Cô em dâu... khéo miệng

Thái Thị Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bình biết, trong số hai chị em dâu, mẹ chồng có phần “nghiêng” về Quý, em dâu của Bình. Bởi, Quý thì vốn khéo miệng còn Bình lại vụng đường ăn nói. Nhiều việc tốt Bình làm nhưng không nói ra nên cả nhà không có ai biết.

Từ hồi mới cưới, mấy lần chồng đã nhắc nhở Bình phải cố gắng khắc phục nhược điểm. Gặp bố mẹ chồng thì phải năng chào hỏi, làm thân, ông bà ốm thì phải hỏi thăm ông bà đỡ mệt chưa, có cần chúng con đưa đi thăm khám không. Thi thoảng thấy mẹ chồng có cái áo mới nhớ khen mẹ mặc đẹp, trông trẻ ra vài tuổi... Sau đó, Bình cũng cố gắng làm theo gợi ý của chồng. Nhưng chao ôi, cứ đứng trước mặt bố mẹ chồng là Bình “cấm khẩu”, may ra là được vài câu đưa đẩy vụng về. Còn lại, Bình thấy việc “nịnh” bố mẹ chồng sao mà khó đến thế.

Ngược lại với Bình, Quý lại rất xởi lởi, thích bắt chuyện với mọi người. Quý có thể nói cả ngày không ngớt. Câu cửa miệng của Quý luôn là “cảm ơn” và “xin lỗi”. Nhờ ai làm việc gì, dù bé hay to, Quý cũng “xuýt xoa”: “Con cảm ơn ông bà nhiều, ông bà tốt với vợ chồng chúng con quá”, “Em cảm ơn anh chị, may mà có anh chị giúp đỡ vợ chồng em”. Quý cũng chẳng làm ai mất lòng bao giờ. Bởi, ngay cả có gì thất thố thì Quý cũng đã kịp rối rít “xin lỗi”: “Có gì ông bà/anh chị bỏ quá cho em”... Nhưng, nếu Quý chỉ khéo mồm thôi thì Bình đã chẳng nói làm gì. Đằng này, Bình biết thừa em dâu chỉ “nói cười” vậy chứ toàn “mồm miệng đỡ tay chân”, hoặc là “trong bụng nghĩ một kiểu, ngoài miệng nói một kiểu”.

Cô em dâu... khéo miệng - ảnh 1
Ảnh minh họa

Bình nhớ lần đó, mẹ chồng đi làm tóc mới về. Theo Bình đánh giá tóc mới không hợp với mẹ vì kiểu tóc xoăn làm cho mẹ trông già hơn tóc thẳng. Quý cũng thấy vậy, cô còn thì thầm với Bình là “trông mẹ giờ như U80, chẳng biết ai tư vấn cho mẹ chọn kiểu tóc này mà dìm hàng mẹ quá”. Nhưng khi hai chị em đang thì thào vậy thì mẹ chồng từ ngoài bước vào, hỏi: “Các con thấy mẹ để kiểu tóc này thế nào?”.

Bình luống cuống chẳng biết nói sao cho mẹ khỏi buồn nên chỉ giữ im lặng. Nhưng Quý thì khác, cô luyến thoắng trước sự mắt tròn, mắt dẹt của Bình: “Ôi mẹ để tóc vậy đẹp hẳn ra, trông rất tây. Lẽ ra, mẹ phải dành thời gian đi làm đẹp như vậy lâu rồi”. Bình thực sự choáng trước độ “nhập vai” chuyên nghiệp của em dâu.

Vợ chồng Bình và vợ chồng em dâu đều sinh được 2 con. 4 đứa trẻ lại sàn sàn bằng tuổi nhau. Tuy nhiên, vợ chồng Bình xác định là phải tự lập, mình sinh con ra thì mình tự trông con, nuôi con, ông bà có chăng chỉ là chơi với cháu. Vì vậy mà đến cuối tuần, Bình mới đưa con về chơi với ông bà được.

Trong khi đó, Quý lại có quan điểm “nhờ được ông bà lúc nào thì tốt lúc đó” vì Quý vừa ngại trông trẻ con, lại vừa muốn rảnh rang kiếm tiền. Bố mẹ chồng Bình, người thì bị khớp, người tiền đình nên trông trẻ cũng sẽ bị mệt mỏi. Song, chẳng ai có thể từ chối nổi sự khéo mồm khéo miệng của con dâu. Quý bảo: “Thực ra, chúng con cũng có thể tự thuê người giúp việc trông các cháu, nhưng phần vì nghĩ làm vậy thì các cháu sẽ có ít cơ hội ở gần ông bà. Phần nữa, chẳng có ai trông cháu tốt như ông bà nên chỉ có gửi ông bà các cháu mới có thể phát triển toàn diện”.

Vài ba ngày, Bình lại thấy Quý nhắn tin lên nhóm gia đình sau khi đón con ở nhà ông bà về. Nào thì: “Hôm nay hai cháu đều kể ở nhà với ông bà vui lắm. Đúng là không gì thay thế được ông bà”, rồi Quý chụp hình các con vẽ tranh ông bà gửi vào nhóm kèm theo lời bình: “Hai cháu yêu ông bà nội nhất đời”...

Cô em dâu... khéo miệng - ảnh 2
Ảnh minh họa

Và thế là, thi thoảng, Bình lại nghe thấy mẹ chồng nhắc Bình phải học tập Quý. Bình vâng đấy nhưng trong bụng lại nghĩ, cô không nói lời ngọt nhưng lúc nào cũng chỉ muốn điều tốt cho ông bà. Cô không thích cách Quý cứ gửi con từ sáng sớm tới tối mịt, khi ông bà đã cho các cháu ăn no, tắm táp sạch sẽ thì mới đón về. Quý không nghĩ rằng mình nhàn thân nhưng ông bà thì lại kiệt sức.

Ấy là trong lời ăn tiếng nói, rồi khi nhà có việc thực sự, cần con cháu ra tay thì Bình chả bao giờ thấy Quý đâu. Mẹ chồng phải vào viện vì mổ ruột thừa, viện phí của bà đều do Bình đóng góp. Còn Quý thì khéo léo thưa: “Vợ chồng em đang khó khăn nên nhờ anh chị lo viện phí cho bà. Sau này có việc gì thì vợ chồng em đảm đương sau”. Rồi Quý lại xuýt xoa khen vợ chồng Bình đúng là xứng đáng anh cả trong nhà, lo cho bố mẹ, là chỗ dựa cho các em.

Chồng Bình tốt bụng nên đồng ý, còn bảo để nhà mình lo cho bà thay cả phần của các em. Bình thì chẳng so đo, tính toán nhưng cô chỉ buồn là cả nhà không để ý, mới hôm trước, Quý còn khoe là vừa xếp hàng mua được ít vàng “bình ổn giá” ở ngân hàng coi như một cách giữ tiền. Chưa hết, Quý cũng nhờ anh chị có thời gian lo luôn khoản cơm nước cho mẹ, còn Quý thì cứ chọn lúc đến bữa ăn của bà thì vào thăm và nhận chân “dỗ” cho mẹ ăn.

Mẹ chồng Bình ưa ngọt lại sẵn có cảm tình với con dâu thứ nên có con chăm ăn thì đều ăn hết suất. Bình ít tị nạnh với em, nên vui vẻ để cho em dâu làm. Cô chỉ buồn cười là đứng từ xa vẫn nghe thấy Quý ngọt nhạt với mẹ: “Đây mẹ phải ăn hết suất vì chúng con phải kỳ công nấu đồ bổ dưỡng cho mẹ ăn. Mẹ phải khỏe để về làm chỗ dựa cho vợ chồng con mẹ nhé. Mẹ khỏe rồi hôm nào con sẽ đưa mẹ đi du lịch khắp trong Nam ngoài Bắc”.

Bình cười thầm, “cái hôm nào” của em dâu còn lâu mới tới vì Quý chỉ khéo thế thôi chứ bảo Quý bỏ công sức, kinh phí ra lên lịch và đưa bố mẹ chồng đi chơi chắc Quý lại tìm lý do để nhờ anh chị làm giúp.

Cô em dâu... khéo miệng - ảnh 3
Ảnh minh họa

Thế rồi vì mẹ chồng nằm viện, bố chồng lại không đủ sức chăm cháu nên hai con của Quý bị “bơ vơ”. Quý mấy lần đánh tiếng nhờ anh chị Bình trông con giúp. Bình liền cười, nói ngọt với em dâu: “Được, thôi cô cứ cho hai cháu ở nhà với mẹ. Con được mẹ trông là tin tưởng nhất. Còn để bác sắp xếp được hôm nào rảnh thì bác sẽ trông giúp”. Quý nghe Bình nói xong thì ngại quá, đỏ bừng mặt vì biết chị dâu đang ngầm chê cười mình lâu nay chỉ được cái khéo mồm thôi.

Biết là em dâu đang “rơi vào thế kẹt”, Bình vội “cứu nét”: “Thôi, bác nói vậy cho vui thôi, ngày mai hai vợ chồng đưa con qua nhà anh chị trông cho ít bữa. Bố mẹ chúng nó cứ yên tâm đi làm kiếm tiền rồi trưa tranh thủ vào với bà. Bác thì ít nói thôi, nhưng bác làm được”.

Cô em dâu nhìn Bình, cười xòa: “Bác cứ đùa em. Thôi được, bây giờ em sẽ học cách nói được và làm cũng... được”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Gia đình trẻ hạnh phúc năm 2024: Bên nhau mình là nhà!

Gia đình trẻ hạnh phúc năm 2024: Bên nhau mình là nhà!

(PNTĐ) - Ngày 28/6, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức họp báo giới thiệu chương trình Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc và Ngày hội Gia đình trẻ hạnh phúc năm 2024 với chủ đề “Bên nhau, mình là Nhà”.
Giữ gìn giá trị gia đình Việt thời kỳ mới

Giữ gìn giá trị gia đình Việt thời kỳ mới

(PNTĐ) - Gia đình là nơi hoàn thiện con người, nơi con người được dạy dỗ, giáo dục đầu tiên và theo suốt cuộc đời. Trong xu thế hiện nay, nhiều hình thái gia đình ra đời nhưng các gia đình Việt vẫn duy trì, gìn giữ và phát huy những nét đẹp truyền thống.
Chị dâu ưa “vun vén”

Chị dâu ưa “vun vén”

(PNTĐ) - Lâu nay, Đào vẫn biết chị dâu mình (tên Linh) là người ưa vun vén, nhưng là theo kiểu lấy của nhà chồng để “vun” cho nhà mình. Mẹ Đào vốn là người thương con lại rộng lượng, hiểu chuyện nên dù con dâu có làm vậy cũng chẳng bao giờ có ý kiến gì.