Cho nhau một lối về

BẢO NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đã hai tháng nay, Thoa quyết định sống ly thân chồng. Cứ ngỡ khi sống xa anh, cô sẽ có thời gian bình tâm lại để suy xét về ý định ly hôn của mình. Nhưng hình như càng xa anh, lòng cô càng không thể bình yên.

Từ ngày sống ly thân chồng, ngoài thời gian bị cuốn vào công việc ở cơ quan, Thoa như người mất hồn. Trong tâm trí cô, Tuấn hiện lên thành hai con người dày vò cô đến cùng cực. Một Tuấn đầy thương yêu với những kỷ niệm thời yêu nhau đến ngày kết hôn, làm chồng mấy năm nay luôn ẩn hiện với một nỗi nhớ quay quắt và một Tuấn phản bội cô với hình ảnh cười nói tay trong tay với người phụ nữ khác khiến cô căm hờn đến ngạt thở. Cứ như thế, tất cả quay cuồng giằng xé đọa đày nội tâm của Thoa ròng rã cả ngày lẫn đêm.

Thoa đã giấu Tuấn nơi mình ở sau khi chuyển ra ngoài sống ly thân để tránh gặp mặt anh. Thậm chí khi anh tìm đến cơ quan cô làm việc, Thoa cũng tìm cách không gặp, chặn luôn số liên lạc để chồng không gọi điện thoại được. Thoa muốn tĩnh tâm để đối diện với chính bản thân và với cả tình yêu của mình với chồng, nhưng cô đã không thể làm được. Nhiều lần, Thoa loay hoay với câu hỏi “mình phải làm thế nào bây giờ, chẳng nhẽ cứ mãi phải sống trong nỗi ám ảnh và khổ tâm thế này ư?”.

Chiều nay hết giờ làm chẳng hiểu sao cô lại không về căn phòng trọ thuê ở tạm mà lại lái xe về căn nhà quen thuộc của hai vợ chồng. Nhưng về đến nơi, cô cứ đứng mãi trước cổng, lòng đầy thảng thốt, nửa muốn mở cửa vào nhà, nửa không muốn. Con tim cô thôi thúc quay về nhưng lý trí lại khiến bước chân cô chùn lại. Cô đứng tần ngần mãi ngoài cổng, giờ này chồng chưa đi làm về vì cửa vẫn đóng im ỉm. Bỗng nhiên, Thoa tò mò muốn biết trong những ngày vắng cô, ngôi nhà của họ sẽ như thế nào. Nó có gì đổi khác không khi không có bàn tay Thoa dọn dẹp mỗi ngày.

Cho nhau một lối về - ảnh 1
Ảnh minh họa

Thoa lấy chìa khóa trong túi mở cửa, tay cô run rẩy như thể mình đang làm điều gì vụng trộm. Thoa bước vào nhà, tất cả vẫn gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp. Trong phòng khách vẫn có một lọ hoa hồng bạch tươi. Đây là loại hoa mà Thoa thích nhất. Trước đây, ngày nào cô cũng tìm mua để mang về cắm. Thoa thường nói với chồng rằng mỗi ngày đi làm về thích nhất là mở cửa vào nhà nhìn thấy lọ hoa tươi chào đón. Bấy giờ mọi mệt mỏi của một ngày làm việc căng thẳng gần như được xua tan hết. Vậy nên khi nhìn thấy lọ hoa nở tươi thắm, một chút xúc động len nhẹ trong lòng cô. Hóa ra dù cô “đi vắng”, anh vẫn nhớ và duy trì sở thích ấy của cô.

Thoa đi vào phòng bếp, mọi thứ vẫn gọn gàng không kém gì ngày Thoa ở nhà. Cô nhẹ nhàng mở tủ lạnh ra, trong tủ có thức ăn tươi, chứng tỏ anh vẫn đi chợ đều. Tuy nhiên, khi mở cửa đi vào phòng ngủ, tim thoa như thắt lại trước cảnh chăn gối bừa bộn. Phải chăng anh vẫn chứng nào tật nấy và đưa người phụ nữ ấy về đây. Cảnh chăn gối bừa bộn này là dấu tích còn lại của những cuộc nồng say hai người đó để lại. Nghĩ vậy, lòng cô lại tràn lên nỗi tức giận muốn chạy nhanh ra khỏi nhà. Nhưng rồi, trong đầu cô bỗng nảy ra một quyết định, cô sẽ làm phép thử lần cuối cùng để chứng minh cho tất cả. Nếu như phải chia tay nhau, cô cũng không còn phải dằn vặt đau khổ nhiều.

Như thường lệ thì chồng cô sẽ trở về lúc gần 7 giờ tối. Thoa gửi xe ở nhà hàng xóm rồi ra ngoài ăn tạm. Sau đó, cô quay về nhà rồi khóa cửa lại. Cô sẽ đợi chồng và bí mật xem anh về nhà làm những gì khi không có cô. 7 giờ tối, Tuấn trở về nhà trên tay cầm bó hoa hồng bạch. Sau khi dựng xe cẩn thận, anh lấy lọ hoa cũ thay hoa mới. Cô ngạc nhiên khi thấy anh làm thành thạo công việc nấu nướng, một việc mà từ trước đến nay anh hầu như không đụng tay, chỉ mình cô đảm nhiệm.

Thoa lặng lẽ quan sát từ phía sau thấy chồng đang nấu món canh trứng -món ăn mà cô ưa thích nhất. Ngồi thẫn thờ một lúc, Tuấn vào bàn ăn. Lòng Thoa chùng lại khi nhìn cảnh chồng ăn cơm một mình, đôi đũa và chiếc bát dành cho cô được đặt ngay ngắn bên cạnh. Theo thói quen khi bắt đầu bữa ăn, anh gắp vào bát vợ rồi mới gắp cho mình, giờ Tuấn vẫn lặp lại các việc đó. Bữa ăn kết thúc trong lặng lẽ, Tuấn uống nhiều rượu, có lẽ mong cơn say sẽ giúp mình quên đi nỗi buồn.

Thoa cứ lặng lẽ quan sát chồng làm mọi việc cho đến khi anh kết thúc tất cả mọi việc và đi vào phòng ngủ. Đến lúc này, Tuấn mới mệt mỏi buông mình xuống giường. Anh rên rỉ trong cơn say: “Vợ ơi, em ở đâu, hãy về đi. Em trừng phạt anh như thế là đủ lắm rồi. Anh biết là đã làm tổn thương em, nhưng  đó chỉ là một phút giây yếu lòng khi anh không thể chiến thắng nổi cám dỗ trong phút chốc. Em nhanh trở về đi…”.

Tuấn cứ lảm nhảm như thế cho đến khi chìm vào giấc ngủ nhọc nhằn. Bấy giờ Thoa mới hiểu, anh cũng như cô chẳng thể bình yên sau những gì đã xảy ra với hai người.

Cho nhau một lối về - ảnh 2
Ảnh minh họa

Lấy nhau đã gần 5 năm, tổ ấm của họ vẫn vắng tiếng trẻ thơ. Tuấn là con trưởng, việc hai vợ chồng sinh con muộn khiến bố mẹ anh rất nóng ruột. Họ hết giục con trai đến con dâu phải nhanh chóng có con, nếu có vấn đề gì thì phải đến bệnh viện chữa trị kịp thời. Thoa hiểu tâm lý của bố mẹ chồng, cô cũng mong có con để tổ ấm thêm phần hạnh phúc. Nhưng không hiểu sao, vợ chồng đi khám kết quả sức khỏe bình thường mà mãi chẳng có con.

Một dạo, Tuấn luôn đi làm về muộn, lý do là công ty tăng ca để làm cho kịp đơn hàng. Ban đầu, cô tin chồng nên chẳng nghi ngờ gì việc anh đi sớm về muộn. Sau đó, cô phát hiện trên quần áo anh có vương mùi nước hoa lạ, rồi cả việc trễ nại chuyện vợ chồng. Nỗi nghi ngờ cứ thế lớn dần lên, thỉnh thoảng người thân, họ hàng còn nửa đùa nửa thật rằng nếu cô không sinh được con thì phải để chồng ra ngoài “nhờ” người sinh hộ. Thoa nghĩ tới khả năng chồng ra ngoài “tìm con” theo sức ép của bố mẹ mong có cháu để nối dõi và bắt đầu âm thầm theo dõi anh.

Một ngày, Thoa không tin vào mắt mình khi thấy chồng mình tay trong tay với một cô gái. Tìm hiểu kỹ thì cô gái đó là nhân viên mới được tăng cường vào phòng kinh doanh do anh quản lý. Mối quan hệ ấy đang sắp đến độ “chín” nhất thì bị Thoa phát hiện. Hôm đó, lúc Tuấn đang dẫn tình nhân mua sắm ở trung tâm thương mại thì Thoa xuất hiện trước mặt hai người.

Cô hỏi chồng đang làm gì với cuộc hôn nhân của họ rồi đau khổ về nhà thu dọn đồ đạc cá nhân ra ngoài thuê phòng trọ. Cô để lại cho Tuấn tin nhắn về quyết định sống ly thân một thời gian để xem xét lại cuộc hôn nhân của họ có nên tồn tại nữa hay không. Tuấn quay cuồng tìm vợ nhưng cô nhất quyết không gặp mặt anh.

Sáng nay đến công ty, Thoa thấy cơ thể mệt mỏi khác thường, rồi bất chợt lả đi lúc nào không hay. Tỉnh dậy, cô bạn thân ngồi bên cạnh nhìn Thoa đầy lo lắng, rồi nói như trách móc: “Cậu có thai rồi đấy, mọi việc bây giờ khác rồi, làm cái gì cũng phải nghĩ cho đứa bé nữa”. Thoa tưởng mình nghe nhầm nên yêu cầu cô bạn nói lại một lần nữa. Đến khi cầm tờ xét nghiệm khẳng định việc mình có thai, Thoa cảm thấy cuộc sống của mình dường như chỉ mới bắt đầu.

Cô bạn đưa cho Thoa một lá thư của Tuấn và bảo: “Anh ấy đã đến tìm mình và “thú tội” hết với mình rồi. Tuấn nhờ mình khuyên nhủ cậu, cho anh ấy một lối về sau tất cả lỗi lầm. Anh ấy đã chấm dứt mọi chuyện với cô gái kia rồi. Hai tháng nay, anh ấy cũng khổ tâm lắm, mình nghĩ cậu cũng không nên bịt hết lối về của hai người. Ai cũng lúc sai lầm, nếu tha thứ được thì hãy buông bỏ để đứa con có một tổ ấm thật sự”.

Thoa đọc thư chồng viết, tay sờ vào bụng, có lẽ mối lương duyên của họ chẳng thể đứt đoạn được nên đứa con này mới kịp thời xuất hiện. Thoa cầm điện thoại bỏ lệnh chặn số liên lạc của chồng và bấm số gọi cho anh. Cô bạn thân nói đúng, Thoa nên mở cho cả cô và chồng một lối về để tiếp tục vun vén cuộc hôn nhân này.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.