Để hạnh phúc nốt phần đời còn lại

Nhà văn: Hoàng Anh Tú
Chia sẻ

(PNTĐ) - Khi ta bắt đầu một cuộc hôn nhân của mình, ai mà chẳng mơ hạnh phúc trọn đời bên người mà mình đã chọn. Tất nhiên, là tôi loại trừ những người coi hôn nhân là một thương vụ, nghĩa vụ, nhiệm vụ hoặc để có 1 chức vụ làm chồng hoặc làm vợ. Là tôi nói đến những cuộc hôn nhân mà chúng ta lựa chọn để được hạnh phúc suốt quãng đường còn lại của chúng ta.

MƠ MỘT GIẤC MỘNG CHUNG

Tôi may mắn khi có bạn đời cũng là bạn đường, bạn cùng giường cũng cùng cả những giấc mơ. Vợ tôi cũng bảo nàng cảm thấy may mắn khi có người chồng như tôi, người cùng nàng chia sớt từng giấc mơ với nàng. Chúng tôi cũng chẳng có công thức nào cho cuộc hôn nhân của mình hạnh phúc cả nên nhiều khi được hỏi, tôi vẫn hay lý thuyết mà nói chứ chẳng biết thực sự chúng tôi đã làm những gì. Vì nói là cùng nhau đấy nhưng tôi thấy nhiều cặp vợ chồng không cùng nhau họ vẫn hạnh phúc.

Có những cặp vợ chồng tôn trọng khoảng không gian riêng của nhau, mỗi người theo đuổi một mục tiêu nhưng hai mục tiêu đó lại cùng đến một đích chung: Hạnh phúc. Thế nên thật khó để đem lý thuyết của cặp đôi này dành cho thực hành của cặp đôi nọ. Mỗi chúng ta, bằng cách này hay cách khác, chỉ cần là cùng mưu cầu hạnh phúc cho cuộc hôn nhân là đủ.

 Chỉ là đời không như là mơ. Nhiều người vẫn hơn thua nhau trong chính cuộc hôn nhân của mình. Là chồng đưa chiếc chân giò, vợ phải thò chai rượu. Tiền anh - Tiền em phải công bằng rạch ròi. Đối xử với nhà nội nhà ngoại phải cân bằng cân tiểu ly. Hay giấc mơ của mỗi người một khác, giờ lên giường cũng lệch huống chi là giấc mơ? Là chưa kể đến việc nghĩ về hạnh phúc cũng khác nhau. Người thì nghĩ hạnh phúc là cơm no mặc ấm, kẻ thì cho rằng hạnh phúc là cơm ngon áo đẹp. Nên cứ lần hồi mà hai vợ chồng xa nhau, hôn nhân chỉ còn là ràng buộc pháp lý.

Để hạnh phúc nốt phần đời còn lại - ảnh 1
Ảnh minh họa

 Điều đáng sợ nhất xảy ra trong các cuộc hôn nhân là cả 2 người trong đó không biết khi nào nó tàn lụi. Không phải là những cặp vợ chồng chọn cách sống tận hiến cho hôm nay mặc kệ mai có ra sao. Cũng không phải những cặp vợ chồng tận hưởng mỗi ngày bên nhau và không nghĩ đến xa xôi. Mà là những người ngay cả hiện tại cũng chẳng còn tha thiết, họ nghĩ đến 10 năm sau chỉ là nghĩ đến bản thân của họ. Tương lai của họ không có sự hiện diện của bạn đời. Dù có thể 10 năm nữa chưa chắc họ đã ly dị. Nhưng ngay cả trong hiện tại, người đang cùng giường với họ cũng không cùng một giấc mơ với họ.

 Tương lai của một cuộc hôn nhân mới chính là tài sản của cuộc hôn nhân đó. Tôi luôn cho là vậy. Là khi 2 vợ chồng cùng vẽ ra một giấc mơ 10 năm nữa họ sẽ có gì cùng nhau, hôn nhân này sẽ có gì. Xây lên một giấc mơ để cả 2 cùng phấn đấu. Dù mỗi người một hành trình riêng thì hành trình đó vẫn là cùng đến một cái đích chung ấy. Đẹp đẽ hơn thì là mỗi người một tay, 4 cái tay, 2 cái đầu, 4 cái chân cùng nhau xây đắp thì rất nhanh.

Bởi phần thưởng của 10 năm nữa vốn không phải là 1 căn biệt thự song lập như mơ mà là cuộc sống của 2 vợ chồng trong căn biệt thự đó. Bởi phần thưởng chẳng phải là chúng ta đã cưới nhau được 20 năm, 30 năm mà là chúng ta đã sống hạnh phúc trong suốt 20 năm, 30 năm ấy và vẫn còn muốn sống thêm cùng nhau 30 năm, 40 năm và lâu hơn thế. Cùng nhau tạo ra một giấc mơ đẹp đã tốt, cùng nhau biến giấc mơ đó thành sự thật thì còn tốt hơn nhiều nữa.

 NUÔI MỘT CUỘC HÔN NHÂN LỚN LÊN BẰNG GÌ?

Nuôi một cuộc hôn nhân bằng gì để nó sống lâu chết muộn? Có không một cuộc hôn nhân hạnh phúc đến tận khi nhắm mắt xuôi tay?

 Tôi vẫn tự răn mình và nói với vợ mình mỗi ngày: Tài sản lớn nhất của hôn nhân không phải là bao nhiêu cái nhà, bao nhiêu tiền bạc, con cái bao nhiêu đứa, số năm chung sống kéo dài bao lâu. Mà là chúng ta còn muốn đi cùng nhau bao xa? Còn muốn đi cùng nhau thì hôn nhân ấy còn phúc phần. Thế nên tài sản mà vợ chồng cần phải gom góp chính là tương lai của cuộc hôn nhân đó, là chúng ta có rất nhiều ước vọng cùng nhau. Tôi vẫn nói với vợ mình: Anh sẽ yêu em 50 năm kể từ hôm nay.

Và tôi với vợ mình cố gắng cho cái hôm nay của 2 đứa vì 50 năm tiếp theo. Là nhìn xa để bỏ qua những thứ gần. Là vì đại cuộc mà thôi giận hờn tiểu tiết. Là muốn có ngày mai, hãy làm tốt hôm nay. Là thực tại của chúng ta sẽ tốt hơn hôm qua và ngày mai sẽ còn tốt hơn nữa. Nói thì rất dễ, lý thuyết luôn màu hồng, nhưng nếu ngay cả nói ra còn rụt rè, ngay cả lý thuyết cũng hồ nghi thì chúng ta lấy gì để nuôi một cuộc hôn nhân lâu dài?

 Phải! Nuôi một cuộc hôn nhân chính là bằng sự tin tưởng vào cuộc hôn nhân của mình. Thế nên tôi và vợ mình giữ lại nhau bằng lòng tin vào chính bản thân mình rồi sau đó là tin vào người phối ngẫu của mình.

Để hạnh phúc nốt phần đời còn lại - ảnh 2
Ảnh minh họa

 Tin vào bản thân mình để không phải lên những kịch bản xấu rồi len lén phòng bị. Nhiều người tôi biết, ngay cả khi hôn nhân họ đang hạnh phúc, họ cũng chuẩn bị sẵn sàng cho việc ly dị ít tổn thất nhất. Họ không sai. Nhưng như vợ chồng tôi thì đó là điều không đúng. Tin vào bản thân mình, với vợ chồng tôi, đó là sống cùng nhau không cần phòng bị, không cần lên phương án xấu.

Bởi cho dẫu phòng bị hay không, lên kịch bản chi tiết thế nào, ly dị cũng làm cho chúng ta tan hoang. Đau. Nhưng đáng. Là vợ chồng tôi nghĩ thế. Tin vào bản thân mình để hôm nay tất tay cho cuộc hôn nhân này. Càng nghĩ hôn nhân mong manh dễ vỡ thì càng phải tất tay cho mỗi ngày đang còn hạnh phúc. Chứ không phải phòng bị hay lên kịch bản sau ly dị sẽ thế nào để bớt tổn thương.

 Tin vào người phối ngẫu của mình. Là ứng trước cho nhau lòng tin ấy. Cho nhau vay một khoản lòng tin tuyệt đối và tất tay. Đó không phải là ngu muội, vợ chồng tôi nghĩ thế, vì chúng tôi gắn cùng khoản vay ấy là trách nhiệm của mỗi người trong đó. Trách nhiệm của việc anh giữ lòng tin trong em, vợ giữ lòng tin trong chồng. Chúng tôi không chỉ ứng trước lòng tin cho nhau mà còn làm cho lòng tin đó ngày một lớn hơn, nhiều hơn. Dù mai này có thể sẽ đau lắm nếu lòng tin đó vỡ vụn.

Nhưng như tôi nói: Cuộc hôn nhân này đáng giá và đáng để tất tay như thế. Chúng tôi cần một cuộc hôn nhân có giá trị và ngày một giá trị hơn chứ không chỉ muốn một cuộc hôn nhân được bảo toàn. Để mỗi ngày qua, mỗi năm qua, mỗi đoạn đường hôn nhân đó trải qua thì sẽ như quả cầu tuyết, mỗi ngày một lớn hơn vậy. Để bất cứ ai trong hai đứa đều sẽ tiếc đến chết nếu như lỡ để mất nhau. Để bất cứ ai trong hai đứa sẽ vì độ lớn của quả cầu tuyết ấy mà nâng niu, trân trọng, gìn giữ nó lại.

 Nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ với hàng triệu lý do khác nhau. Chẳng ai thống kê được có bao nhiêu lý do hôn nhân tan vỡ để lên cho mình kịch bản tránh né nó. Chúng tôi cũng vậy. Chỉ nghĩ đến việc cùng nhau cho đến khi hôn nhân đó chết, hoặc một trong hai đứa chết. Là những gì chúng ta đã tận hiến cho cuộc hôn nhân này sẽ không khiến chúng ta hối tiếc. Cứ yêu nhau đi, dốc cạn tim mình đi. Hôn nhân này đáng giá để chúng ta nuôi dưỡng nó bằng mọi giá. Cứ cùng nhau, từng chút một, trong mỗi ngày.

Tôi vẫn thực sự mong đâu đó những cặp vợ chồng đang đọc bài viết này, hãy tặng nhau một lòng tin, một giấc mơ chung. Để cùng nhau hạnh phúc suốt quãng đời còn lại.

Mà muốn thế, hôm nay, ôm nhau lâu hơn một chút, hôn nhau sâu hơn một chút. Để thiết tha nào cũng là thiết tha muốn được ở bên nhau. Để đắm say nào cũng thành đắm say chung. Để cả nước mắt, nếu phải rơi xuống, cũng vẫn là bạn đời của mình hong khô lại nó thay vì để người khác làm việc đó. Được không?

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.