Để “quyền” của người cao tuổi không bị "bỏ quên"?

Chia sẻ

PNTĐ-Sự thiếu hiểu biết pháp luật cộng với rào cản tâm lý trong gia đình, định kiến xã hội đã khiến cho không ít "quyền" của người cao tuổi bị "bỏ quên".

 
Tình tuổi xế chiều là quyền của bố mẹ!
 
Theo thống kê hàng năm tại CLB Tâm Giao, số trường hợp đến tìm tri kỷ tuổi xế chiều chiếm 50% trong tổng số ca yêu cầu tìm bạn. Tất cả hội viên cả nam lẫn nữ đều có chung hoàn cảnh: khuyết nửa bạn đời đã lâu, hoặc làm bố mẹ đơn thân. Khi con cái trưởng thành thì họ bước vào tuổi xế chiều cô đơn, mong muốn tìm tri kỷ. Rất nhiều hội viên tìm được đối tượng hợp với mình thế nhưng lại bị con cái cản trở, xã hội dị nghị, đành bỏ cuộc nửa chừng.
 
Để góp phần "cởi mở" vấn đề này, mới đây, trong dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và chăm sóc, bảo vệ trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi đã đưa ra quy định xử phạt hành vi ngăn cản người cao tuổi thực hiện quyền kết hôn. Trường hợp con, cháu cản trở bố mẹ già kết hôn tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng cách thủ đoạn khác sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu-3 triệu đồng, đồng thời buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
 
Ông Trần Nam (67 tuổi, hội viên CLB Tâm Giao) nói: Vợ tôi mất gần chục năm nay, khi về hưu tôi có ý định tái hôn nhưng con cháu đều ngăn cản. Chúng viện lý do bố già rồi còn lấy vợ sẽ làm mất mặt con cháu. Quy định này chẳng những làm cho bộ phận con cái chấp nhận tình cảm xế chiều của bố mẹ mà còn giúp một bộ phận người già tự tin hơn khi tiến tới tình cảm với một ai đó.
 
Để “quyền” của người cao tuổi không bị
Ảnh minh họa
 
Xử phạt tội bất hiếu
 
Cùng với quy định xử phạt việc ngăn cấm tình cảm tuổi xế chiều, tại dự thảo nghị định này cũng đưa ra những quy định xử phạt tội bất hiếu của con cái. Cụ thể những hành vi như: Đối xử tồi tệ đối với người cao tuổi, bắt họ nhịn ăn uống, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân, giam hãm, bắt chịu rét, bỏ mặc không chăm sóc, không thực hiện nghĩa vụ phụng dưỡng người cao tuổi; Ép buộc người cao tuổi lao động hoặc làm những việc trái với quy định của pháp luật; Ép buộc, xúi giục, kích động người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đối với người cao tuổi... mức phạt thấp nhất là 1 triệu đồng và cao nhất là 20 triệu đồng tuỳ theo hành vi vi phạm.
 
Rất nhiều ý kiến dư luận đồng tình ủng hộ và cho rằng dự thảo xử phạt ra đời trong bối cảnh liên tục xảy ra những vụ việc con cái ngược đãi bố mẹ già là rất kịp thời. Điển hình là vụ việc cụ già 80 tuổi ở Núi Trúc (HN) bị con cái đẩy ra vỉa hè nằm phơi nắng cả ngày khi từ viện trở về. Hay những vụ việc con cái tranh giành tài sản mà ra tay sát hại cả bố mẹ mình... Nó sẽ là "chiếc roi" pháp lý để góp phần hạn chế, trừng trị tội bất hiếu của một bộ phận con cái hiện nay. Ngoài ra, theo các chuyên gia pháp lý, việc ra một nghị định xử phạt cụ thể là rất cần thiết bởi các Luật liên quan xử phạt về vấn đề này như Hôn nhân & Gia đình mới chỉ đưa ra những quy định chung chung, dẫn đến những bất cập khi xử lý các hành vi bất hiếu với bố mẹ.

Người già- con trẻ: cần nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ
 
Bên cạnh những ưu điểm cần, thiết thực cho cuộc sống nhưng độ khả thi của dự thảo nghị định xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực người cao tuổi vẫn còn khiến nhiều người băn khoăn.
 
Bà Vương Thị Hồ (hội viên Hội người cao tuổi, Hạ Đình,TX, HN) trăn trở: Tâm lý Á đông của người Việt mình xưa nay là chuyện gia đình "đẹp đẽ khoe ra xấu xa đậy lại". Gia đình có vấn đề gì thì "đóng cửa bảo nhau" chứ không "vạch áo cho người xem lưng". Cùng với đó là tâm lý thương con, sống vì con của bộ phận bố mẹ. Liệu có mấy bậc bố mẹ già nỡ đứng ra tố cáo con cháu mình bắt ăn đói, mặc rách, quát mắng, kể cả đánh đập hành hạ...? Mức phạt 1 triệu, 3 triệu, 5 triệu đến 20 triệu là "chuyện nhỏ" đối với con cái có kinh tế nhưng với con nghèo thì đó cũng là cả một vấn đề. Luật có, quy định xử phạt rõ ràng nhưng phải có người tố cáo thì mới xử được, còn không thì cũng chỉ... nằm trên giấy.
 
Ông Nguyễn Khắc Thanh (Mễ Trì, TL, HN) cho rằng: Cần có chế tài của pháp luật, nhưng bên cạnh đó cũng cần có những biện pháp tuyên truyền giáo dục song song để cả người già lẫn người trẻ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình. “Tại nơi tôi sinh sống có vợ chồng con trai ngược đãi mẹ già, khi bị chính quyền xử phạt chìa tiền ra đóng rồi thản nhiên bảo "thế là xong tội". Họ phải hiểu rằng việc đóng tiền xử phạt là bước đầu răn đe, nhắc nhở nếu còn tiếp tục tái phạm sẽ bị xử lý hình sự”.
Hạ Thi

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.