Cho con nhận bố

Thu Giang
Chia sẻ

(PNTĐ) - Khi phát hiện con trai lén lút tìm về quê nội mỗi dịp lễ, Tết, bà như chết lặng. Bao nhiêu năm nay, bà đã cắt đứt mọi quan hệ với bên đó. Ngay cả họ của con, bà cũng đổi sang họ mình, vậy mà vẫn không ngăn được việc nó tìm về cội nguồn.

Nỗi đau của người mẹ

Nhìn vào cuộc sống hiện tại của bà, ai cũng bảo cuộc đời bà đã qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai. Kinh tế khấm khá, con trai thành đạt, lấy được vợ đẹp, giỏi giang, sinh con thông minh, ngoan ngoãn. Cả con lẫn cháu luôn hiếu thảo, chiều chuộng bà hết mực. Ngẫm lại, bà cũng thầm cảm tạ cuộc đời đã bù đắp lại cho mình sau những đau khổ phải chịu trong quá khứ. Tuy nhiên, từ trong thẳm sâu, mỗi lần nghĩ về cuộc sống trước đây, trong lòng bà vẫn ghim chặt nỗi đau cùng sự thù hận đối với chồng cũ và người thân của ông.

Bà vốn là “tiểu thư khuê các” của một gia đình giàu có ở Hà Nội. Năm cuối đại học, bà bị tiếng sét ái tình với một sinh viên tỉnh lẻ học cùng trường. Tình yêu của hai người nảy nở nhanh chóng. Trong cuộc tình này, từ đầu đến cuối bà là người yêu nhiều hơn cả. Vì thế, bà không ngại hy sinh tất cả cho người yêu. Tốt nghiệp ra trường, bà bảo bố mẹ dùng quan hệ xin việc cho anh.

Khi đề cập đến chuyện cưới xin, bố mẹ bà phản đối vì cho rằng nếp sống của hai nhà quá khác biệt. Nhưng bấy giờ bà không nghe lời khuyên đó, bất chấp mọi sự ngăn cấm, đe dọa, kể cả việc “từ mặt” của bố mẹ để “sống chết” với tình yêu của mình.

Cho con nhận bố - ảnh 1
Ảnh minh họa

Để thể hiện quyết tâm của mình, bà dùng quyền tự do hôn nhân cùng người yêu đi đăng ký kết hôn, theo anh ra ngoài thuê nhà sống. Họ trở thành vợ chồng, bước vào cuộc sống hôn nhân mà không có đám cưới và sự qua lại đồng ý của người lớn hai bên gia đình. Người ta nói, nước mắt luôn chảy xuôi, bố mẹ bà dù nói “từ mặt” con gái nhưng sau một năm âm thầm theo dõi cuộc sống của họ đã không thể đành lòng nhìn con chịu khổ thêm. Bố mẹ bà gọi hai vợ chồng về, chấp nhận hôn nhân của họ, cho tiền mua nhà để có chỗ ở ổn định hơn.

Dù được bố mẹ vợ chấp nhận, nhưng trong lòng chồng bà vẫn có sự không thoải mái với nhà vợ. Ông luôn mang tâm lý tự ti, mỗi lần được bố mẹ vợ cho thứ gì cũng cảm thấy mình như đang được họ “ban ơn”. Bà nhìn ra điều đó nên để xóa đi sự tự ti của chồng, quyền sở hữu ngôi nhà mà bố mẹ cho riêng mình, bà cũng để chồng đứng tên. Bấy giờ bà nghĩ, tình yêu của họ đã vượt qua bao sóng gió để đến được với nhau thì chắc chắn sẽ bền chặt đến đầu bạc răng long. Do đó, tài sản đứng tên ai cũng được, miễn sao hôn nhân hạnh phúc vui vẻ.

Khi bà sinh con trai, bố mẹ chồng lấy cớ muốn sống gần để chăm cháu đích tôn nên đã dọn về sống cùng vợ chồng bà. Bấy giờ chồng bà nói, họ là con trưởng nên đương nhiên phải sống cùng và phụng dưỡng bố mẹ, nên bà cũng chẳng phản đối. Tuy nhiên, khi sống chung, nhiều bất cập đã xảy ra khiến hôn nhân của vợ chồng bà nảy sinh nhiều mâu thuẫn.

Con trai lên 4 tuổi, chồng bà đổ đốn có tình nhân bên ngoài. Mâu thuẫn hôn nhân bị đẩy lên đỉnh điểm, bà không thể cam chịu mãi nên quyết định ly hôn. Ngày đưa ra tờ đơn ly hôn, chồng bà đọc xong rồi bảo phần chia tài sản không thể chia đôi, vì căn nhà này là do một mình anh ta đứng tên sở hữu. Đốn mạt hơn, anh ta còn đưa ra bản thỏa thuận trước đây bà đồng ý ký để cho chồng hợp thức hóa nhà đất là tài sản riêng trong hôn nhân của chồng. Lúc đó, bà chỉ nghĩ làm thế để xóa đi tâm lý tự ti của chồng trong vấn đề tài sản, để cuộc sống hôn nhân thoải mái hơn. Bà không ngờ đến một ngày, việc đó lại khiến bà trắng tay khi ly hôn.

Bố mẹ bà muốn bảo vệ quyền lợi cho con gái cũng không được vì chính bà đã tự vứt bỏ quyền đó chỉ vì quá yêu và tin tưởng chồng mình. Bà dành quyền nuôi con trai, rời đi tay trắng với sự căm hận người đàn ông bội bạc tột cùng.

Cho con nhận bố - ảnh 2
Ảnh minh họa

Bi kịch của người con

Sau khi ly hôn, bà làm thủ tục đổi họ cho con trai từ họ bố sang họ mẹ với mục đích cắt đứt hoàn toàn mọi mối quan hệ với chồng cũ. Những năm tháng nuôi con trưởng thành, bà không cho chồng cũ và ông bà nội gặp gỡ, thăm nom thằng bé. Về phía con, bà cấm đoán nó nhắc đến cha, không cho nó qua lại với bất kỳ người thân nào bên nhà nội, kể cả người không có lỗi gì với mẹ con bà.

Hoàng, con trai bà là đứa con hiếu thảo. Thấu hiểu nỗi đau của mẹ sau khi gia đình đổ vỡ, cùng sự hi sinh hạnh phúc cá nhân ở vậy nuôi con hơn 20 năm nay, Hoàng không bao giờ để mẹ phiền lòng, nhất là quan hệ với bố và nhà nội. 

Năm 26 tuổi, Hoàng dẫn người yêu về ra mắt và tính chuyện cưới hỏi. Bấy giờ bên nhà gái hỏi đến họ hàng nội, ngoại, Hoàng bắt đầu có suy nghĩ về chuyện tìm về nguồn cội của mình. Thế nhưng, mối thù hận của mẹ đối với bố và nhà nội bao nhiêu năm nay vẫn chưa hề “nguội lại”. Mỗi lần có ai nhắc đến, nó vẫn “cháy ngùn ngụt” trong lòng bà. Vì thế, Hoàng khó để nối lại quan hệ với họ.

Tuy nhiên, bạn gái Hoàng là người hiểu chuyện, cô muốn anh gắn kết lại tình cảm với bố. Trước mắt, nếu mẹ không đồng ý thì cứ âm thầm, sau này mẹ hiểu ra thì công khai việc đó. Trước ngày cưới, cô bảo anh đưa mình về ra mắt bố và nhà nội. Tất nhiên, việc đó hoàn toàn giấu mẹ Hoàng. Sau này về làm dâu, cô nỗ lực trở thành dâu thảo và cũng âm thầm thay chồng giữ mối liên hệ với bên nội. Để mẹ chồng không bị tổn thương với việc này, cô khéo léo trong ứng xử nên bà không hề nghi ngờ gì.

Bố chồng cô, sau khi ly hôn thì tái hôn với một phụ nữ khác nhưng rơi vào cảnh hiếm muộn không có con. Vì thế, khi con trai tìm về cội nguồn, ông cảm kích vô cùng, đồng thời tự vấn lại lương tâm, ông cũng thấy có lỗi với con trai và vợ cũ. Nhất là việc chiếm đoạt tài sản trước đó. Vì thế, ông cũng nỗ lực để bù đắp lại cho con trai.

Cho con nhận bố - ảnh 3
Ảnh minh họa

Chuyện Hoàng âm thầm qua lại với bố cuối cùng cũng bị mẹ phát hiện ra. Ngày biết chuyện đó, bà bị sốc đến nỗi đổ bệnh phải nhập viện cấp cứu. Bấy giờ, bà có cảm giác như mình bị phản bội lần thứ hai. Đứa con trai mà bà hết mực yêu thương tin tưởng, hy sinh mọi thứ cũng giống như chồng bà trước đây phản bội lại bà. Cảm giác đó khiến bà như rơi xuống vực thẳm. Thấy mẹ như vậy, Hoàng không còn cách nào khác là hứa với mẹ không lặp lại “sai lầm” này.

Những ngày nằm viện, bà suy nghĩ mông lung nhiều thứ. Có đêm khuya, bà tỉnh giấc và nghe tiếng con trai điện thoại với bố nó, hình như ông hỏi thăm bà, căn dặn nó chăm sóc mẹ và không cần qua lại với bên nội để bà không suy nghĩ gì thêm. Lại có lần, bà nghe hai bố con Hoàng trăn trở về việc có nên để con trai Hoàng đổi họ để giữ gốc gác nguồn cội sau này.

Bởi nếu sau này nó tìm về cội nguồn mà tên họ không mang thì cũng… không hợp lý. Những điều này, bà biết chắc khi bà còn sống sẽ không bao giờ thực hiện được.

Hôm nay, bà nghe con dâu bảo với chồng “bố bị bệnh nặng, nguy kịch sợ không qua khỏi tuần này”, nó cũng nói tâm nguyện ông dặn lại với con dâu là sau này nếu có thể vợ chồng cô cho cháu đổi lại họ bên nội để giữ cội nguồn cho con. Bà cũng nhìn thấy nỗi đau của con trai muốn về gặp bố lần cuối nhưng lại sợ mẹ đổ bệnh vì việc này.

Thôi thì, nước mắt lại chảy xuôi, bà chẳng thể vì mối hận của mình mà để con trai phải sống trong nỗi dằn vặt về tình phụ tử cả đời được. Đêm đó, bà gọi con dâu vào phòng bảo ngày mai hai vợ chồng về thăm ông lần cuối, bà cho phép con và cũng tự cởi trói cho bản thân để cuộc sống nhẹ lòng hơn trong những năm tháng tuổi già.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Những sai lầm khi nuôi dạy con

Những sai lầm khi nuôi dạy con

(PNTĐ) - Cha mẹ nào cũng hết mực yêu thương, chăm sóc con cái. Nhưng không phải ai cũng có đủ kinh nghiệm, cập nhật thường xuyên kiến thức về chăm sóc, nuôi dạy con… Dưới đây là những sai lầm phổ biến cha mẹ thường mắc phải khi nuôi dạy con.
Học làm... ông

Học làm... ông

(PNTĐ) - Mải sửa cái khóa cửa bị hỏng, nếu bà không nhắc thì ông cũng quên luôn giờ đón cháu. Thế là ông vội dắt xe máy ra đường và phóng đi.
“Cấm vận” con riêng của chồng

“Cấm vận” con riêng của chồng

(PNTĐ) - Cho rằng con riêng là “cầu nối” giữa chồng mình và vợ cũ nên từ lúc về chung một nhà, Hoài “cấm vận”, không cho con riêng của chồng đi lại, quan hệ hay liên lạc với mẹ nó. Cứ thế, mỗi lần người mẹ muốn thăm con cũng chật vật, gian nan.
Điều ước

Điều ước

(PNTĐ) - Hôm đó, zalo của bà báo tin sinh nhật người đồng nghiệp cũ. Bà và ông ấy làm việc với nhau gần 30 năm, sau đó, về hưu cùng dịp. Lại có thêm cả chục năm sinh hoạt hưu trí với nhau. Rồi bà chuyển vào Nam giúp con gái trông cháu ngoại nên ít gặp ông hơn.
Lòng tốt được đền đáp

Lòng tốt được đền đáp

(PNTĐ) - Chị Hoà ngỡ ngàng và cảm kích trước sự giúp đỡ của người bạn. Mọi bức xúc trong chị bỗng chốc tan biến, chị nhận ra rằng lòng tốt và sự nhiệt tình của chồng mình đã được đền đáp một cách không ngờ tới.