Đàn ông ly hôn: Mở cánh cửa hạnh phúc dễ, nhưng…

Chia sẻ

Nhiều người nghĩ đàn ông ly hôn vẫn “có giá” và dễ dàng mở cánh cửa hạnh phúc mới. Thế nhưng thực tế hậu ly hôn, đàn ông tìm lại hạnh phúc hôn nhân không dễ dàng.

Đàn ông ly hôn: Mở cánh cửa hạnh phúc dễ, nhưng… - ảnh 1 (Ảnh: Minh họa)
Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa

Tôi đã từng nghĩ rằng đàn ông ly hôn là khép lại hôn nhân thất bại để mở ra hạnh phúc mới thành công hơn. Xây dựng hôn nhân cũng giống như xây nhà, lần xây sau sẽ hoàn hảo hơn lần trước, vì đã có những kinh nghiệm và sẽ tránh được những sai lầm. Thế nhưng, tôi đã nhầm…

Cuộc hôn nhân trước đây của tôi tồn tại được 8 năm thì đổ vỡ. Lý do là tôi không chịu đựng được người vợ ở nhà nội trợ, chăm con nhưng luôn đòi hỏi thái quá ở chồng. Tôi cho rằng, người phụ nữ đảm nhiệm vai trò hậu phương thì phải lo chu toàn công việc nội trợ, giáo dục con cái. Còn tôi, khi đảm nhiệm lo kinh tế thì sẽ “thoát ly” mọi việc trong nhà. Mấy năm đầu, vợ tôi làm tốt nghĩa vụ của mình. Nhưng càng về sau, cô ấy không yên phận mà đòi hỏi chồng nhiều thứ khác. Cô ấy yêu cầu tôi chia sẻ công việc nhà. Tài sản trong gia đình do tôi tạo lập là chính nhưng cô ấy bắt đề tên sở hữu chung của hai vợ chồng. Nếu tôi không đồng ý, cô ấy giận dỗi khiến vợ chồng luôn bất hòa. Mâu thuẫn cứ thế nảy sinh đến khi tôi không thể chịu đựng, phải chủ động ly hôn.

Khi ly hôn, chúng tôi thỏa thuận cô ấy nuôi cả hai con, còn tôi cấp dưỡng hàng tháng. Với tôi, ly hôn là để làm lại cuộc đời. Vì thế 6 tháng sau, tôi tái hôn với một phụ nữ mà tôi cho rằng sẽ “hoàn hảo” hơn vợ trước. Cô ấy làm việc ở một tập đoàn lớn, lại có nhan sắc. Tôi nghĩ một người vợ đi làm ngoài xã hội thì sẽ hiểu biết và tiến bộ hơn người vợ ở nhà nội trợ, chăm con nên cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn. Thế nhưng, tôi lại rơi vào tình cảnh “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Người vợ mới giỏi giang việc xã hội nhưng trong việc chăm sóc gia đình, cô ấy thua xa vợ cũ. Việc nhà, chợ búa, chăm con của cô ấy luôn gắn liền với các loại dịch vụ: Người giúp việc theo giờ, shipper giao hàng, người trông trẻ, gia sư… Cô ấy kiếm được 1 nhưng chi dùng tới 10 và dĩ nhiên tôi phải lo chi trả tất cả phần còn lại.

Ngày xưa, vợ cũ đòi hỏi quyền sở hữu chung mọi thứ, nhưng cô ấy là người biết vun vén, không tạo áp lực kinh tế cho chồng như người vợ sau. Vợ cũ luôn biết đối nhân xử thế với gia đình chồng, trong khi vợ mới rất vụng về chuyện đó. Vì vậy, bố mẹ tôi luôn so sánh dâu mới với dâu cũ, càng làm cho mâu thuẫn nảy sinh. Vợ tôi bất mãn, xa rời gia đình chồng, còn bản thân tôi cũng không được sống yên ổn.

Đàn ông ly hôn có thể sẽ mở cánh cửa hạnh phúc mới dễ dàng hơn phụ nữ, nhưng để có cuộc hôn nhân hạnh phúc viên mãn hơn trước thì không hẳn. Bởi cũng như tôi, rất nhiều đàn ông tái hôn rơi vào hoàn cảnh “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”.

Nguyễn Đình Quân
(Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội)

Nặng gánh trách nhiệm nuôi dưỡng con chung, con riêng

Khi một cuộc hôn nhân đổ vỡ, đa số phụ nữ nhận quyền nuôi con, còn đàn ông nhận trách nhiệm cấp dưỡng. Vì thế khi bước vào cuộc hôn nhân mới, đàn ông rất nặng gánh với trách nhiệm nuôi dưỡng con chung, con riêng. Nếu không có khả năng để thực hiện trách nhiệm đó, hôn nhân của họ sẽ dễ thất bại thêm lần nữa.

Anh trai tôi đã trải qua ba lần thất bại hôn nhân. Cuộc hôn nhân đầu tiên tồn tại 5 năm thì đổ vỡ, nguyên nhân do anh lầm lạc với một cô gái làm tiếp viên nhà hàng. Ly hôn được hơn 1 năm, anh tái hôn với một cô gái xinh đẹp, trẻ trung hơn vợ cũ. Nhưng rồi hôn nhân của anh lại tiếp tục gặp sóng gió khi vợ anh không chấp nhận việc chồng nặng gánh với con riêng. Sau 4 năm chung sống, họ chia tay.

Sau khi ly hôn không lâu, anh tiếp tục bước vào cuộc sống hôn nhân lần thứ ba với một phụ nữ cùng hoàn cảnh. Lần này, thành phần con cái trong gia đình của họ có đủ "con anh, con em, con chúng ta". Gánh nặng lo kinh tế để nuôi con chung, con riêng của cả hai người đè nặng lên vai anh. Nhiều lần, anh kể với tôi rằng ngoài việc lo kiếm tiền để lo cho 4 người trong nhà gồm: Hai vợ chồng, một con chung của hai người, một con riêng của chị, anh còn phải lo phần tiền cấp dưỡng cho hai đứa con riêng đang sống với hai người vợ cũ. Người vợ sau này của anh vẫn đi làm nhưng công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định nên việc lo kinh tế chủ yếu vẫn anh phải quán xuyến. Chuyện nuôi dưỡng con cái sau ly hôn thật sự là vấn đề nan giải đối với anh. Vì không trực tiếp nuôi nên anh phải lo tiền cấp dưỡng hàng tháng. Bà vợ cũ nào cũng muốn bảo toàn quyền lợi cho con, quyết đòi không thiếu một đồng khiến anh vất vả xoay xở đủ đường.

Với con cái, đôi khi không phải cứ đóng đủ số tiền cấp dưỡng theo quyết định của tòa là đã làm tròn trách nhiệm người cha. Những đứa con riêng sống bên ngoài thỉnh thoảng thiếu nọ, thiếu kia, lại bí mật gọi điện xin bố và anh không thể không lo cho con. Để có tiền cho thêm con mà không ảnh hưởng đến khoản kinh tế đưa về cho vợ hàng tháng, anh phải vay mượn bạn bè, người thân, rồi nhận việc làm thêm để có tiền trả. Nếu không, mâu thuẫn vợ chồng từ chuyện lo cho con riêng hơn con chung lại tái diễn. Bởi người phụ nữ nào dù thương chồng đến mấy nhưng lòng đố kỵ với những người vợ cũ và sự ích kỷ sợ con mình thua thiệt cũng khiến họ nảy sinh sự nhỏ mọn, tính toán với bạn đời.

Vì vậy, tôi nghĩ không chỉ phụ nữ gặp khó khăn khi tìm hạnh mới sau khi ly hôn, mà đàn ông cũng gian nan không kém. Ở một góc độ, ly hôn là đau khổ là thất bại cho cả phụ nữ và đàn ông, và bên cạnh họ là những đứa con bị liên lụy theo.

Hoàng Hải Minh
(Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội)

Kính mời bạn đọc viết bài tham gia thảo luận về vấn đề này. Những ý kiến thảo luận được đăng tải trên ấn phẩm báo Phụ nữ Thủ đô sẽ được nhận báo biếu và nhuận bút theo quy định hiện hành của tòa soạn. Bài thảo luận gửi về chuyên mục Gia đình, Báo Phụ nữ Thủ đô, số 7 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội, hoặc email: baophunuthudo@gmail.com

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.