“Con gái đã gả đi thì không nhận lại...”

BẢO NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày gả chồng cho chị, ông nói “con gái đã gả đi thì không bao giờ nhận lại”, vợ chồng sướng khổ thế nào cũng phải sống cùng nhau đến đầu bạc răng long. Sau này cuộc sống không hạnh phúc, cha chị vẫn câu nói đó để “trói” con gái trong cuộc hôn nhân bất hạnh.

1.

Ông bà lấy nhau, sinh được ba đứa con (hai trai, một gái). Chị là con gái duy nhất lại út ít nhưng chẳng bao giờ được cha cưng nựng. Từ bé đến lớn, câu cửa miệng của ông luôn dành cho chị là: “Con gái là… vịt giời”; sau này lớn lên gả chồng, tốt xấu thế nào cũng là “con người ta”; đã gả chồng thì nhà đẻ không bao giờ nhận lại...

Mẹ chị bảo, cũng bởi ông sinh ra trong gia đình gia trưởng, trọng con trai nên con gái có chút thiệt thòi. Thế nhưng, sống với ông mấy chục năm, bà bảo ông trọng cái thể diện, gia phong thái quá nên trong cuộc sống đôi khi vô tình với vợ con.

Những năm tháng làm vợ, làm dâu trong nhà ông, bà không ít lần ngậm đắng nuốt cay bởi cách sống gia trưởng và hành xử độc đoán của chồng. Là người phụ nữ lúc nào cũng đặt con lên hàng đầu nên mọi thứ bà nhẫn nhịn, nói đúng hơn bà cam chịu để nhà cửa được êm ấm.

Tuy nhiên, ông lúc nào cũng nghĩ sở dĩ gia đình có quy củ, bình yên như ngày hôm nay là do kỷ luật điều hành của ông chuẩn chỉnh. Vậy nên, ông bà sống với nhau tính đến nay gần 40 năm không có chuyện bà ôm con bỏ về nhà ngoại mỗi khi vợ chồng mâu thuẫn; hay vợ chồng cãi vã, bất hòa đến mức đòi ly hôn… Sướng khổ thế nào, ông quán triệt quan điểm “vợ chồng đóng cửa bảo nhau”.

“Con gái đã gả đi thì không nhận lại...” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Bà bảo quan điểm “vợ chồng đóng cửa bảo nhau” của ông nếu không có sự cam chịu vì con của bà thì cũng chẳng thành công. Bởi cả cuộc đời bà từ khi sinh ba đứa con ra thì gần như chỉ nghĩ cho chúng. Vậy nên mọi sướng khổ, bà chấp nhận hết, chẳng oán thán, kêu than để gia đình trong ấm ngoài êm. Soi chiếu từ lăng kính của thời hiện đại, người ta nói rằng bà đã hy sinh hạnh phúc bản thân cho các con, nếu là người khác thì đã ly hôn từ lâu rồi. Vì chẳng mấy ai chịu đựng được tính gia trưởng của ông.

Với ba đứa con, lúc chúng lựa chọn hôn nhân, ông bảo cho quyền tự do yêu đương, tìm hiểu để kết hôn. Khi cưới nhau rồi về sống với nhau, con trai không được bỏ vợ, còn con gái thì không có chuyện ly hôn chồng. Ông xem chuyện con cái bỏ vợ, bỏ chồng là điều không thể chấp nhận được, nó giống như làm bại hoại gia phong bao nhiêu đời nay của dòng tộc mình.

Điều này ông cũng “quán triệt” với hai gia đình thông gia khi cưới vợ cho hai đứa con trai, bên nội không có chuyện “trả dâu” còn bên ngoại cũng không được “nhận lại” hay “đòi” con gái về khi mỗi khi vợ chồng “cơm không lành canh không ngọt”. Có người nói, quan điểm cứng rắn đó của ông cũng hay vì như thế thì hôn nhân của con cái mới ổn định. Vợ chồng mâu thuẫn thế nào cũng cố gắng mà sống tiếp với nhau.

2.

Vợ chồng hai đứa con trai sống gần nhà ông cũng lắm phen “đánh chửi nhau” bởi những bất đồng trong cuộc sống. Nhưng lần nào, ông cũng dùng uy quyền làm cha để hai con dâu uất ức thế nào cũng không được ôm con bỏ về nhà ngoại. Dần dần, hai cô con dâu cũng học mẹ chồng, cam chịu, nhẫn nhịn trong cuộc hôn nhân của mình.

Nhưng đến khi chị lấy chồng lại chẳng thể sống cam chịu như mẹ và hai người chị dâu. Chị có tư tưởng đổi mới từ khi ra thành phố học, rồi kiếm được việc làm ổn định, có thu nhập để tự lập cuộc sống. Chị yêu và cưới anh, mong muốn lấy được người chồng tiến bộ, không gia trưởng như cha mình.

Chị cũng kỳ vọng, anh được ăn học đàng hoàng, sống trong thời bình đẳng nam nữ thì sẽ yêu thương và tôn trọng vợ. Vậy nên, khi bước vào cuộc hôn nhân này, chị vững tin mình sẽ hạnh phúc. Thế nhưng, mọi thứ chị nhìn thấy ở anh khi yêu lại hoàn toàn khác khi về sống chung cùng nhau.

“Con gái đã gả đi thì không nhận lại...” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Anh chị cưới nhau, vợ chồng sống riêng, chẳng tiếp xúc, chung đụng hàng ngày với nhà chồng, nhà vợ nên chẳng bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài, chị những tưởng sự tự do đó sẽ khiến hôn nhân hạnh phúc. Tuy nhiên, càng sống với nhau, mọi mâu thuẫn và bất đồng cứ nảy sinh một nhiều hơn. Chồng chị, một người tri thức nhưng lại có tính ghen tuông vô độ. Công việc của chị đòi hỏi phải ngoại giao, giao tiếp nhiều với khách hàng, ăn mặc lúc nào cũng phải xinh đẹp, tươi cười, chồng chị lại cho rằng vợ như thế là để “câu dẫn” đàn ông.

Anh ghen tuông, bắt vợ chuyển nghề, hoặc nghỉ việc nhưng chị không đồng ý. Bởi đó là công việc yêu thích của chị, là sự nghiệp mà chị dày công xây dựng, học tập phấn đấu mới có được.

Chẳng thể nào ép được vợ chuyển nghề, bỏ việc, anh chuyển sang hành hạ chị. Người tri thức ghen chẳng đánh đập, bạo hành thân thể mà âm thầm bạo hành tinh thần, bạo hành tình dục kín đáo. Vì vậy, nhìn bề ngoài, vợ chồng chị vẫn bình yên nhưng bên trong là sóng ngầm dữ dội bao nhiêu năm nay. Ngoài việc, bạo hành âm thầm đó, anh còn nghĩ đến việc trói buộc chị vào trách nhiệm với nhà chồng để không còn thời gian, tâm trí nghĩ đến đàn ông bên ngoài.

Mấy năm nay, anh đón mẹ già đau ốm sang sống cùng để vợ hết việc ở công ty thì về lo việc nhà. Thậm chí, anh còn “xui” mẹ gây khó cho con dâu để vợ chán mà bỏ việc, ở nhà lo việc gia đình. Mẹ chồng nghe con trai, chẳng thấu hiểu con dâu, cố tình để ý xét nét hàng ngày từng nết ăn nết ứng xử của chị khiến mâu thuẫn giữa mẹ chồng-nàng dâu cứ thế căng thẳng dần.

“Con gái đã gả đi thì không nhận lại...” - ảnh 3
Ảnh minh họa

Cuộc sống ngày một mệt mỏi, bế tắc, chị lắm phen nghĩ đến chuyện ly hôn. Một vài lần, chị đưa con về gửi nhà ngoại, suy nghĩ tập dần cho con sống với ông bà để sau này nếu ly hôn thì có chỗ gửi con. Ai ngờ, chồng chị “đọc” được suy nghĩ của vợ nên đã “tố cáo” ý định ly hôn của chị với cha mẹ vợ. Cha chị từ khi biết được cuộc sống con gái bất hòa liền lặp lại câu nói quen thuộc “con gái đã gả đi thì không nhận lại”.

Ông bảo dù chị chủ động ly hôn, hay con rể, ông bà thông gia mang vợ, mang con dâu “trả về” nơi sản xuất thì nhà ông cũng không bao giờ nhận lại. Nếu chị dám ly hôn, làm gia phong gia đình bị ảnh hưởng thì ông sẽ từ mặt luôn, cấm cửa không bao giờ cho bước vào nhà, kể cả mấy cháu ngoại cũng bị cấm cửa.

Mấy năm nay, cuộc sống hôn nhân bất hạnh nhưng chị chẳng thể ly hôn cũng bởi tuyên bố đanh thép đó của cha. Ông chỉ cho phép chị về nhà khi có chồng đi cùng. Hôm nào con rể không có mặt, ông cũng cấm cửa luôn mẹ con chị. Mẹ chị, một người đàn bà cả đời hy sinh vì con cũng khuyên con gái hãy chấp nhận sống giống như mình để con cái vẫn có mái ấm gia đình đầy đủ. Bà bảo, suy cho cùng hạnh phúc của người phụ nữ là con cái, nếu chúng được sống bình yên đủ cha, đủ mẹ thì người mẹ dù phải khổ thế nào cũng chấp nhận.

Nhưng chị thì nghĩ khác, gia đình hiện nay của anh chị chưa hẳn đã là một tổ ấm của hai đứa con. Bởi sự cam chịu của chị đang tạo cơ hội cho bạo lực gia đình tồn tại. Và chẳng có tổ ấm nào hạnh phúc khi trong đó vẫn ẩn chứa những hành vi bạo lực hàng ngày.

Có lẽ, đây là lần đầu tiên, chị sẽ phải làm trái ý của cha mình...

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

(PNTĐ) - Vợ chồng ông Hồng P và vợ là Ngọc Y ở Vĩnh Phúc sinh được 1 con chung là cháu A, sinh năm 2009. Năm 2021, hai ông bà ly hôn. Bà Y được tiếp tục nuôi dưỡng cháu A. Sau đó, ông P cho rằng bà Y có biểu hiện không quan tâm, chăm sóc con nên đã khởi kiện yêu cầu Tòa án hạn chế quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của bà đối với cháu A trong thời hạn 2 năm tính từ ngày 1/1/2024.
Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

(PNTĐ) - Tiếp tục gửi ý kiến thảo luận tới Diễn đàn, nhiều độc giả cho rằng, tuổi già cần nhất là những giây phút thảnh thơi, tránh xung đột không cần thiết nên việc bố mẹ càng ít cậy nhờ, dựa dẫm con thì càng tốt.
Người vun vén hạnh phúc gia đình

Người vun vén hạnh phúc gia đình

(PNTĐ) - Suốt 20 năm qua, bà Hoàng Thanh Mai (SN 1949, tổ trưởng tổ hòa giải số 19, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) đã dốc hết lòng cho công tác hoà giải cơ sở, giúp xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em phát triển toàn diện.