Dùng công nghệ giữ ấm lửa gia đình

Bài và ảnh: Chi Mai
Chia sẻ

(PNTĐ) - Với những phụ nữ hiện đại, công nghệ trở thành công cụ giúp họ phát triển bản thân, làm giàu cuộc sống. Trong gia đình, chị em đã biết cách tận dụng công nghệ bằng nhiều cách để làm phương tiện hữu dụng mang đến cho tổ ấm những phút giây giải trí thú vị cùng nhau, góp phần thắt chặt tình cảm gia đình, xây dựng cuộc sống hạnh phúc.

Dùng công nghệ giữ ấm lửa gia đình - ảnh 1
Tổ ấm nhỏ của gia đình chị Phương.

Những bà nội trợ học đảm đang từ mạng xã hội
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thùy My (36 tuổi, ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) đều làm truyền thông nên khá đông bạn bè. “Nhà mình cuối tuần thường có anh em bạn bè thân thiết ghé chơi tụ tập. Trước đây mỗi lần có khách tới nhà chơi, chồng mình thường đưa ra quán. Vì đến nhà mình không nghĩ ra món gì để tiếp và còn ngại dọn dẹp rửa bát nữa. Bây giờ nhờ mạng xã hội như facebook, youtube, tiktok, google… mình học được rất nhiều món qua các kênh mạng xã hội sau đó mình điều chỉnh vị theo gia đình mình và bạn bè mình thích. 

Thông qua các kênh mạng xã hội mình đã học hỏi được rất nhiều từ cách bày trí thức ăn đẹp mắt, đến chụp hình đẹp. Bây giờ mỗi lần có khách tới nhà mình đều tự tay vào bếp chuẩn bị những món khách thích, dần dần tạo thói quen không ra quán nữa thích ở nhà hơn vì vừa sạch sẽ, vừa thoải mái vừa hợp khẩu vị… Sau khi tậu thêm một chiếc máy rửa bát, mình còn được tha hồ “bung lụa” hơn - chị My kể. 

Ở tuổi đã ngót nghét 50, chị Hà Anh (nhân viên văn phòng, sống tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) nói vui rằng, vẫn “ham hố” và cắm đầu vào điện thoại. “Bởi vì tôi rất thích nấu ăn, mà chỉ cần có 1 chiếc điện thoại thông minh với kết nối mạng, cần tra cứu về món ăn gì cứ gõ "google" tên món đó thì hằng hà cơ số hướng dẫn. Công nhận trong thời đại 4.0 này, việc tra cứu thông tin tiện lợi vô cùng. Rồi thì biết bao công cụ hiện đại hỗ trợ cách nấu nướng, chế biến nữa chứ”- chị kể.

Đồng thời, với bản tính thích mày mò, lọ mọ, chị Hà Anh cũng thử nghiệm và chia sẻ lại các cách chế biến bánh, thạch mà mình đã áp dụng thành công. Công nghệ đã giúp chị học hỏi rất nhiều thứ. “Rút kinh nghiệm từ việc chỉ nấu nướng đại khái, kiểu “tổ tiên” mách bảo, thì giờ khi chia sẻ với mọi người, mình rèn tính cẩn thận, cân đong đo đếm chính xác, viết bài hướng dẫn tỉ mỉ hơn. Nhờ đó mà một số báo cũng đã biết và liên hệ sử dụng bài viết của mình. Mình còn có thêm thu nhập từ nhuận bút do các báo trả. Cũng nhờ công nghệ, mình thực hiện được những việc mà trước đây có nằm mơ mình cũng không hình dung ra được: Đăng kí và gửi bài dự thi qua mạng các cuộc thi nấu ăn. Mình cũng đạt được vài giải thưởng nho nhỏ, đó chính là động lực to lớn để mình được tiếp tục với niềm yêu thích nấu ăn, mang lại những bữa cơm ngon cho gia đình”.
Cuộc đời “bừng sáng” khi biết thay đổi cùng công nghệ
Sau khi sinh, không ít người mẹ chấp nhận lui về hậu phương, trở thành bà mẹ toàn thời gian để có thể dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Tuy vậy, lựa chọn này khiến không ít chị em mất đi công việc yêu thích, thu nhập bị ảnh hưởng khá nhiều. Đây cũng là lo lắng của rất nhiều người mẹ đang có con nhỏ. Cũng ở trong hoàn cảnh đó, song chị Quỳnh Phương (sống tại Long Biên, Hà Nội) đã tự nhen nhóm lại đam mê của mình và kiếm thêm thu nhập từ chính đam mê đó. 

“Mình rất thích những sản phẩm đan móc thủ công nhưng thật sự có rất ít lớp học trực tiếp và nếu có thì lại quá xa để tham gia. Tuy nhiên khi nhìn xuống chiếc điện thoại thông minh trên tay, mình nghĩ, công cụ để học online của mình đây rồi. Mình bắt đầu tìm kiếm những chia sẻ của những người đi trước về quá trình tự học, xem đi xem lại những clip hướng dẫn cho người mới bắt đầu trên youtube, tập tành mua dụng cụ, nguyên liệu trên những sàn thương mại điện tử. Mình dành hàng giờ để tự học theo những clip trên youtube, từ đơn giản đến phức tạp. Khi thành thạo hơn, mình mua những bài giảng tác quyền với những hướng dẫn chi tiết cụ thể, đồng thời tham gia rất nhiều những group trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Dần dần, những tác phẩm đan móc thủ công của mình ra đời, trình độ và kỹ năng đan móc cũng dần được cải thiện. 

Rồi cũng lại nhờ có công nghệ, những sản phẩm của mình tưởng chừng như làm cho vui, để up khoe trên mạng xã hội lại có nhiều bạn nhắn tin hỏi mua. Và một người mẹ nội trợ toàn thời gian như mình vừa kiếm được tiền, có thêm thu nhập cho gia đình lại vừa được làm công việc mình yêu thích. Đó cũng chính là điều tuyệt vời nhất mà mình mong muốn”- chị Phương tâm sự. 

Nói về người phụ nữ trong thời đại mới, chuyên gia tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, ngày nay tất cả chị em cũng đã ý thức được quyền của mình rất nhiều và biết được vai trò, vị thế của mình phát triển cho cả gia đình, xã hội. Trong bối cảnh số hiện nay, công nghệ đã hỗ trợ chị em cập nhật tri thức, để không chỉ trở thành một người phụ nữ của gia đình, mà còn khẳng định bản thân mình. “Công nghệ đã nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nói chung và phụ nữ nói riêng, giúp họ mở rộng cơ hội tiếp cận nguồn thông tin, tri thức. Dù là những lĩnh vực cần bản lĩnh, trí tuệ trên thương trường hay chỉ là những người phụ nữ bình thường, với những trăn trở trong cuộc sống của mình, thì trong thời hiện đại, chị em nào cũng xứng đáng được thể hiện trí tuệ, tài năng của mình. Khi làm chủ cuộc sống của chính mình, mỗi chúng ta sẽ có một cuộc đời tươi đẹp!”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc cho mọi người

Hạnh phúc cho mọi người

(PNTĐ) - Đó chính là thông điệp chủ đề của Ngày Quốc tế hạnh phúc năm nay. Ngày này cũng là dịp để mỗi người cùng nhau suy ngẫm về ý nghĩa của hạnh phúc, lan tỏa yêu thương và hành động vì hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà.
Mẹ cùng con khám phá Hà Nội qua những chuyến bộ hành

Mẹ cùng con khám phá Hà Nội qua những chuyến bộ hành

(PNTĐ) - Chị Lê Hoàng Minh Nguyệt, năm nay 45 tuổi, giảng viên ĐH Kinh tế quốc dân hiện là mẹ của con gái Nguyệt Linh, tên thường gọi ở nhà là Thỏ năm nay 17 tuổi và con trai Bình Minh, tên gọi ở nhà là Gấu, 13 tuổi. Nhiều năm qua, đều đặn hàng tháng, chị Nguyệt lại cùng các con thực hiện 1-2 chuyến bộ hành khám phá Hà Nội.
Cha mẹ dạy con kỹ năng sống

Cha mẹ dạy con kỹ năng sống

(PNTĐ) - Cha mẹ không thể luôn đi bên con suốt cuộc đời, nhưng nếu trang bị cho con các kỹ năng sống cần thiết, con sẽ tự tin bước vào thế giới với sự linh hoạt, trách nhiệm và khả năng thích nghi. Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu, giáo viên dạy Kỹ năng sống tại Trung tâm Kỹ năng KTC với các cha mẹ là độc giả của Phụ san Đời sống gia đình.