Cân bằng chữ hiếu

Chia sẻ

Em là con một trong gia đình nên bố mẹ mong muốn em lấy chồng ở rể để thực hiện chữ hiếu. Bản thân em cũng mong muốn điều đó, nên khi yêu điều kiện đầu tiên của em là chồng tương lai phải đồng ý ở rể. Ước nguyện của em và bố mẹ cuối cùng cũng thành sự thậT.

Cân bằng chữ hiếu - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Em đã cưới được người chồng đồng ý sống chung với bố mẹ vợ. Bố mẹ chồng em cũng không nặng nề chuyện con trai đi ở rể nên cuộc sống hôn nhân của chúng em tương đối thuận lợi.

Do em sống ở nhà bố mẹ đẻ nên việc quan tâm bố mẹ chồng cũng hạn chế. Em đã giải quyết bằng việc biếu bố mẹ chồng một khoản tiền để ông bà chi tiêu thêm. Mọi việc còn lại, em “nhờ” anh chị, em chồng quán xuyến. Tuy nhiên, chồng em không bằng lòng với việc em thực hiện chữ hiếu với bố mẹ chồng bằng cách đó. Anh ấy bắt em phải cân bằng chữ hiếu giữa bố mẹ hai bên như nhau. Tâm Giao ơi, em không biết phải làm thế nào để có thể cân bằng được việc đó?

Diemnguyet@gmail.com

Trong cái hiếu của người Việt không phân biệt bố mẹ mình và bố mẹ chồng. Khi kết hôn, cha mẹ hai bên đều được xem là tứ thân phụ mẫu. Nghĩa vụ, trách nhiệm đối với bố mẹ đẻ cũng giống như bố mẹ chồng. Khi người con trai cưới vợ, người con gái lấy chồng, mỗi người đều phải xác định là ta có thêm cha mẹ mới, phải có sự quan tâm chăm sóc, yêu thương thật lòng. Con dâu/con rể không nên xem trọng chữ hiếu đối với bố mẹ đẻ mà lơ là, bỏ quên hoặc coi nhẹ chữ hiếu đối với bố mẹ chồng/ bố mẹ vợ.

Bạn may mắn có được người chồng và gia đình chồng thông cảm với hoàn cảnh con một mà chấp nhận để bạn không phải về bên nhà chồng làm dâu hàng ngày. Ngược lại, họ còn để con trai ở rể, hiếu thuận với bố mẹ vợ. Đây là điều mà bạn cần ghi nhận và có sự ứng xử công bằng trở lại. Nếu không có điều kiện sống gần thì bạn nên thường xuyên thể hiện sự quan tâm đối với bố mẹ chồng, thay vì “nhờ” anh chị, em chồng quán xuyến hết cho mình. Việc đưa tiền cho cha mẹ chồng chi tiêu thêm là cần nhưng chưa đủ. Bởi trách nhiệm của một người con dâu đối với bố mẹ chồng không chỉ là khoản tiền đóng góp đó, mà nó còn là sự quan tâm, chăm sóc họ lúc đau ốm, bệnh tật, thăm hỏi vui buồn trong cuộc sống hàng ngày. Sống bên ngoài, bạn vẫn có thể làm được điều đó bằng cách thường xuyên gọi điện hỏi thăm cha mẹ chồng, mỗi tuần vợ chồng con cái sắp xếp về bên nhà nội ăn bữa cơm sum họp, để các cháu quây quần với ông bà cho vui.

Chồng bạn sẽ rất vui khi bạn mua về hai bộ quần áo giống nhau bảo rằng tặng cho ông bà nội và ông bà ngoại. Đôi khi chỉ là một hành động nhỏ nhưng lại thể hiện sự quan tâm lớn đối với cha mẹ chồng cũng khiến ông bà và chồng bạn cảm động, ghi nhận sự hiếu thảo của con dâu. Cân bằng chữ hiếu giữa cha mẹ chồng và cha mẹ đẻ không khó, chỉ cần bạn biết cách ứng xử khéo léo, không phân biệt đối xử nội, ngoại rõ ràng là được.

TÂM GIAO

Tin cùng chuyên mục

Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.