Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2023:

“Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” trên môi trường mạng

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Như báo Phụ nữ Thủ đô đã đưa tin (báo số 19 ra ngày 5/5/2023), số vụ việc bạo lực đối với trẻ em, nhất là bạo lực, xâm hại trên môi trường mạng đang có xu hướng tăng lên. Tại Hội nghị tập huấn Triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” diễn ra ngày 18/5 vừa qua, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) khuyến cáo cha mẹ cần quan tâm hơn để bảo vệ con em trên môi trường mạng.

“Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” trên môi trường mạng - ảnh 1
Cha mẹ cần quan tâm khi con em sử dụng mạng internet. Ảnh minh họa

Nhiều cha mẹ “tiếp tay” cho tội phạm xâm hại trẻ qua mạng
Theo ông Đặng Hoa Nam, thống kê thông qua các vụ việc cơ quan công an thụ lý, xác minh và giải quyết cho thấy, xu hướng xâm hại trẻ em năm 2023 gia tăng so với năm 2022. Đáng chú ý, tình trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng vẫn diễn biến phức tạp. 

Đánh giá về tình hình công tác phòng chống xâm hại, bạo lực trên môi trường mạng, Đại tá Nguyễn Hồng Quân, Trưởng phòng 7, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao chia sẻ, trong tháng 4/2023, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với Cục Trẻ em hỗ trợ, can thiệp và giải quyết 2 vụ việc xâm hại, bạo lực mạng đối với trẻ em. “Vụ thứ nhất là một nhóm học sinh lập group ảo phát tán hình ảnh nhạy cảm của một học sinh trong trường khiến nạn nhân hoảng hốt, lo sợ và trầm cảm. Cơ quan công an đã vào cuộc xác minh, đồng thời giáo dục, nhắc nhở và yêu cầu các em gỡ bỏ thông tin đó. Vụ thứ hai, trên cơ sở thông tin từ Tổng đài 111, cơ quan cảnh sát điều tra đã vào cuộc xác minh, đồng thời khởi tố bị can, khởi tố vụ án hình sự đối với một đối tượng lợi dụng mạng xã hội làm quen, dụ dỗ và ép một nữ sinh (SN 2009) quan hệ tình dục” - Đại tá Quân cho biết.

Nói về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bà Đinh Thị Như Hoa, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, theo thống kê, năm 2022, Việt Nam có 71,2 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm 73,2% dân số. Trong đó, tỉ lệ sử dụng internet ở trẻ từ 12-17 tuổi là 89%. Bên cạnh những lợi ích mà internet mang lại, việc trẻ em sử dụng internet cũng tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hại như vô tình bắt gặp hình ảnh, video nhạy cảm trên mạng, mạng xã hội.

“Sai lầm phổ biến của cha mẹ là nội dung khiêu dâm chỉ có trên các trang web khiêu dâm. Tuy nhiên, trên thực tế, nội dung khiêu dâm có ở khắp nơi, trong khi đó việc chặn các website khiêu dâm là không đủ và không hiệu quả” - bà Như Hoa cho biết. 

Bà Đinh Thị Như Hoa cũng lo ngại về nguy cơ phát tán, lộ lọt thông tin cá nhân, riêng tư của trẻ trên môi trường mạng. Một thực trạng dễ thấy hiện nay là bố mẹ lại chính là người thường xuyên chia sẻ thông tin, hình ảnh của con lên các trang mạng xã hội, điều này cũng dẫn đến những mối nguy hiểm cho trẻ.

Đồng quan điểm, ông Đặng Hoa Nam cũng nêu thực tế thời gian gần đây liên tục xảy ra tình trạng lừa đảo gọi điện báo con trẻ cấp cứu, yêu cầu phụ huynh chuyển tiền. “Không ít bố mẹ vẫn vô tư chia sẻ hình ảnh, thông tin con học trường nào, đang có hoạt động gì, thậm chí còn định vị địa điểm của con đăng tải lên mạng xã hội, tạo cơ hội cho tội phạm thực hiện hành vi phạm tội của mình” - ông Nam cho biết. 

Còn ông Vũ Thanh Thắng, Giám đốc AI-CAIO, Công ty Cổ phần an ninh mạng SCS cũng cho rằng, nhiều cha mẹ không biết con sử dụng mạng xã hội để làm gì. “Theo Phân tích giới về An toàn trên mạng cho trẻ em - ChildFund 2021 cho thấy, 13,4% trẻ đã từng giả vờ làm một người hoàn toàn khác với bản thân mình ở ngoài đời thực; 22,4% trẻ bấm vào các đường link mà bạn bè, người khác chia sẻ hay đường link quảng cáo trên game để xem nội dung; 47,5% trẻ thêm người lạ vào danh sách bạn bè và 75,9% trẻ tìm kiếm bạn mới trên mạng. Tỷ lệ trẻ em gái tìm kiếm bạn mới trên mạng và thêm người lạ vào danh sách bạn bè cao hơn trẻ em trai. Các trẻ em gái ở độ tuổi THPT có khả năng gặp rủi ro nhiều hơn. Phụ huynh cần cân nhắc cho trẻ xem video từ trên mạng, đồng thời sử dụng công cụ chọn lọc nội dung để bảo vệ tối đa trẻ trên môi trường mạng” - ông Thắng nói.

Chung tay giảm thiểu tổn hại cho trẻ em
Ông Nam cho rằng, nhiều cha mẹ sợ mạng xã hội ảnh hưởng đến con nên đã cấm đoán, dẫn đến trẻ lén lút xem. Tuy nhiên, cha mẹ cần hiểu, mạng xã hội có hai mặt, cả tốt lẫn xấu. Việc của cha mẹ là cần có kiến thức, kỹ năng giúp con có cách sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả. “Chính cha mẹ, người thân trong gia đình cần phải chủ động bảo vệ con em mình trên môi trường mạng. Phụ huynh cũng cần phải học cách làm cha mẹ, chủ động tìm hiểu nâng cao nhận thức, kiến thức, cách thức để bảo vệ con em mình tốt hơn trên môi trường internet; cũng như hướng dẫn con khai thác tốt thế mạnh của công nghệ, đồng thời hạn chế con em tiếp xúc với thông tin xấu độc trên mạng” - ông Đặng Hoa Nam cho hay.

Cục trưởng Cục Trẻ em cũng nhấn mạnh rằng, trong công tác bảo vệ trẻ em, bên cạnh Nhà nước, tổ chức, xã hội, nhà trường, thì trước tiên trách nhiệm phải là của bố mẹ và gia đình bảo vệ con em mình. Nếu bố mẹ mà thiếu quan tâm, bảo vệ tốt các con của mình thì không ai có thể làm tốt hơn. 

Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, tháng hành động vì trẻ em năm nay có chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” với các hoạt động, chương trình hành động cụ thể của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội nhằm tiếp tục xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em và bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề trẻ em một cách quyết liệt, có các biện pháp can thiệp trước mắt và lâu dài. Cùng với đó là việc thực hiện có hiệu quả chính sách pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại và phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Dùng dằng ly hôn vì vướng... của hồi môn

Dùng dằng ly hôn vì vướng... của hồi môn

(PNTĐ) - Nhiều cặp vợ chồng khi đến với nhau thì vui vẻ “góp của” cho hôn nhân. Nhưng, khi mâu thuẫn tới mức ly hôn, họ bắt đầu gặp rắc rối trong việc phân chia tài sản. Người yêu cầu nhận lại phần tài sản đã góp, người lại cho rằng, đó đã trở thành tài sản của chung. Những mệt mỏi khi ly hôn vì thế càng nhiều thêm.
Chồng nhà người ta

Chồng nhà người ta

(PNTĐ) - Thấy chị về tới cổng, chồng chị ở trong bếp nói vọng ra: “Vợ về rồi à, thay quần áo, nghỉ ngơi rồi ăn cơm. Hôm nay anh về sớm nên nấu cơm cả nhà ăn sớm”.
Vợ đâu phải người giúp việc

Vợ đâu phải người giúp việc

(PNTĐ) - “Vợ với con, đú đa đú đởn, suốt ngày ra công viên nhảy với nhót”... 7h sáng, Sinh vừa về đến nhà thì đã thấy chồng ngồi ngay trước cửa, “tặng” cô một tràng ca thán. Sinh ấm ức vì nếu cô ăn chơi, tiêu sài hoang phí thì đã đi một nhẽ.
Nắng về

Nắng về

(PNTĐ) - 9 rưỡi tối mới nghe thấy tiếng cửa phòng trọ của chị Hằng mở. Ngày nào cũng thế, cứ giờ đó chị mới đi làm về, mang theo hộp cơm, thường là “vét” nồi của hàng cơm bình dân đầu ngõ.
Bà và các cháu

Bà và các cháu

(PNTĐ) - Bà gọi điện thoại cho cháu nội xong thì mặt buồn rười rượi khiến ông biết ngay là “có chuyện”. Quả nhiên, ông vừa ướm lời thì bà đã thở hắt ra: “Con với cháu, nói chả được. Mình bảo nó điều hay lẽ phải chứ có xui dại nó đâu mà nó cắm ca cắm cảu”.