Cô gái giúp gia đình thay đổi định kiến

Trâm Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) -Không chịu làm việc, chỉ đi chơi trong suốt 1 năm sau khi tốt nghiệp đại học, ra trường không chịu “ổn định” mà lại thử sức với đủ công việc, rồi lại còn mang chuyện nhà mình lên mạng để câu view…, cô con gái “không chuẩn chỉ” trong mắt bố ngày nào giờ đã trở thành nhân vật truyền cảm hứng trên mạng xã hội. Nói theo cách của cô, là cả hai bố con đã cùng vượt qua định kiến.

Cô gái giúp gia đình thay đổi định kiến  - ảnh 1
Thùy Dung (ngoài cùng bên trái) và gia đình Ảnh: NVCC

Cô con gái thích tay ngang
Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhưng Dương Thùy Dung (25 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) lại được nhiều người biết đến qua những câu chuyện rất nhẹ nhàng, đời thường trên facebook. Fanpage “Tivi của bố” do Dung lập ra được đánh giá là có nội dung “sạch” với hơn nửa triệu người theo dõi và tương tác tích cực. Trong hành trình ấy, gia đình đóng một vai trò rất lớn với Dung.

Là chị lớn trong nhà, ấy vậy tốt nghiệp đại học xong, Dung lại quyết định “gap year” - nghỉ 1 năm trước khi đi làm. Theo cách hiểu của bố mẹ cô khi ấy, đó là thái độ không được chuẩn mực và cho thấy cô con gái đang có vẻ… chống đối. “Bố mẹ mong mình học xong đại học, về quê hay ở lại thành phố thì tùy nhưng phải có được công việc ổn định, rồi lập gia đình, mỗi ngày trôi qua cứ bình thường là được. Mình thì lại không thích như thế!”- Dung chia sẻ.

Cái “gap year” 1 năm như lời hứa với bố mẹ đã không xảy ra, mà nó dài hơn thế rất nhiều, bởi cô bạn đam mê với những chuyến xê dịch và làm tự do đủ thứ việc. Tiền tiết kiệm từ việc đi gia sư hồi còn học đại học tan biến rất nhanh sau những chuyến du lịch bụi và cả một thương vụ kinh doanh, may mà còn thu lãi 2,5 triệu đồng sau 2 tháng mướt mồ hôi. Ấy vậy, nhưng áp lực của Dung lúc ấy không đến từ chuyện kiếm tiền. Áp lực lớn nhất lúc ấy tới từ bố mẹ. Bởi bố mẹ ở quê phải chịu áp lực từ hàng xóm, họ hàng. Ai cũng hỏi thăm: Ngày xưa học giỏi thế, bây giờ ra trường đi làm ở đâu, lương bao nhiêu…?

Hai tháng sau khi tốt nghiệp, trong một lần dắt chiếc xe đạp hết điện cùng cô bạn về nhà, bỗng dưng Dung nghĩ mình phải làm một cái gì đó. “Tivi của bố” ra đời từ đó. Ý tưởng ban đầu là kể chuyện về bố, bởi vì kể về mẹ thì đã có quá nhiều người làm rồi. Những lần cãi vã của bố mẹ, cách bố mẹ hòa giải với nhau được kể chân thực, sinh động qua ngòi bút của Dung. Sau đó, Dung chuyển sang viết về mẹ, về bà, về em gái, rồi gặp chuyện gì viết chuyện nấy. Cô viết về mọi thứ xung quanh mình. 

Ngoài xây dựng fanpage “Tivi của bố”, Dung còn được biết đến là cô gái trẻ có lối sống xanh khi làm chủ một dự án về môi trường mang tên Làn. Ở đó, công việc chính mà Dung cùng một người bạn thực hiện là bán những chiếc làn cỏ để giúp mọi người thay đổi thói quen sử dụng túi nilon khi đi chợ hay bất kỳ hoạt động nào trong cuộc sống hàng ngày. 
“Vấn đề là ở chỗ, các dự án mình làm đâu kiếm ra tiền được ngay, lại toàn là chuyện “bao đồng”, ai lại suốt ngày lên mạng kể lể linh tinh chuyện gia đình với hô hào mọi người bớt dùng đồ nhựa, túi nilon, nên bố mẹ lắc đầu chán ngán cũng đúng”- Dung tâm sự.

Đến đồng hành và ủng hộ của bố mẹ
Ấy vậy mà suốt mấy năm qua, những điều tưởng chừng nhỏ nhặt ấy lại dần dần thấm sâu và lan tỏa. Trái với phản ứng tiêu cực từ gia đình, nhiều độc giả của Dung lại đón nhận các câu chuyện. Trong phần bình luận của mỗi bài viết, họ bày tỏ sự đồng cảm và thích thú, khen bố của Dung dễ thương quá, hay tag chính bố mẹ mình vào để cùng xem. Dần dần, bố mẹ Dung cũng thấy nhiều điểm tích cực trong những câu chuyện về gia đình được cô chia sẻ và trở thành những “fan cứng” của con gái lúc nào không hay.

Quá trình thay đổi nhận thức về rác thải nhựa của bố mẹ của Dung cũng không hề dễ dàng. Bố không tin chiếc làn của Dung có thể giải quyết được gì so với hàng tấn túi nilon mà cả thế giới thải ra mỗi ngày. Vậy là 3 năm, Dung kiên trì nói “không” đến giảm thiểu sử dụng túi nylon và đồ nhựa một lần. Thay vì dùng hộp xốp, túi bóng, cốc nhựa không phân hủy khi đi ăn, cô gái trẻ chấp nhận lỉnh kỉnh thêm với mang theo ngoài làn, còn hộp đựng, phích nước, ống hút tái sử dụng…
Dung còn mua 27 chiếc hộp đủ kích cỡ về cho bố đựng từ trái ớt, quả chanh đến miếng thịt, thay vì bọc nilon cái nhỏ nhất đến to rồi bỏ tủ lạnh như trước đây. Nếu bố sau đó vẫn không làm, cô sẽ làm. Với mẹ, Dung đi chợ cùng và chấp nhận tay xách nách mang, ôm, còn hơn để mẹ lấy túi nilon đựng đồ. Mẹ Dung cuối cùng nghe theo con gái, hạn chế dùng túi nilon đựng đồ. “Lúc thấy bố đi quanh tìm cái hộp đựng cho chiếc bánh bao để tủ lạnh, thay vì nhanh tay rút một trong đống túi nilon phía sau tủ, mình biết mình đã thành công” - Dung cười.

Với Thùy Dung, mọi khó khăn đều có thể được giải quyết, theo cách này hay cách khác, miễn bạn luôn giữ được sự lạc quan và cố gắng. Với bố mẹ, cô thầm cảm ơn vì họ đã ghi nhận những thành quả của mình. “Mình nghĩ sự lạc quan mình có được từ bố - người đàn ông đã dũng cảm, lạc quan vượt qua định kiến phải có con trai nối dõi tông đường để luôn yêu thương mẹ và hai chị em mình”, cô gái trẻ luôn thường trực nụ cười tươi trên môi cho biết.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.