Con thiệt thòi vì ... luật

Chia sẻ

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 sửa đổi, bổ sung đã mang lại những tác động tích cực trong cuộc sống gia đình và xã hội. Tuy nhiên, sau một thời gian thi hành, những quy định của Luật này lại bộc lộ những hạn chế, đặc biệt trong việc đảm bảo quyền và lợi ích của trẻ khi bố mẹ ly hôn.

Trẻ bị xâm hại lợi ích vì quy định thỏa thuận cấp dưỡng nuôi con

Tìm đến văn phòng luật sư, bà Nguyễn Thị Vân (trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhờ tư vấn về thủ tục pháp lý đòi quyền lợi cấp dưỡng cho đứa cháu ngoại. Bà Vân kể, đầu năm 2016, con gái bà kết hôn với anh Nguyễn Trung K (cùng trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Sau 3 năm chung sống, họ sinh được 2 con. Cuối năm 2019, hôn nhân của họ đổ vỡ do con rể bà ngoại tình. Khi ly hôn, vợ chồng con gái bà thỏa thuận mỗi người nuôi một đứa con, và không cần thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng để tránh liên quan đến cuộc sống sau này của nhau.

Ly hôn được 1 năm thì con rể cũ tái hôn, nhưng con gái bà vẫn ở vậy nuôi con. Giữa năm 2021, con gái bà bị tai nạn, sức khỏe yếu phải nghỉ việc ở nhà. Bà già cả chẳng có khả năng nuôi cháu lẫn con gái ốm đau nên muốn để cháu ngoại về cho bố nó nuôi dưỡng. Tuy nhiên, cô vợ mới của con rể bà không đồng ý cho chồng đón con riêng về nuôi với lý do, chuyện nuôi con đã được tòa quy định rõ ràng trong quyết định ly hôn, mỗi người nuôi một con theo thỏa thuận. Thấy vậy, bà muốn con rể hàng tháng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho đứa con đang sống cùng mẹ.

Nhưng anh cũng không đồng ý vì lý do không có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con theo… quy định tại bản án ly hôn. Nhìn đứa cháu ngoại bị thiệt thòi quyền lợi, sống thiếu thốn, khổ cực trong khi có người cha giàu có, bà không đành lòng. Vì vậy, bà Vân đã đến văn phòng luật sư để nhờ tư vấn về thủ tục đòi người cha thực hiện trách nhiệm nuôi con sau khi ly hôn.

Nằm trong hoàn cảnh "bảo vệ" quyền lợi của con sau ly hôn, chị Đinh Thị Minh Hiền (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, tháng 9/2020, vợ chồng chị ly hôn sau gần 10 năm chung sống. Khi gửi đơn ra tòa, họ thỏa thuận con gái (7 tuổi) ở với mẹ, con trai (5 tuổi) ở cùng bố, cả hai không phải thực hiện trách nhiệm cấp dưỡng với con không sống cùng mình. Họ cũng thống nhất tạo điều kiện cho nhau qua lại thăm con sau ly hôn. Tuy nhiên, chồng cũ của chị đã không "giữ lời".

Mỗi lần chị muốn thăm con đều bị chồng cũ gây khó khăn với trăm ngàn lý do, khiến tâm lý của con bị ảnh hưởng. Chị làm đơn gửi ra tòa để xin thay đổi quyền nuôi con nhưng không được chấp nhận, với lý do hiện tại chồng cũ chị vẫn đang đảm bảo mọi điều kiện nuôi con, trong khi chị không đưa ra được bằng chứng để chứng minh việc anh ta không đáp ứng được điều đó.
Theo chị Hiền, quyền được mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng sau ly hôn của con trai chị đang bị xâm hại và không được luật pháp bảo vệ bởi chính quy định bất cập của luật hiện hành.

Những đứa trẻ bị thiệt thòi quyền lợi về quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng của cha mẹ sau ly hôn cả về vật chất lẫn tinh thần như hai trường hợp nêu trên hiện xảy ra không ít trong thực tế. Đây là thực tiễn bất cập tại các cấp xét xử trong các vụ khởi kiện đòi quyền lợi cấp dưỡng nuôi con, quyền thăm nuôi con sau ly hôn của nhiều người cha, người mẹ sau ly hôn hiện nay và gây thiệt thòi không ít cho trẻ.

Con thiệt thòi vì ... luật - ảnh 1 (Ảnh: Minh họa)

Cần bổ sung, sửa đổi những bất cập của Luật

Theo luật sư Nguyễn Minh Long (văn phòng Luật sư Dargon, đoàn Luật sư Hà Nội) hiện nay quy định của pháp luật cho phép vợ/chồng được thỏa thuận về trách nhiệm nuôi con, nghĩa vụ cấp dưỡng, thỏa thuận về phân chia tài sản khi ly hôn. Nếu cả hai đều đồng thuận với nhau thì khi tòa sẽ tuyên xử theo sự thỏa thuận đó.

Chỉ khi nào họ không đạt được thỏa thuận thì tòa mới phân chia trực tiếp. Do đó, rất nhiều vụ án ly hôn, tòa đã giải quyết theo thỏa thuận của các đương sự và tuyên giao con cho một bên nuôi, bên còn lại không có nghĩa vụ cấp dưỡng. Việc này đã vô hình chung làm ảnh hưởng, gây thiệt thòi quyền lợi cho trẻ sau khi bố mẹ ly hôn. Vì thực tế có không ít người cha, người mẹ dựa vào quy định không phải cấp dưỡng nuôi con khi thỏa thuận đã "bỏ quên" luôn trách nhiệm của mình đối với con sau ly hôn.

"Vì thực tế, con cái không những cần cha mẹ có trách nhiệm nuôi dưỡng về vật chất mà còn cần cả nuôi dưỡng về tinh thần. Việc cha mẹ không thực hiện nghĩa vụ nuôi con khi con không sống cùng mình sau khi ly hôn đã khiến trẻ bị thiệt thòi rất lớn"- luật sư Long nói.

Khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con chỉ được xem xét khi có các căn cứ sau: “Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”.

Theo luật sư Long quy định của luật "ngỡ" bảo vệ được quyền lợi cho trẻ nhưng thực chất nó cũng là rào cản, gây khó khăn cho việc đảm bảo lợi ích của trẻ trong thực tiễn khi bố mẹ ly hôn. Dù luật quy định cha mẹ có quyền thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn, nhưng nếu họ không có bằng chứng để chứng minh đối phương không đáp ứng đủ điều kiện nuôi con thì tòa cũng không đồng ý thay đổi quyền nuôi con.

Thực tế cũng cho thấy trong nhiều vụ xử ly hôn vẫn còn lúng túng khi trao quyền nuôi con cho vợ (hoặc chồng) để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ. Ví dụ, quy định hỏi ý kiến con từ 7 tuổi trở lên có nguyện vọng sống cùng ai khi bố mẹ ly hôn tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Dù trẻ có nguyện vọng được sống cùng mẹ, nhưng điều kiện nuôi dưỡng của người mẹ lại không đủ bằng người bố. Xét trên góc độ tình cảm, trẻ sống cùng mẹ sẽ tốt và ổn định tâm lý hơn và đúng với nguyện vọng của con, nhưng tòa vẫn quyết định cho trẻ về sống cùng bố. Như vậy, lợi ích thật sự của trẻ vẫn không được bảo vệ.

Điều này cho thấy, đã đến lúc chúng ta cần sửa đổi, bổ sung luật, hoặc có hướng dẫn bổ sung các quy định, nghị định dưới luật để đảm bảo quyền lợi của trẻ khi bố mẹ ly hôn.

HẠ THI

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.