Vitamin tình yêu:

“Có em làm vợ là hạnh phúc lớn nhất đời anh!“

Chia sẻ

(PNTĐ) -Ấy là những lời nói từ tận đáy lòng mà ông Nguyễn Thanh Lạc, thương binh 2/4 khi còn sống luôn thương mến dành cho vợ là bà Bùi Thị Hoàn (sinh năm 1944, trú tại Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội), mỗi khi hai ông bà thủ thỉ tâm sự, ôn lại những kỷ niệm không bao giờ quên tại chiến trường và suốt quãng thời gian khó khăn sau này.

“Có em làm vợ là hạnh phúc lớn nhất đời anh!“ - ảnh 1

Gặp và quen nhau tại K200 Cục Hậu cần thuộc Quân khu Trị Thiên vào năm 1969, khi ấy bà Bùi Thị Hoàn là y tá còn ông Lạc là Chủ nhiệm thông tin của Quân khu được điều về K200 phụ trách. “Lúc đó, ông nhà tôi đã 37 tuổi, còn tôi tuổi 25 nhưng không có ý định lập gia đình. Bản thân tôi xác định: Một khi đã nộp đơn xin tình nguyện “đi B” vào Nam, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ là chỉ có chiến đấu và chiến đấu tới khi đất nước thống nhất mới nghĩ đến lập gia đình. Bởi bom đạn không có mắt. Hiểm nguy còn đó, sống chết chưa biết thế nào thì chuyện đôi lứa hãy cứ gác lại” - bà Hoàn tâm sự.
Bà Hoàn chia sẻ thêm rằng, khi ấy chính ông Lạc cũng không hề nghĩ đến việc yêu đương hay có gia đình. “Nhưng chắc do duyên số nên vợ chồng tôi mới cùng được cử về làm nhiệm vụ tại K200, sau đó lại được đồng đội trong đơn vị nhiệt tình vun vén, “gán ghép” mà thành đôi. Về sau, tôi từng hỏi chồng lý do vì sao hồi ấy lại đồng ý “làm quen” và tỏ tình với mình, ông ấy có bảo đó là bởi: “Anh bị em cảm hóa. Anh mến sự tốt bụng, lương thiện, nhiệt tình của em, thấy em lúc nào cũng niềm nở, tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết, bất cứ khi nào đồng đội cần là tận tâm giúp đỡ, làm việc lại trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ…”. Thế là dù “thẹn thùng” lắm nhưng ông ấy vẫn quyết tâm tỏ tình với bà”.
Nói tới đám cưới của mình, bà Hoàn vừa hạnh phúc, vừa xúc động kể: “Quả thật khi nhận lời tỏ tình của ông nhà, bản thân tôi và cả ông ấy cũng chưa nghĩ rằng sẽ tổ chức đám cưới ngay, mà định đợi khi nào kháng chiến thành công, non sông nối liền một dải mới kết hôn. Nhưng người tính không bằng trời tính. Tháng 4/1970, tọa độ nơi chồng tôi làm nhiệm vụ bị quân Mỹ phát hiện, ném bom B52, ông ấy không may bị thương nặng khi viên đạn 20 li xiên thẳng qua vai xuống phổi; dẫn tới một lá phổi phải cắt bỏ 2/3 và mất 5 dẻ xương sườn. 
Điều trị mấy tháng không khỏi, vết thương bị nhiễm trùng nên đơn vị quyết định chuyển chồng tôi ra Bắc chữa trị. Thế là cả 4 đơn vị thuộc Quân khu (Hậu cần, Chính trị, Tham mưu, Dân chính) với gần 80 con người cùng xúm vào mổ lợn, làm cơm, tổ chức đám cưới cho vợ chồng tôi để cả hai ra Bắc thuận lợi. Đến bây giờ vợ chồng tôi cứ tiếc mãi vì ngày ấy được các thủ trưởng động viên chụp một tấm ảnh cưới làm kỷ niệm mà cả hai nhất quyết không chịu”.
Đám cưới xong, không lâu sau đó bà Hoàn cùng chồng “hành quân” đi bộ 1 tháng 25 ngày từ K200 ra Quảng Bình để bắt xe về miền Bắc. Cô gái nhỏ nhắn khi ấy vác trên mình chiếc ba lô tư trang gần 35kg, 1 túi thuốc to nhưng luôn tươi cười, cần mẫn chăm sóc người chồng bị thương nặng phải nằm cáng. Sau này khi nghe kể lại hành trình gian nan suốt chặng đường “hộ tống” chồng, rồi cả khó khăn hai vợ chồng phải vượt qua khi hòa bình lập lại, nhiều người từng thắc mắc vì sao ngày ấy ông Lạc bị thương nặng như vậy mà bà Hoàn vẫn dám làm đám cưới, bà không sợ chẳng may thành “góa phụ” hoặc phải chăm sóc “thương binh” nặng cả đời?
Nghe mọi người hỏi, lần nào bà Hoàn cũng cười tươi đáp rằng: Cho đến bây giờ tôi vẫn không hối hận hay suy nghĩ bất cứ điều gì. Ngay từ đầu khi nhận lời tỏ tình của ông Lạc là tôi đã tự xác định rằng, giữa bom đạn khốc liệt, nếu cả hai may mắn khỏe mạnh đến lúc hòa bình thì sẽ cùng nhau sống hạnh phúc; chẳng may có bất trắc gì cũng nguyện ý chấp thuận vì đã quyết định gửi gắm tình cảm cho nhau là không hối tiếc. 
Hòa bình lập lại, kinh tế gia đình khó khăn, chồng tôi dù rất thương vợ nhưng sức khỏe yếu nên ngoài công việc cơ quan chỉ hỗ trợ được việc nhà. Mình tôi gắng sức bươn chải, vừa đi làm nhà nước vừa tranh thủ nuôi lợn, nuôi gà, bán hoa quả để kiếm tiền nuôi 3 con ăn học; sau này con trai lớn còn mắc ung thư do chịu di chứng chất độc da cam từ bố mẹ. Nhiều hôm đến tận 12 giờ đêm, 1 giờ sáng tôi mới được đặt lưng xuống giường. Khổ vậy nhưng chưa một lần tôi có suy nghĩ vì mình lấy ông ấy nên mới lâm vào hoàn cảnh này”.
Có lẽ chính bởi đức hy sinh cao cả, tình yêu thương vô bờ bến dành cho chồng con mà ông Lạc luôn tự hào khi lấy được một người như bà. Ông từng bảo: “Cuộc đời anh lấy được em làm vợ là vô cùng hạnh phúc. Anh không cần gì, chỉ cần có em có con vì đó là tài sản quý giá nhất của anh!”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.