Ngày của mẹ (12/5):

Con chỉ cần có mẹ!

Chi Mai
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tình yêu của một người mẹ dành cho những đứa con có muôn vàn cách thể hiện. Nhưng tựu trung lại, nó đều tràn đầy, chẳng hề vụ lợi, chẳng gì sánh bằng. Ngày của mẹ hàng năm là dịp để mỗi người con bày tỏ tri ân đấng sinh thành.

Con chỉ cần có mẹ! - ảnh 1
Gia đình chị Thúy và mẹ. Ảnh: NVCC 
 

Từ mẹ, tôi học được cách chăm sóc gia đình

“Mẹ tôi là một người phụ nữ hiền lành, lương thiện, sống một cuộc đời giản đơn quanh bếp. Có lẽ ước mơ lớn nhất của mẹ chỉ là thấy các con mình lớn khôn, có thể sống một cuộc đời thật hạnh phúc. Chắc vì vậy cả đời mẹ chỉ quẩn quanh góc bếp để giữ một nếp nhà, chưa từng muốn được bước qua căn bếp nhỏ ấy mà đi đến những chân trời xa. Ngay cả khi sau này chúng tôi đã đủ đầy, mẹ vẫn không ngừng tay, vẫn ngày ngày lo từng bữa ăn cho gia đình”, chị Nguyễn Quỳnh Hoa (làm nghề viết văn, đang sống và làm việc tại Nhật Bản) kể về mẹ mình như thế.

Trong suy nghĩ của ba chị em chị Hoa, mẹ rất hiền, chưa từng đánh con bao giờ, chị kể: “Người phụ nữ ấy hiền lành tới mức chúng tôi tưởng bà cổ hủ. Mặc cho chúng tôi phản đối, mẹ không cần những bộ quần áo đắt tiền, không cần được làm đẹp cũng chẳng cần nghỉ ngơi, lúc nào mẹ cũng bảo chúng tôi rằng: “Mẹ không cần gì đâu”. Khi còn chưa hiểu mẹ, tôi thầm nghĩ mình sẽ bước chân đến thật nhiều nơi chứ không phải gắn cả đời mình vào góc bếp đầy ắp mùi dầu mỡ như mẹ. Nhưng rồi sau này lập nghiệp, lập gia đình ở rất xa quê hương, tôi mới nhận ra những điều mẹ nói chẳng sai bao giờ. Hạnh phúc là căn bếp nhỏ, nơi những bữa cơm gia đình sẽ giúp tình yêu trong mỗi con tim được nảy mầm đơm trái”.

Vì thế, khi đã trở thành một người vợ, một người mẹ, chị Hoa cũng học từ mẹ cách tự tay sắp xếp chu đáo mọi việc trong nhà, từ những bữa ăn sáng tươm tất, những hộp cơm trưa hợp khẩu vị cho các con đến những bữa tối nóng hổi đợi các con về. “Bây giờ mẹ tôi vẫn làm những điều đó với chúng tôi đấy, dù các con bà đã lớn cả rồi!”. Trong mắt chị Hoa, mẹ không chỉ là kho tàng nấu ăn phong phú mà còn là người truyền lửa khi bước vào cuộc sống hôn nhân. “Mẹ luôn bảo, biết nhiều không khổ, không biết mới khổ, vì thế chị em tôi đã học nữ công gia chánh từ mẹ - người biết tất cả từ cắm hoa, đan móc, thêu thùa, khâu vá, cắt may đến những việc vun vén, chăm lo cho gia đình, đối nhân xử thế”.

Từ tình yêu mà mẹ dành cho gia đình, cho những bữa ăn bình dị mà chan chứa yêu thương, nơi xứ người, chị Hoa ngày ngày vẫn nấu đủ ba bữa cơm Việt cho gia đình nhỏ của mình, từ bữa sáng với bún phở quen thuộc của Việt Nam, những hộp cơm trưa cho chồng con thật tinh tươm cho đến những bữa cơm tối nóng hổi đặt trong chiếc mâm tròn giống như mẹ đã làm, hằn in qua nhiều năm tháng tuổi thơ của chị. Và cũng lớn lên từ tình yêu của mẹ, chị Hoa đã dạy con mình ngẩng cao đầu tự tin khi giới thiệu về bản thân, nguồn gốc, văn hoá của mình. “Thứ gia vị nuôi tôi khôn lớn là tình yêu của mẹ. Nên dù ở đâu, tôi vẫn sẽ nấu những bữa cơm giống như mẹ tôi, để cảm nhận hạnh phúc của một người mẹ dành cho các con mình”.
 Mẹ tự tay làm áo cưới cho con
“Mình lấy chồng lần thứ hai, đã kết hôn từ lâu nhưng hai vợ chồng chưa từng nghĩ đến việc sẽ chụp ảnh cưới. Rồi để tạo cho các con niềm vui, chúng tôi quyết định sẽ làm cô dâu chú rể. Nhưng nan giải là mãi mình vẫn không tìm được chiếc váy cưới phù hợp. Cả nhà đang định buông xuôi thì lúc ấy, mẹ mình, người phụ nữ gần 60 tuổi say mê len sợi đã chốt: “Để mẹ làm váy cưới cho”. Và mẹ tôi bắt tay vào công cuộc làm váy cưới cho con gái”- chị Diệu Thúy (sống tại Hà Nội) chia sẻ. 

Con chỉ cần có mẹ! - ảnh 2
Hai mẹ con chị Thúy. Ảnh: NVCC 
 

Chị Thúy nhớ lần đầu tiên lấy chồng, mẹ dẫn ra thử váy cưới và bảo: “Tầm này thì cứ cái nào vừa là thuê con ạ. Nhanh quá, nên tôi chẳng còn nhớ cái váy cưới lúc ấy ra làm sao nữa. Và đám cưới năm đó cũng không mang lại hạnh phúc trọn vẹn cho con gái của mẹ”- chị kể. Chắc có lẽ vì thế nên lần thứ hai, khi được tự tay làm váy cưới cho con, mẹ móc cẩn thận từng mũi kim, được vài đường lại gọi con gái sang đo xem rộng chật thế nào. “Có lúc mẹ đan móc được một mảng to đùng rồi mà mình không ưng, bà lại tháo ra móc lại từ đầu. Đan móc gần xong rồi, tôi lại muốn phần vai phải khác đi. Bà lại tháo ra. Nên lúc mặc chiếc váy này, tôi tin chắc là nó đã chất chứa đầy tâm tư và cả tình yêu bà dành cho cô con gái”.

Với chị Thúy, điều chị ấn tượng nhất ở mẹ mình là đôi bàn tay kỳ lạ. Nó rất to, có những ngón tay hình chữ nhật và móng tay thì hình vuông. “Bà rất ngại khi ai đó nhìn vào tay mình, bà tự bảo rằng, chưa thấy người phụ nữ nào có đôi tay to và xấu thế này”. Ấy vậy mà đôi bàn tay của mẹ chị lại đan móc không biết bao nhiêu thứ xinh đẹp cho cả nhà: Quần áo, chăn len, mũ, găng tay, tất và cả giày của đàn cháu đều là mẹ làm. Chị Thúy nhớ hồi mới sinh con thứ hai, mỗi lần cháu đi tiêm là lại được bà “lên đồ” cho một bộ hoàn toàn mới từ đầu đến chân toàn đồ bà đan móc. “Suốt ngày bà chỉ ngóng thời tiết hôm nào gió mùa để còn diện mũ mới cho cháu. Hồi đầu chỉ mùa đông mới dùng được đồ len, bà còn đan móc cả chăn. Đến mùa hè, khó nghĩ được cái gì để làm nên bà quay sang đa móc thảm nằm sưởi nắng. Cuối hè thì tưng bừng móc đồ thu, cả mùa thu bà chìm ngập hạnh phúc háo hức mỗi ngày vì đàn cháu có cả chục cái mũ. Cuối năm thì lo móc khăn trải bàn cho con gái đón Giáng sinh, móc vỏ chai rượu, vỏ bọc mới cho bộ bàn ghế...”. Với chị Thúy, đôi bàn tay mẹ to thật, nhưng là chất chứa đầy tài hoa và tình yêu thương bà dành cho các con, cháu mình.

Mỗi người mẹ yêu con theo một cách khác nhau. Nhưng chỉ cần có hơi ấm của mẹ, sẽ khiến con hạnh phúc!

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đánh mất hạnh phúc

Đánh mất hạnh phúc

(PNTĐ) - Đồng hồ điểm báo đã 12 rưỡi đêm. Ông An cứ trằn trọc mãi vẫn không sao ngủ được. Đêm thanh vắng, tiếng con tắc kè kêu trong đêm thanh vắng nghe càng não nùng.
Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em”

Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em”

(PNTĐ) - Anh chị bước vào cuộc hôn nhân kiểu “rổ rá cạp lại”, mang theo “con anh, con em” để cùng nhau xây dựng một gia đình mới. Những tưởng, sẽ gây dựng được một tổ ấm sau những đổ vỡ trước đó, nhưng mọi thứ lại một lần nữa bất ổn với họ.
Mẹ chồng là tri kỷ

Mẹ chồng là tri kỷ

(PNTĐ) - Ngày về làm dâu, chị Nguyễn Bích Nhung (32 tuổi, huyện Quốc Oai, Hà Nội) kể, mẹ chồng nói với chị: “Một khi mẹ đón con về làm dâu thì mẹ sẽ coi con như con gái trong nhà. Mẹ không muốn con dâu phải khổ vì ngày xưa làm dâu mẹ đã khổ lắm rồi…”.
Kho báu của bố

Kho báu của bố

(PNTĐ) - Năm nào cũng thế, trước ngày sinh nhật tôi mấy ngày, bố tôi thể nào cũng gọi điện cho con gái và trịnh trọng thông báo: “Tôi đã cất vào kho lưu trữ của cô rồi nhé”. Kho lưu trữ của bố là một chiếc hộp thiếc, và thứ bố cất là tờ lịch của ngày 25 tháng 4”.