Đợi mẹ mất mới... làm con có hiếu

Mai Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đám ma bà Thoan đông lắm, to lắm bởi các con của bà đều làm ở bệnh viện lớn, công ty to và cũng có chút chức quyền. Người ngoài nhìn vào bảo bà thật có phúc. Ấy chỉ mình bà và nhà tôi (hàng xóm sát vách nhà bà) thì mới hiểu rõ hoàn cảnh của bà.

Ngẫm ra câu nói “Một mẹ nuôi được 10 con nhưng 10 con không nuôi được một mẹ” sao mà đúng thật. 

Bà Thoan là một nhà giáo già về hưu. Bà sống một mình trong căn hộ nhỏ ở ngoại ô thành phố. Cuộc sống tuy không quá phải vất vả lo miếng cơm, manh áo hàng ngày song cảnh nhà bà lúc nào cũng cô đơn lẻ bóng. Chồng bà đã mất cách đây gần 40 năm rồi.

Hồi trẻ, bà Thoan cũng muốn đi bước nữa để có người đỡ đần nuôi con, song bà thương con nhỏ dại, sợ nhỡ lấy phải người không thương con mình thì khổ nên bà một lòng ở vậy, bươn chải một mình nuôi 3 con. Nhà sát vách nhau nên mẹ tôi và bà Thoan khá thân nhau. Hàng ngày mẹ tôi và bà vẫn hay đi chợ cùng nhau. Có gì ngon, có gì vui buồn hai bà đều tâm sự chia sẻ cùng nhau.

Ba con trai của bà người làm bác sĩ, người là giám đốc, kỹ sư. Họ đều làm ở bệnh viện, công ty lớn, thu nhập cao. Sau khi lập gia đình, các con của bà đều ra ở riêng với lý do cho gần chỗ làm nên ngôi nhà chỉ còn mình bà Thoan ở. Một lần sang nhà tôi chơi, bà bảo với mẹ tôi: Tôi nghĩ vợ chồng chúng nó con trẻ, chúng cần có không gian riêng. Dựng vợ gả chồng rồi, chúng tự lập được không phải phiên đến mình là tốt lắm rồi. Bà còn bảo: Khi các con còn nhỏ, tôi rất vất vả, lúc ấy, tôi nghĩ rằng sau này các con trưởng thành rồi, tôi sẽ thoải mái hơn. Giờ là lúc tôi nghỉ ngơi bà ạ.

Đợi mẹ mất mới... làm con có hiếu - ảnh 1
Ảnh minh họa

Cuộc sống êm đềm cứ thế trôi đi cho đến cách đây 2 năm, khi đó bà Thoan 70 tuổi. Nhân dịp chúc thọ bà, con cháu về đông đủ, ba người con trai thuyết phục bà bán nhà rồi dọn đến ở chung với 1 trong 3 con song bà nhất quyết không nghe. Cũng từ đó thái độ các con đối với bà khác hẳn. Trước đây, vì cũng ở không quá xa nên con cháu cứ cách đôi ba tuần lại về thăm bà.

Từ ngày bà không chịu bán nhà, các con bà có khi cả tháng cũng chẳng thấy mặt. Thì ra, cái mảnh đất bà đang ở đó thuộc quy hoạch một dự án lớn mà thành phố sắp triển khai. Con trai bà vì mối quen biết rộng nên khi hay tin khu đất đó hiện đã lên giá rất cao thì bàn với hai em thuyết phục bà bán mảnh đất.

Còn bà Thoan thì không màng tiền bạc, chỉ có tâm nguyện để lại ngôi nhà làm nơi thờ tự, sum họp cho các con sau này. Vậy là mâu thuẫn mẹ con chỉ vì mảnh đất mà chẳng thể hàn gắn.

Tuổi ngày một cao, sức khỏe của bà Thoan cũng ngày một đi xuống. Sinh hoạt hàng ngày của bà khó khăn hơn. Bà bị đau khớp gối, tấm lưng bà đã còng, bà đi lại phải chống gậy. Thế nhưng cũng chẳng vì thế mà các con của bà năng về thăm bà, mà ngược lại họ ngày càng ít về thăm mẹ. Có lần bà bị ốm, mẹ tôi gọi điện thay bà thông báo cho các con của bà.

Song ai cũng bảo bận công việc, cũng phải đi làm nuôi vợ con chứ làm sao lo cho bà được. Anh con cả còn bảo: “Mà mẹ cháu già rồi cũng phải tới lúc theo tổ tiên thôi, sống lâu lại khổ con cháu”. Mẹ tôi nghe nói thì lẳng lặng không nói cho bà biết sợ bà đau lòng ốm thêm. Cuối cùng chẳng con nào thèm ngó ngàng gì tới mẹ. Cũng may lần đó, nhờ hàng xóm giúp đỡ nên bà Thoan được điều trị kịp thời và khỏe lại. Không nói ra nhưng đôi mắt của bà không giấu được nỗi buồn.

Tôi biết trong lòng bà trống trải lắm, cô đơn lắm dù bà bảo các con bà còn bận rộn với công việc chứ không phải không quan tâm bà.

Thời gian gần đây, thêm tuổi thêm bệnh. Mắt của bà cứ mờ dần đi. Lúc đầu bà chủ quan nên cũng chỉ ra hiệu thuốc mua ít thuốc nhỏ mắt nhưng tình trạng không được cải thiện mà ngày càng nặng hơn. Đến khi mờ quá bà đành đi khám bác sĩ thì mới biết mình bị khối u chèn vào dây thần kinh khiến mắt bị tổn thương cần phải phẫu thuật gấp để tránh mù lòa.

Ở viện về, bà nhờ mẹ tôi gọi cho các con báo tình hình thì tất cả một lần nữa cũng viện cớ không về được. Lần này thì bà phát cáu “Mẹ chết các con có bận nữa không? Các con không về thì sau này, đừng bao giờ mong nhận được thừa kế”.

Đợi mẹ mất mới... làm con có hiếu - ảnh 2
Ảnh minh họa

 Chẳng phải có vì động lực “có tiền” hay không mà tối đó 3 anh con trai mới rồng rắn kéo nhau về gặp mẹ. Bà không nấu cơm mà nhờ mẹ tôi đặt hộ ngoài hàng 1 mâm cơm thịnh soạn. Bà cũng mời mẹ tôi sang để làm chứng giúp bà vì “bà sẽ có một quyết định hệ trọng”. Bà bảo, bữa ăn này chỉ để xem thái độ và trách nhiệm của các con bà tới đâu. Ngồi vào mâm, bà nói tình hình sức khỏe của mình đang xấu đi nên cần con chăm sóc.

Trước mặt mẹ, các con bà bắt đầu đẩy việc chữa bệnh cho mẹ trong khi chưa biết chính xác chi phí là bao nhiêu. Anh cả thì bảo lâu nay phải lo học thêm để nâng cao chuyên môn nên bao nhiêu tiền phải đổ vào việc học chẳng để ra được bao nhiêu. Anh thứ thì nói công ty từ ngày dịch Covid làm ăn đi xuống chỉ có chi mà không có thu. Còn anh con út nói chức vụ anh chỉ là làm chân quản lý nhỏ, anh còn con nhỏ đang đi học nên cũng không dư dật gì. Nói qua nói lại, 3 anh em cãi nhau ngay trước mặt mẹ.

Bực quá, bà đập bàn: “Các con im hết đi. Vậy là mẹ đủ hiểu các con đối với mẹ thế nào rồi. Các con không phải lo. Cả đời lam lũ, mẹ đã dành dụm được 500 triệu và ngôi nhà này. Mẹ định để dành đó cho con cháu nhưng giờ thì không có chuyện ấy nữa. Mẹ sẽ lo cho bản thân và không khiến con nào bận tâm. Các con sống ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân thì bây giờ về cả đi và coi như mẹ chết rồi”. Nói xong bà đuổi 3 anh con trai về ngay trong đêm.

Có lẽ bệnh tật cùng với sự phẫn uất vì các con bất hiếu mà không lâu sau bà đã về với tổ tiên. Chả biết các con bà ân hận hay muốn mượn đám ma mẹ để chứng tỏ mình là con có hiếu với thiên hạ mà tổ chức đám ma cho mẹ linh đình lắm. Khách khứa, đồng nghiệp của các anh con trai từ thành phố về thắp hương, phúng viếng cho bà đều tấm tắc khen bà sinh được các con giỏi giang, từ nay đã có thể yên tâm nhắm mắt nơi suốt vàng. Nhìn cảnh ấy mà mẹ tôi lắc đầu... Bà bảo, mẹ sống thì bất hiếu, mẹ chết đi làm ma to phỏng có ích gì.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.