Cha mẹ giúp con “đánh thức não bộ”

Hoàng Lan (thực hiện)
Chia sẻ

(PNTĐ) -“Đánh thức tiềm năng não bộ” là một phương pháp được Tổ chức Cứu trợ trẻ em - Save the children (SC) triển khai tại Việt Nam nhằm hỗ trợ người chăm sóc trẻ, các nhà cung cấp dịch vụ (giáo viên, nhân viên y tế) đánh thức các năng lực tiềm tàng ở trẻ trong độ tuổi từ 0-3.

Theo đánh giá ban đầu, phương pháp này có ưu điểm là dễ áp dụng, không tốn kém nhưng đạt hiệu quả cao.  Phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với bà Trần Hương Thảo - Cố vấn kỹ thuật về giáo dục, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em để giúp các cha mẹ hiểu thêm về một phương pháp giáo dục sớm mới. 

Cha mẹ giúp con “đánh thức não bộ” - ảnh 1
Bà Trần Hương Thảo - Cố vấn kỹ thuật về giáo dục, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em

Thưa bà, xin bà cho biết về phương pháp “Đánh thức tiềm năng não bộ”ở trẻ từ 0-3 tuổi?

Phương pháp Đánh thức tiềm năng não bộ (ĐTTNNB) (tên tiếng Anh là Building Brains) là một sáng kiến về giáo dục mầm non do Nhóm chuyên gia về giáo dục toàn cầu của SC phối hợp phát triển trong 10 năm trở lại đây. Phương pháp này đang được áp dụng tại gần 30 nước trên thế giới và đã được đưa vào Việt Nam từ năm 2020, hướng tới mục tiêu hỗ trợ phát triển toàn diện cho trẻ từ 0-3 tuổi thông qua việc khuyến khích người chăm sóc trẻ, cán bộ y tế cơ sở và giáo viên mầm non thực hành các kỹ năng chăm sóc đáp ứng và hỗ trợ trẻ. 

Cơ sở của phương pháp ĐTTNNB dựa trên các nghiên cứu khoa học não bộ chặt chẽ. Chẳng hạn, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng các liên kết thần kinh trong não quyết định các năng lực về ghi nhớ và học hỏi, càng có nhiều liên kết giữa các nơ ron thần kinh, các năng lực này càng cao. Điều thú vị là, một đứa trẻ 2 tuổi có hàng nghìn tỷ các liên kết nơ-ron thần kinh, nhiều gấp đôi người trưởng thành. Trong 3 năm đầu đời của trẻ, khi các kết nối này được “sử dụng” nhiều lần, chúng sẽ “mạnh” hơn, có khả năng dẫn truyền tín hiệu tốt hơn, và sống lâu hơn. Các liên kết này có thể được duy trì thông qua tăng cường tương tác của trẻ với người chăm sóc và môi trường xung quanh. 

Một ví dụ khác, vốn từ của trẻ nhỏ có tỷ lệ thuận với khoảng thời gian mà trẻ được nói chuyện cũng như số lượng từ ngữ mà trẻ được tiếp xúc. Một trẻ được nghe trung bình 616 từ/tiếng sẽ biết 300 từ, trẻ được nghe trung bình hơn 2 nghìn từ/tiếng biết 1 nghìn từ. Do vậy, tăng cường trò chuyện tương tác với trẻ nhỏ là cách hiệu quả và kinh tế nhất mà người chăm sóc trẻ có thể làm để hỗ trợ phát triển trí thông minh của con mình, bên cạnh các yếu tố di truyền và dinh dưỡng.

Cha mẹ giúp con “đánh thức não bộ” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Vậy để áp dụng phương pháp hỗ trợ phát triển này, cha mẹ cần bắt đầu như thế nào? 

Như tôi đã nói ở trên, để “đánh thức” tiềm năng não bộ ở con từ 0-3 tuổi, cha mẹ hay người chăm sóc trẻ nói chung chỉ cần thực hiện hai việc là: Tăng cường giao tiếp và tăng cường chơi cùng trẻ. Việc giao tiếp có thể được tiến hành ngay khi trẻ vừa mới ra đời thông qua các hoạt động như mỉm cười, dỗ dành nói chuyện, giao tiếp thông qua xúc giác (những cử chỉ ôm ấp vuốt ve thể hiện tình cảm tích cực), ánh mắt, nét mặt, âm điệu giọng nói. Cha mẹ có thể nghĩ trẻ còn quá nhỏ để nhận biết nhưng thực ra trẻ đều tiếp nhận tất cả tương tác đó và đưa vào bộ não. Tương tự, việc chơi với con hàng ngày, cùng con ra ngoài chơi sẽ giúp trẻ phát triển nhận thức, tình cảm, kỹ năng xã hội. Chúng tôi đã có gợi ý về 32 trò chơi cha mẹ có thể chơi cùng con tại nhà bằng các vật dụng sẵn có dễ kiếm, không mất tiền mua. 

Nhân đây, tôi muốn nói thêm, các bậc cha mẹ hiện đại giờ thường nói rằng tôi bận lắm, nên không dành nhiều thời gian cho con được. Nhưng mấu chốt là phụ huynh dành thời gian như thế nào chứ không phải là bao nhiêu. Cha mẹ hoàn toàn có thể chỉ dành 30 phút mỗi ngày cho con, nhưng trong 30 phút đó sẽ không có điện thoại, máy tính, kiên nhẫn lắng nghe con mình, thì đó đã chính là một cách cha mẹ đồng hành cùng con. Cha mẹ có thể đọc cùng con 1 câu chuyện, 1 nửa câu chuyện cũng được, lắng nghe con chia sẻ về cảm nghĩ của con với câu chuyện, chia sẻ với con 1 cách đơn giản 1 ngày của cha mẹ và nghe con chia sẻ ngược lại. Tôi có thể đảm bảo rằng mỗi phút toàn tâm toàn ý đó quý giá và chất lượng hơn 2 tiếng cha mẹ ngồi cạnh con nhưng bấm điện thoại và để con tự chơi và trả lời qua quýt các câu hỏi của con. 

Một lưu ý nữa là cha mẹ đừng loại bỏ con khỏi các công việc trong gia đình. Con chưa biết nói, biết đi, vẫn có thể lắng nghe và học được từ bố mẹ, khi bố mẹ vừa làm việc nhà, đặt con ở một nơi an toàn, vừa nói chuyện cùng con. Con chưa nói lại được, nhưng sẽ học cách nói chuyện và làm việc của bố mẹ. Con biết nói biết đi, bố mẹ làm gì cũng giải thích, hướng dẫn, và hỏi suy nghĩ, cảm xúc của con, con sẽ học được, ngoài kĩ năng nghe nói, còn học thêm được rằng ý kiến của mình được tôn trọng, cảm xúc của mình được lắng nghe, lớn lên tính tự lực tự cường của con sẽ cao và tỉ lệ thành công sẽ lớn. 

Hiệu quả của phương pháp này có thể đo lường được không?

Năm 2020, khi được đưa về Việt Nam, phương pháp này đã được SC triển khai thí điểm tại một số xã của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Sau 2 năm, chúng tôi nhận thấy điểm trung bình các chỉ số phát triển của trẻ ở tất cả các mặt đã tăng từ 49.7 ở khảo sát đầu kỳ lên 51.3 tại khảo sát cuối kỳ. Điểm số này cho thấy, với nhóm trẻ dân tộc thiểu số ở tỉnh miền núi vẫn đạt được sự cải thiện rõ rệt về mức độ phát triển thì với nhóm trẻ ở các địa bàn khác, nhất là trẻ ở đô thị… khi áp dụng phương pháp này, cũng sẽ đạt được hiệu quả. 

Bà có lưu ý gì với cha mẹ, người chăm sóc trẻ khi áp dụng phương pháp “Đánh thức tiềm năng não bộ” cho trẻ?

Cha mẹ chính là người thầy đầu tiên và suốt đời của trẻ, ảnh hưởng của cha mẹ lên sự phát triển của con, đặc biệt là 3 năm đầu đời, là vô cùng mạnh mẽ. Tuy nhiên, nuôi dạy một đứa trẻ, nhất là trong giai đoạn 0-3 tuổi là hành trình có nhiều khó khăn, vất vả, dễ khiến cha mẹ bị stress, nhất là khi thấy con mình sinh hoạt “không giống như mô tả trong sách”, không ăn, ngủ, tăng cân… theo sách. 

Sức khỏe tinh thần của cha mẹ, người chăm sóc trẻ là rất quan trọng vì khi cha mẹ vui vẻ, hạnh phúc mới có thể nuôi dạy được những đứa con khỏe mạnh, hạnh phúc. Vì vậy, tôi muốn gửi đến cha mẹ, người chăm sóc trẻ một lời nhắn nhủ rằng hãy tìm kiếm sự giúp đỡ khi quá tải, đừng cố gồng mình lên khi cảm thấy mệt mỏi, hãy mạnh dạn chia sẻ để tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người xung quanh. Đừng để mình sa sút tinh thần, cáu giận, mệt mỏi, mất ngủ, áp lực vì những điều này không chỉ ảnh hưởng lên sức khỏe của bản thân mình, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con mình. Cha mẹ hạnh phúc sẽ nuôi dạy nên những đứa trẻ khỏe mạnh và hạnh phúc.

Xin cảm ơn bà

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.