vợ “nhỉnh” hơn chồng:
Cần sự dung hoà từ hai phía để giữ hạnh phúc!
(PNTĐ) -Tiếp tục diễn đàn, Báo Phụ nữ Thủ đô ghi nhận nhiều ý kiến thảo luận của bạn đọc. Nhiều người bày tỏ quan điểm, việc vợ “nhỉnh” hơn chồng có “sao” hay không phụ thuộc chủ yếu vào ứng xử của mỗi bên.

Hoàng Minh Ngọc (Sinh viên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam):
Không bao giờ lấy người có tư tưởng “sợ vợ hơn mình”
Bản thân tôi là người trẻ, có nhiều hoài bão và dự định phát triển công việc nên tôi luôn cố gắng hoàn thiện, giỏi hơn từng ngày. Thực tế, tôi biết có nhiều ông chồng không thích ai quá giỏi hơn mình, đặc biệt là vợ, bởi đâu đó sẽ có chút tự ti, khó chịu. Chẳng đâu xa, minh chứng là câu chuyện tình yêu của chị gái tôi. Anh chị yêu nhau nhưng dăm bữa, nửa tháng lại cãi nhau chỉ vì “gia đình đằng gái có điều kiện hơn nhà trai”. Điều kiện gia đình đã chênh lệch, nay chị lại có công việc tốt, kiếm nhiều tiền hơn anh. Thế rồi, sau thời gian hàn gắn cố hòa hợp, anh chị chia tay vì anh cho rằng bản thân kém cỏi, không xứng đáng với chị. Anh còn khuyên chị nên tìm người tài giỏi hơn để yêu.
Tôi thấy ngày nay, việc vợ giỏi hơn chồng là điều rất bình thường. Ai cũng có quyền phát triển bản thân và tôi cũng vậy. Từ câu chuyện của chị tôi, sau này, nếu tôi tìm hiểu, một người đàn ông có thái độ khó chịu, cản trở tôi tiến xa hơn trong công việc và không muốn tôi giỏi hơn thì chắc chắn rằng, tôi sẽ “loại” ngay, không thể lấy người hẹp hòi này làm chồng được!
Chị Nguyễn Minh Dương (Long Biên, Hà Nội):
Đã xưa rồi câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”
“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” - cái “chân lý” tưởng chừng vững chắc đó ở thời hiện đại lại có vẻ không còn “linh nghiệm”. Khi mà thực tế hiện nay, nhiều phụ nữ đã bỏ lại chốn thân quen nơi “xó bếp” để thực sự nhập cuộc vào dòng chảy của xã hội.
Không hiếm gia đình, cái “chuẩn mực” đàn ông là trụ cột gia đình đã lung lay, bởi các chị nay đã hoàn toàn “lấn át”: Lấn át về học vấn, địa vị cũng như thu nhập. Ở một số gia đình, vai trò của hai vợ chồng đã hoàn toàn đảo ngược. Có nghĩa vợ lăn lộn kiếm sống, còn chồng ở nhà “tần tảo” nội trợ, chăm con, vun vén gia đình.
Cô bạn tôi, vốn tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng. Qua cái thời bỉm sữa chăm con, cô mang đơn đi xin việc, được nhận và nhanh chóng được đề bạt lên chức danh quản lý. Từ một phụ nữ đơn giản quần âu áo sơ mi, do vị trí công việc phải giao tiếp nhiều với đối tác, cô dần thay đổi về phong cách, ngoại hình, lề lối ứng xử.
Rõ ràng cô ấy đã xinh đẹp hơn, quyến rũ quan hệ của cô ấy cũng mở rộng hơn. Đồng nghĩa, số tiền của cô ấy kiếm về cũng nhiều hơn. Vai trò trong gia đình đổi chỗ từ lúc nào không biết. Từ một người đàn ông sức dài vai rộng, chồng cô ấy quay về gia đình đưa đón con đi học, chăm sóc mẹ già và cơm nước chờ cô ấy đi làm về… Có lẽ, hình mẫu gia đình ấy không hiếm. Điều đáng nói, khi phụ nữ trở thành trụ cột gia đình, họ phải đối mặt với những thách thức đến từ nhiều phía, trong đó có cả nguy cơ tan vỡ hạnh phúc gia đình nếu chỉ mải mê “kiếm củi” mà quên “giữ lửa”.
Quay lại câu chuyện cô bạn tôi, sau 1 thời gian khẳng định bản thân mình trong công việc, tự tin và xinh đẹp hơn, cô ấy lại… chê chồng. Có lần cô ấy tâm sự với tôi, sau khi tiếp xúc với nhiều người đàn ông qua công việc, cô thấy họ giỏi giang, lịch lãm khác hẳn với người chồng vốn khô khan, cứng nhắc ở nhà. Cô không còn cảm giác với chồng, dần tìm cách lảng tránh và cự tuyệt luôn việc chăn gối với lý do: Đi làm về mệt. Chuyện gì đến đã đến, chồng cô ấy sau 1 thời gian ấm ức đã tìm sự giải tỏa ở bên 1 người phụ nữ đơn thân khác…
Vì vậy, câu chuyện vợ giỏi hơn chồng, đặt ra vấn đề là: Cả hai cần phải nhìn lại vai trò của mình trong gia đình, chấp nhận và dung hoà nó, để chia sẻ và thấu hiểu lẫn nhau. Có như vậy, vợ không “chê” chồng kém cỏi, còn chồng không còn thấy “tự ti” khi không bằng vợ, hạnh phúc gia đình mới được bền vững.

ThS Tâm lý học Lê Thị Lan Anh - Trung tâm sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP):
Giao tiếp tích cực để gia đình hạnh phúc
Xã hội hiện đại ngày nay, định kiến đàn ông kiếm tiền, phụ nữ chăm lo việc nhà đang dần được xóa bỏ, vai trò của phụ nữ trong cuộc sống, công việc được khẳng định và thể hiện nhiều hơn. Nhiều nam giới sẵn sàng ở nhà để nuôi dạy con cho vợ đi làm trong những năm đầu đời của con (từ 1 đến 5 tuổi) - việc mà xưa kia hiếm! Họ phân công công việc trong gia đình theo năng lực, ai có khả năng đi kiếm tiền thì sẽ tạo điều kiện cho nhau làm tốt công việc đó.
Có thể thấy, trường hợp vợ giỏi hơn, chồng khó chịu là chuyện không khó gặp. Nhưng làm thế nào để ứng xử phù hợp, giữ được hòa khí gia đình lại là điều không phải ai cũng biết và hiểu. Theo tôi, vợ và chồng cần trao đổi, chia sẻ rõ ràng, thẳng thắn với nhau để có thể biết được thế mạnh, khả năng, mong muốn của đối phương ra sao. Từ đó mỗi gia đình sẽ có thể phân công công việc một cách hợp lý, kể cả nếu vợ có giỏi hơn chồng cũng không sao. Việc ứng xử, giao tiếp tích cực mang tính xây dựng là điều mọi người nên làm để giải quyết bất kỳ vấn đề gì, đặc biệt là trong chuyện “vợ nhỉnh hơn chồng”. Giao tiếp tích cực là bản thân mỗi người biết làm chủ cảm xúc, không làm phát triển xung đột, mâu thuẫn, hành xử bằng sự tôn trọng, yêu thương và thân thiện. Còn giao tiếp thông thường dễ khiến người ta giải quyết mâu thuẫn bằng quan điểm, ý kiến có phần ích kỷ, nặng về chữ “tôi” chứ không vì nhau.
Nếu vợ chồng nếu biết lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu và tôn trọng nhau, cùng nhau tìm ra đáp án giải quyết vấn đề ổn thỏa sẽ giúp những khó khăn xung quanh ít đi. Trong cuộc sống này, ai cũng biết bớt đi lợi ích, tiết chế cảm xúc của bản thân bất chấp đúng sai mà vì nhau một chút thì mỗi gia đình sẽ hạnh phúc hơn.