Cha mẹ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi bỏ rơi con

Bài và ảnh: QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Trẻ em có quyền được sống - đó là một trong 4 nhóm quyền được quy định tại Công ước quốc tế về quyền trẻ em và được Hiến pháp ghi nhận. Do đó, hành vi bỏ rơi, vứt bỏ con không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn vi phạm nghiêm trọng quyền con người, vi phạm quy định của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Cha mẹ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi bỏ rơi con - ảnh 1
Bé gái bị bỏ rơi trên địa bàn phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Thời gian gần đây xuất hiện liên tiếp những vụ việc trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Cụ thể, ngày 25/9, người dân đã bắt gặp một cháu bé bụ bẫm, nặng 4kg, còn nguyên cuống rốn bị bỏ rơi tại đầu đê xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội). Hiện cháu bé đã được đưa về trạm y tế xã để chăm sóc. Ngày 24/9, một bé trai bụ bẫm, kháu khỉnh, mới sinh khoảng 20 ngày tuổi đã được người dân phát hiện bị bỏ rơi trước cổng nhà dân ở xã Quốc Tuấn (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Trước đó, ngày 8/9, UBND phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội cũng phát đi thông báo tìm nhân thân của một bé gái sơ sinh bị bỏ rơi trên địa bàn. Bé gái được bọc trong túi màu đen, nặng 2,5kg, đặt trước cổng một nhà dân. Tại xã Văn Khê (huyện Mê Linh, Hà Nội), ngày 1/9, 1 cháu bé sơ sinh cũng bị bỏ lại trong chiếc làn nhựa, bên cạnh có tã bông, khăn bông, bình sữa và mảnh giấy ghi dòng chữ: “Do điều kiện hoàn cảnh khó khăn, không thể nuôi được con, mong nhờ cô, dì, chú, bác nuôi giúp. Con xin chân thành cảm ơn”…

 Việc mẹ bỏ rơi con vừa mới sinh ra không còn là chuyện hiếm gặp. Nhiều trẻ bị cha mẹ bỏ rơi ngay từ khi mới chào đời, thậm chí, có người mẹ còn nhẫn tâm ném con từ nhà cao tầng hoặc đặt con vào thùng rác, hố ga… Theo các chuyên gia tâm lý, việc quan hệ tình dục không an toàn dẫn đến mang thai ngoài ý muốn là một trong những nguyên nhân dẫn đến ngày càng nhiều các vụ bỏ con. Ngoài ra, tâm lý sợ hãi bởi định kiến xã hội hoặc do phụ nữ bị trầm cảm, rối loạn tâm thần sau sinh… là rất nhiều nguyên nhân khiến cho họ có những hành động dại dột.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Thị Vân Thịnh, Văn phòng luật sư Kết Nối, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 về tội “Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ” quy định: Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

“Như vậy, người mẹ giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ con mới đẻ phải do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu, hoàn cảnh khách quan đặc biệt như: Người phụ nữ đẻ con ra bị dị tật quá nặng, hoặc trong tình trạng một thân một mình, quá nghèo đói không đủ tiền để nuôi sống chính mình, đang bị bệnh tật… đồng thời hậu quả xảy ra là đứa trẻ tử vong thì mới đảm bảo yếu tố bắt buộc cấu thành tội danh này. Trong trường hợp không thuộc hoàn cảnh trên mà người mẹ vẫn nhẫn tâm giết con mình thì hành vi này có thể bị xử lý về tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Trong trường hợp bỏ mặc, vô ý dẫn đến hậu quả chết người thì sẽ bị xử lý về tội “Vô ý làm chết người” theo Điều 128 Bộ luật Hình sự” - luật sư Đặng Thị Vân Thịnh phân tích.

Theo luật sư Thịnh, đối với trường hợp người mẹ vứt bỏ con đẻ nhưng chưa dẫn đến hậu quả chết người thì pháp luật vẫn có chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi chưa đủ mức truy cứu hình sự. Cụ thể, hành vi bỏ mặc, không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh, không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm…, cố ý bỏ rơi trẻ nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em… thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ, với mức phạt từ 10-15 triệu đồng. Trường hợp người mẹ có hành vi chưa đến hậu quả chết người mà gây thương tích cho đứa trẻ thì cần xem xét yếu tố lỗi, hành vi và mục đích của người thực hiện hành vi để xác định chế tài xử lý thích hợp.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

(PNTĐ) - Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người. Sự mất kiểm soát cảm xúc này có thể làm tăng tính bốc đồng, ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận về bản thân và tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với những người khác. Bệnh thường xảy ra ở tuổi mới lớn.
Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.