Đòi ly hôn vì lý do nhỏ nhặt

Chia sẻ

PNTĐ-Ở Tòa, chị T đòi ly hôn vì không thể chung sống với người chồng cục cằn, ham chơi. Chồng chị bác lại lời vợ, trách vợ bướng bỉnh, hay so sánh chồng mình với người khác.

 
Đòi ly hôn vì lý do nhỏ nhặt - ảnh 1
 
Mới đây, TAND TP Hà Nội vừa xét xử phúc thẩm vụ án ly hôn đối với nguyên đơn là chị T.M.Q (SN 1994, trú tại Mê Linh, HN) và bị đơn là anh T.V.T (SN 1991). Trước đó, TAND huyện Mê Linh đã bác đơn ly hôn của chị Q để hai người có cơ hội hòa giải, đoàn tụ sau khi xem xét thấy mâu thuẫn giữa hai vợ chồng quá nhỏ nhặt.
 
Chị Q yêu anh T – một người cùng thôn, cùng xã khi vừa học hết cấp 3. Dù biết trước đây anh T ham chơi, song trong tình yêu, anh lại rất biết chiều chuộng người yêu. Không ít lần, anh khiến Q tự hào vì những màn thể hiện tình yêu lãng mạn trước mặt bạn bè. Năm 2014, hai người kết hôn, lúc đó, Q vừa bước sang tuổi 20.
 
Cuộc sống hôn nhân không như những gì mà Q nghĩ. Trong khi Q vẫn mơ mộng về một cuộc hôn nhân hạnh phúc đầy tiếng cười, với người chồng luôn dành trọn vẹn thời gian và tình yêu thương cho vợ, thì T không còn chiều chuộng với mọi điều kiện của Q như trước. Ngoài công việc ở xưởng cơ khí, T không nhúng tay vào bất cứ việc gì.
 
Dù 23 tuổi, đã có vợ, thay vì tu chí làm ăn, lo toan cho gia đình thì T vẫn thường tụ tập nhóm bạn, la cà quán sá mỗi tối, để vợ trẻ nhiều đêm mòn mỏi thức đợi chồng. Nhiều hôm, T về với mùi rượu nồng nặc. T nói đó là sự giao lưu bạn bè, còn Q lại nghĩ chồng mình vô trách nhiệm, không còn yêu thương vợ như trước. Những lần như thế, Q đều gọi điện, nhắn tin, vừa trách móc vừa hờn giận, thậm chí nặng lời với chồng. Hai vợ chồng cãi nhau, giận nhau như cơm bữa.
 
Khi Q mang thai, mâu thuẫn vợ chồng trẻ càng thêm sâu sắc. Q hay ốm nghén, cần sự quan tâm của chồng hơn thì T lại cho rằng, Q cần ý thức việc tự chăm sóc mình chứ không phải đòi hỏi ở chồng. Bố mẹ đẻ gần nhà, nhiều hôm giận chồng, Q sang nhà mẹ đẻ ngủ lại luôn mà không nói cho chồng một tiếng. Nghĩ vợ coi thường mình, T lại buông lời mắng mỏ.
 
Q sinh con được 25 ngày, T đi uống rượu về, ghé sát nhìn hai mẹ con đang ngủ. Hơi rượu từ miệng T phả vào mặt Q khiến Q khó chịu, lại nghĩ chồng không chia sẻ lại còn có hành vi sỗ sàng, Q điên tiết đẩy T ra. Hai vợ chồng cãi tay đôi với nhau, bao nhiêu ấm ức, Q nói hết trong nước mắt. T cũng không vừa, cho rằng vợ hỗn láo nên quát mắng vợ. Hai vợ chồng không nói chuyện với nhau cả tháng trời.
 
Mâu thuẫn vợ chồng Q ngày càng dồn dập từ những điều rất nhỏ nhặt. Q cho rằng T vũ phu, bạo hành, còn T lại nói, vợ mình không biết ứng xử, hay cằn nhằn, lúc nào cũng cãi tay đôi với chồng. Đến việc chăm sóc con, Q còn vụng về, cụ thể là tháng 5/2017, Q để con bị kẹp chân vào bánh xe đạp khiến con bị thương. Xót con, T mắng vợ vụng về, không cẩn thận. Chị Q vừa khóc, vừa cãi lại. T tức khí tát vợ 1 cái. Chị Q khóc lóc bỏ về nhà mẹ đẻ ở rồi đòi ly hôn.
 
Tại tòa, Q khóc lóc kể lể về những tật xấu của chồng mình. Nào là có tiền án về tội gây rối trật tự cách đây 7 năm nên mang trong mình máu vũ phu, nào là thường xuyên rượu chè, không có trách nhiệm chăm sóc gia đình, nào là bạo hành vợ... Người ta lấy chồng được hưởng hạnh phúc, được yêu chiều, còn chị lấy chồng thì sống trong tủi nhục. Anh T trách vợ “nói quá mọi thứ lên”. Anh tố vợ hay cằn nhằn, hay cãi lại, không biết ứng xử, không biết chăm sóc con. Có chuyện gì cũng bỏ về nhà đẻ khiến cho bố mẹ chồng cũng phải lắc đầu ngán ngẩm. Vị chủ tọa cũng khuyên chị Q:
 
“Làm vợ, làm dâu rất khó. Chị không thể mang lối sống của gia đình mình về nhà chồng mà cần phải học hỏi, dung hòa cách sống của gia đình chồng, đồng thời tạo sự thân thiện trong các mối quan hệ để hai bên được êm thấm. Nếu chị vẫn giữ cái tôi của mình, không cởi mở và học hỏi thì rất khó để sống chung”. Tòa nhắc chị tìm đến sự trợ giúp của bố mẹ chồng hoặc cơ quan chức năng nếu bị chồng bạo hành.
 
Tòa cũng đề nghị anh T phải xin lỗi và hứa không được đánh vợ. Nếu tái phạm, chị Q có thể làm đơn tố cáo hành vi bạo hành của anh lên cơ quan chức năng đề nghị giải quyết theo pháp luật. “Vợ chồng ở với nhau là do cả hai có mong muốn hàn gắn, xây dựng hạnh phúc, đừng giữ mãi cái tôi của mình để trách cứ lẫn nhau”. Anh T nghe thế, quay sang xin lỗi vợ để hai vợ chồng cùng cố gắng nuôi đứa con nhỏ mới vừa 24 tháng tuổi.
 
Do mâu thuẫn vợ chồng chưa đến mức trầm trọng, có thể hòa giải được, hai bên thông gia cũng mong muốn các con hàn gắn nên Tòa bác đơn kháng cáo của chị Q, giữ nguyên bản án sơ thẩm để vợ chồng có cơ hội hàn gắn hạnh phúc. Đây cũng là bài học cho những cặp vợ chồng trẻ khi bước vào cuộc sống hôn nhân cần có những kỹ năng, kiến thức và lối ứng xử phù hợp để giữ gia đình bền vững.

Quỳnh An

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.