“Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê“

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ly hôn là giải pháp cuối cùng cho một cuộc hôn nhân không còn tiếng nói chung. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng trẻ, khi mới chỉ xảy ra mâu thuẫn nhỏ nhặt, thay vì tìm cách hàn gắn hạnh phúc, ngồi lại với nhau để tìm giải pháp thì lại vội vã chọn ly hôn...

“Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê“ - ảnh 1
Ảnh minh hoạ

1 Trong một phiên toà xét xử án hôn nhân gia đình của TAND TP Hà Nội cách đây không lâu, chị T.M.Q (SN 1994) đã làm đơn ly hôn chồng là anh T.V.T (SN 1991). 

Tại toà, mâu thuẫn của hai vợ chồng đã được làm rõ. Theo đó, chị Q yêu anh T - một người cùng thôn khi vừa học hết cấp 3. Năm 2014, hai người kết hôn, lúc đó, chị Q vừa bước sang tuổi 20. Cuộc sống hôn nhân không như những gì mà chị nghĩ. Dù 23 tuổi, đã có vợ, song anh T vẫn thường tụ tập nhóm bạn ăn nhậu về muộn. Khi chị Q mang thai, hay ốm nghén, cần sự quan tâm của chồng hơn thì anh lại cho rằng, vợ cần ý thức việc tự chăm sóc mình chứ không phải đòi hỏi ở chồng. Bố mẹ đẻ gần nhà, nhiều hôm giận chồng, chị Q sang nhà mẹ đẻ ngủ lại luôn mà không nói với chồng. Nghĩ vợ coi thường mình, anh T lại buông lời mắng mỏ, thậm chí đánh vợ.

Mâu thuẫn vợ chồng ngày càng căng thẳng từ những điều rất nhỏ nhặt. Chị Q cho rằng chồng vũ phu, bạo hành, còn anh T lại nói vợ mình không biết ứng xử, hay cằn nhằn, lúc nào cũng cãi tay đôi với chồng. Tại tòa, cả hai “kể xấu” về nhau, không ai chịu ai. HĐXX phải đưa ra lời khuyên cho cả hai vợ chồng, người vợ cần học hỏi, dung hoà cách sống với gia đình chồng, đồng thời đề nghị anh T phải xin lỗi và hứa không được đánh vợ. Do mâu thuẫn vợ chồng chưa đến mức trầm trọng, có thể hàn gắn được, hai bên thông gia cũng mong muốn các con hàn gắn nên Tòa đã bác đơn kháng cáo của chị Q, giữ nguyên bản án sơ thẩm để vợ chồng có cơ hội hàn gắn hạnh phúc. 

2 Thẩm phán Bùi Đức Hiệp, Chánh án TAND huyện Mỹ Đức chia sẻ về vụ việc hai vợ chồng đòi ly hôn chỉ vì một số mâu thuẫn rất nhỏ xảy ra trong cuộc sống chung. Theo thẩm phán, hiện nay, các vụ ly hôn ở các cặp vợ chồng trẻ đang có xu hướng gia tăng. Năm 2023, tỷ lệ ly hôn ở toà là 31%, trong đó chủ yếu là các cặp vợ chồng trẻ dưới 30 tuổi. Có trường hợp vừa mới kết hôn đã làm đơn ra toà ly hôn. “Họ đều đồng thuận ly hôn. Sau khi được hoà giải tại toà, nhiều cặp đôi đã hàn gắn, trở về cùng xây đắp hạnh phúc” - thẩm phán Bùi Đức Hiệp cho biết.

Con số ly hôn tăng không chỉ ở thành thị, các thành phố lớn, mật độ dân cư đông đúc mà cả ở các tỉnh, huyện lỵ, nhiều nơi cũng có tỉ lệ ly hôn cao bất ngờ. Điển hình tại tỉnh Quảng Bình, chỉ tính trong 8 tháng năm 2023, TAND tỉnh đã tiếp nhận hơn 1.600 hồ sơ xin ly hôn. Theo thống kê, độ tuổi nộp đơn ly hôn phổ biến là 25 - 45 tuổi. Tại Quảng Nam, trong vòng 1 năm, có gần 2.500 cặp vợ chồng ra tòa ly hôn. Thống kê về nguyên nhân ly hôn cho thấy, nhiều nhất là do mâu thuẫn gia đình với 2.120 vụ; nghiện ma túy, cờ bạc, rượu, bia, ngoại tình, mâu thuẫn về kinh tế 203 vụ; các nguyên nhân khác 151 vụ… 

Nhiều ý kiến cho rằng, con số ly hôn tăng nhanh là một trong những dấu hiệu cho thấy ý thức và suy nghĩ về tự do, hạnh phúc của nhiều người đang thay đổi, đặc biệt là phụ nữ. Ngoài ra, vai trò của phụ nữ trong xã hội ngày càng được khẳng định, và họ cũng không bị ràng buộc bởi nhiều định kiến. Khi cảm thấy cuộc hôn nhân không còn ý nghĩa, không còn gắn kết, hoặc bất hạnh vì gặp phải người chồng tệ bạc, nhiều phụ nữ đã mạnh dạn và chủ động bước ra khỏi cuộc hôn nhân “độc hại” để tìm cho mình một cuộc đời mới hạnh phúc hơn.  Tuy nhiên, trên thực tế, bên cạnh các yếu tố này, nhiều cặp vợ chồng trẻ ly hôn vì thiếu kỹ năng ứng xử trong hôn nhân, chưa coi trọng giá trị gia đình, sẵn sàng buông tay khi hôn nhân gặp trắc trở, không nghĩ đến chuyện cố gắng chữa lành, vun đắp hạnh phúc. Nhiều bạn trẻ kết hôn khi tuổi đời còn rất trẻ nên bị “sốc” khi chuyển từ tình yêu sang hôn nhân… dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng xảy ra…

3 Thẩm phán Bùi Đức Hiệp nhấn mạnh: Các bạn trẻ trước khi kết hôn cần trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho cuộc sống hôn nhân; hiểu rõ quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong hôn nhân cũng như giá trị truyền thống tốt đẹp về gia đình. Đồng thời cần nắm kỹ năng trong giải quyết các vấn đề gia đình. 

Còn chuyên gia, Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Hà Thành, đồng sáng lập đường dây nóng Ngày Mai chia sẻ, tâm lý chung của các đôi khi bước vào hôn nhân thường không lường trước hết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống vợ chồng. Từ mối quan hệ chỉ có 2 người, họ phải đối mặt với “hàng tá” vấn đề khác như khác biệt về văn hóa, ứng xử với hai bên gia đình, quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, vấn đề chi tiêu, quản lý tài chính, chăm sóc và nuôi dạy con cái… Nhiều người cảm thấy “sốc”, thậm chí thất vọng về cuộc sống hôn nhân. Những lớp học rèn kỹ năng sẽ rất cần thiết để buổi tập dượt về cảm xúc, quan điểm, niềm tin và giúp họ lường trước các vấn đề sẽ cọ xát sau khi cưới. Bên cạnh đó, vợ chồng cần có sự chia sẻ, dành thời gian chất lượng bên nhau mỗi ngày để cùng nhau tìm hiểu thói quen chung, tìm được điều anh ấy/cô ấy muốn để cùng nhau xây đắp sự hài lòng ở đối phương trong cuộc sống gia đình. Khi xung đột xảy ra, cả hai hãy bình tĩnh ngồi lại, phân tích và cùng nhau giải quyết mâu thuẫn trên phương diện “hàn gắn” trước khi nghĩ đến giải pháp tiêu cực khác… Các cụ đã nói, dù là vợ chồng trẻ hay già thì “cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.