạn bè tụ họp, kể lại chuyện xưa, anh và chị đều hạnh phúc và tự hào với tình yêu của mình. Lấy nhau rồi, suốt 5 năm qua, dù ở cương vị làm chồng hay làm cha, anh đều thể hiện rất tốt.

Anh yêu thương vợ, lo cho vợ từng li từng tí, nhất là khi chị lâm bồn sinh con. Anh thức cả đêm trông con để chị nghỉ ngơi. Vậy nên với những câu chuyện ngoại tình tràn lan trên mạng hay đôi lần nghe chuyện cô đồng nghiệp bị chồng phản bội chị cũng không mấy lo lắng.

Cuộc sống gia đình hạnh phúc của chị còn có sự hậu thuẫn của mẹ chồng chị. Từ lúc con trai dẫn chị về ra mắt, mẹ anh đã thích chị bởi vẻ ngoài hiền lành, chịu khó. Khi đón chị về làm dâu, bà coi chị như con gái. Cứ rảnh là bà  nấu cơm nấu nước giúp đỡ hai vợ chồng chị, chăm sóc con cháu cho vợ chồng chị nghỉ ngơi sau một ngày đi làm mệt mỏi. Những lúc hai mẹ con cùng nấu cơm, bà nhường chiếc quạt duy nhất trong bếp cho con dâu vì sợ chị bị nóng. Hành động nhỏ nhưng giúp chị hiểu bà thương mình nhiều thế nào.

Chỗ chị làm cách nhà 3km, thấy chị gầy gò, lại bận rộn, mẹ chồng lo sức khỏe chị không bảo đảm nên sáng nào bà cũng mua đồ ăn sáng cho chị. Sợ chị vì mải làm việc mà ăn uống thất thường, bà tự nấu cả bữa trưa để chị mang theo. Món nào chị thích bà đều ghi nhớ để nấu lần sau, món không thích sẽ loại bỏ khỏi thực đơn.

Mỗi ngày bà đều trò chuyện, tâm sự đôi chút với chị. Ngoài việc dặn dò giữ gìn sức khỏe, bà còn quan sát sắc mặt chị xem có ốm đau gì không để lựa cách chăm sóc. Cách ứng xử của mẹ chồng khiến chị luôn có cảm giác được yêu thương, trân trọng.

Cảm ơn mẹ chồng - ảnh 1
Ảnh minh họa

Khi phát hiện được tin nhắn chồng gửi cho một đồng nghiệp nữ, tim chị như vỡ vụn. Những lời quan tâm ngọt ngào ấy lâu rồi chị không được nghe. Cuộc sống vợ chồng với nhiều bận bịu, nhiều nỗi lo toan khiến cả hai gần như không còn thời gian dành cho nhau những lời dịu ngọt. Cũng bởi chị luôn tin tưởng chồng mình có thể không giàu có, không đẹp trai nhưng nhất định là người chung thủy.

Để rồi khi chứng kiến sự phản bội của chồng thì nỗi tuyệt vọng trong lòng chị lại càng nhiều hơn. Chị chất vấn anh, anh nhận sai, nhưng nói rằng hai người chưa vượt quá giới hạn. Nỗi đau quá bất ngờ khiến chị như câm lặng. Chị không biết mình phải nói gì với anh để thỏa nỗi giận đang bùng nổ trong lòng.

Chị yêu chồng, điều đó không thể phủ nhận, Tình yêu ấy lớn đến nỗi dường như không còn chỗ cho sự bao dung. Cứ nghĩ đến việc anh dành tâm trí, tình cảm và có thể là cả thân xác của mình cho người đàn bà khác khiến con tim chị bị bóp nghẹt, chị không thể chấp nhận. Anh xin chị vì hai con nhỏ mà bỏ qua cho anh để các con có đủ mẹ cha. Nhưng lúc này chị không nghĩ được nhiều. Chị chỉ muốn ly hôn.

Thấy chị quyết liệt, anh ngồi lặng lẽ trong phòng, rồi nói với chị sẽ dọn đến công ty ở tạm ít ngày, anh nói dối mẹ là đi công tác. Anh hy vọng khi không nhìn thấy mặt anh thì chị có thể bình tâm suy nghĩ mọi chuyện thật thấu đáo trước khi quyết định.

Cảm ơn mẹ chồng - ảnh 2
Ảnh minh họa

Sau khi anh đi 2 ngày, lấy cớ bận công việc ở cửa hàng, chị nhờ mẹ chồng nấu cơm cho con ăn còn chị về nhà muộn. Chị không muốn mẹ chồng nhìn thấy sự thay đổi của chị. Sáng nay, bà ra chỗ chị sớm hơn, mang cho chị bát bún nóng, bảo chị ăn cho có sức làm việc. Ngoài trời âm u, nhiệt độ không quá 10 độ, chị thấy cảm động khi nhìn mặt bà tái đi vì rét.

Sau khi uống cốc nước ấm, bà hỏi chị hôm nay có thể nghỉ làm một buổi không? Bà có nhiều điều muốn nói. Rồi mẹ chồng nhìn chị, nói lời xin lỗi: Mẹ đã biết mọi chuyện rồi. Mẹ xin lỗi đã không thể dạy con trai mình. Dù thế nào con cũng hãy biết chăm lo bản thân mình và chăm sóc con của mình. Mẹ không bênh chồng con dù đó là con trai mẹ, mẹ cũng đau lòng lắm.

Bà nói nhiều lắm. Bà kể cho chị nghe về những ngày tháng vất vả một mình nuôi con. Kể về niềm tự hào khi anh được học hành thành tài. Nói về niềm vui khi chị trở thành con dâu của bà. Bà cũng hy vọng chị có thể mở lòng độ lượng, bao dung, nghĩ về tình cảm vợ chồng nhiều năm qua, nghĩ về những ngày tháng ấm êm, hạnh phúc mà cho cả hai thêm một cơ hội.

Bà nói, chị còn trẻ, nếu ly hôn liệu chị có sống một mình mãi không? Một mình nuôi con cũng rất vất vả. Liệu sau này chị đến với người đàn ông khác có tốt hơn chồng hiện tại không? Chưa nói đến việc không ai thương con hơn bố mẹ đẻ.

Cảm ơn mẹ chồng - ảnh 3
Ảnh minh họa

Mẹ chồng chị hôm đó ở lại ăn cơm với chị rồi về nhà để chiều còn đón cháu. Bà không gặp chồng chị, cũng không gọi điện hỏi anh đi công tác ở đâu như mọi lần. Bà bảo nếu gặp chồng chị thì bà sẽ không kìm nổi giận dữ mà nổi giận với con.

Bà muốn để con trai có thời gian suy nghĩ về hành động của mình bởi bà biết anh cũng đang lắm nỗi ngổn ngang. Bà bảo chị: Mẹ hiểu sự đau đớn của con, mẹ chỉ mong các con hạnh phúc sum vầy. Đoạn đường sau này con sẽ là người quyết định có cùng nhau bước tiếp hay dừng lại.

Mẹ chồng về rồi, chị ngẩn ngơ suy nghĩ về những lời bà nói. Chuyện chồng chị ngoại tình không hiểu sao bà lại biết. Chị thì không bao giờ kể với bà, bởi chị nghĩ dù bà có yêu thương chị như thế nào thì bà cũng sẽ bênh con trai mình trước. Nhưng nay nghe bà nói, chị cảm nhận được tình cảm của bà dành cho chị, và chị cũng thấy rõ là bà đang rất giận con trai của bà.

Nghe lời bà, chị nghỉ việc để tĩnh tâm suy nghĩ, nhìn nhận lại mọi việc. Chị nhận thấy mình cũng có một phần lỗi đã quá ham công tiếc việc mà ít quan tâm đến chồng. Vợ chồng lâu ngày không còn những buổi tâm sự trò chuyện mà khiến anh có cảm giác như bị vợ “bỏ quên”. 

Vợ chồng chị đã vượt qua bao nhiêu trở ngại mới đến được với nhau, chị cũng không muốn đánh mất gia đình. Lần này, chị cho mình thêm một lần tin anh, rằng tình cảm giữa anh và người phụ nữ kia chỉ mới nhen nhóm bắt đầu. Giữa họ chưa có gì đi quá giới hạn.

Lòng chị dịu lại. Chị tin mẹ chồng sẽ không bao giờ đẩy các con vào bất hạnh cũng như không làm gì hại con dâu chỉ vì muốn che chở con trai, như là cách mà bà vẫn luôn thương yêu chị lâu nay.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.