Đừng “khoán trắng” cha mẹ cho dịch vụ báo hiếu

Chia sẻ

Con cái báo hiếu dịch vụ không sai nhưng cái sai trong việc này là không ít con cái đã "khoán trắng" cha mẹ cho dịch vụ khi già cả, ốm đau, bệnh tật. Chữ hiếu xuất phát từ cái tâm của con cái theo đó cũng giảm dần.

Đừng “khoán trắng” cha mẹ cho dịch vụ báo hiếu - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Con rảnh nhưng không muốn chăm cha mẹ

Câu chuyện con cái thuê dịch vụ để chăm sóc cha mẹ trong thời hiện đại đã trở nên phổ biến. Ở một góc độ nào đó, đây còn là xu hướng chung và đang được giới trẻ bình thường hóa trong cuộc sống. Nhiều người vẫn cho rằng con cái bận rộn không có thời gian chăm sóc cha mẹ nên mới thuê giúp việc, đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão. Nhưng tôi thấy, bên cạnh bộ phận con cái eo hẹp thời gian, bận làm ăn nuôi sống gia đình, vẫn còn không ít người có điều kiện chăm sóc bố mẹ nhưng vẫn "khoán trắng" cho các dịch vụ báo hiếu.

Câu chuyện của anh ruột tôi là một ví dụ điển hình. Dù anh chị tôi có 3 người con (2 con trai, 1 con gái), nhưng về già lại sống độc lập với con cái. Vì các con không muốn sống với cha mẹ để tránh mâu thuẫn giữa các thế hệ nảy sinh. Lúc khỏe mạnh, anh chị tôi tự chăm sóc lẫn nhau. Đến khi chị dâu tôi đổ bệnh, anh tôi già cả không còn chăm sóc nổi vợ nên rất cần con cái thể hiện đạo hiếu trong việc phụng dưỡng cha mẹ già. Mong muốn của anh chị là 1 trong 2 con trai về sống chung, nhưng cả hai đều từ chối. Sau đó, các cháu tôi bàn nhau góp tiền thuê giúp việc chăm sóc cha mẹ. Ban đầu, chỉ thuê 1 người giúp việc lo cơm nước, dọn dẹp hàng ngày. Khi chị dâu tôi phải nằm viện dài ngày, chúng thuê thêm 1 người nữa chăm sóc bà ở bệnh viện.

Kể từ khi thuê 2 người giúp việc, các con anh "khoán trắng" cha mẹ cho họ luôn. Ngày nghỉ, cuối tuần, thay vì về nhà thăm hỏi, quây quần với cha mẹ thì cặp vợ chồng nào cũng bàn tính chuyện đi du lịch, dã ngoại nghỉ ngơi. Trên facebook của chúng, lúc nào cũng đăng tải các hình ảnh check-in ở các địa điểm du lịch, khu vui chơi, quán cà phê, nhà hàng. Một lần đến thăm anh chị, tôi nghe anh phàn nàn rằng nửa năm nay họ chưa gặp mặt đứa con, đứa cháu nào. Chúng chỉ gọi hỏi thăm qua điện thoại, còn lại giao phó hết cho giúp việc.

Cả 3 đứa con trai, gái của anh đều sống gần nhà cha mẹ. Đứa làm công sở, đứa buôn bán kinh doanh tại nhà. Nhìn chung, chúng không đến nỗi không có thời gian và điều kiện để sống cùng và chăm sóc bố mẹ. Thế nhưng chẳng đứa nào muốn trực tiếp thực hiện nghĩa vụ đó. Đứa nọ nhìn đứa kia, ai cũng sợ nặng gánh, không công bằng trong việc phân chia trách nhiệm báo hiếu. Giải pháp cuối cùng là bỏ tiền ra thuê giúp việc, số tiền đó chia đều nên "công bằng" cho tất cả.

Trong sâu thẳm những người cha, người mẹ như vợ chồng anh trai tôi, dịch vụ báo hiếu có tốt đến mấy thì vẫn không bằng các con. Dù sự chăm sóc trực tiếp của các con có vụng về, thiếu sót nhưng đi kèm theo đó là hơi ấm tình thân, là sự kết nối giữa cha mẹ và con cái. Một sự kết nối thiêng liêng không dịch vụ nào có thể mang lại được.

Nguyễn Thị Hoa
(Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội)

1 mẹ nuôi được 10 con, sao 10 con không chăm sóc nổi 1 mẹ?

Khi bàn tới vấn đề báo hiếu cha mẹ, câu chuyện về “1 mẹ nuôi được 10 con”, nhưng “10 con không chăm sóc nổi 1 mẹ” vẫn được nhắc nhiều trong cuộc sống. Do đó, tôi nghĩ, trong việc báo hiếu cha mẹ nếu con cái thể hiện sự hi sinh bản thân giống như cách mà cha mẹ đã từng hi sinh để nuôi nấng con cái, thì câu chuyện dịch vụ báo hiếu sẽ không phải bàn đến ở góc độ đúng hay sai?

Khi cha mẹ sinh con ra, nuôi con khôn lớn, thành đạt, đó là niềm hạnh phúc của họ. Vì xem con cái là niềm hạnh phúc nên cha mẹ quên đi những mệt nhọc trong cuộc sống, thậm chí, họ quên cả những cay đắng đoạn trường gặp phải. Với họ không có niềm hạnh phúc nào bằng con cái, vì con họ có thể hi sinh mọi thứ, kể cả tính mạng để con được sống khỏe mạnh. Đó là lý do mà trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta vẫn thường được chứng kiến những câu chuyện "cổ tích" về tình mẫu tử như câu chuyện những người mẹ ung thư từ chối điều trị, chấp nhận đau đớn trong 9 tháng 10 ngày mang thai để đứa con được sinh ra. Những người cha, người mẹ nhịn ăn, nhịn mặc, sống trong ống cống, gầm cầu… lăn lộn kiếm tiền nuôi con ăn học.

Nhưng con cái thì sao? Thực tiễn cho thấy, con cái không xem việc chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ là niềm hạnh phúc của mình, mà là gánh nặng. Một khi đó là gánh nặng thì ai cũng muốn đặt nó xuống, hoặc nếu có phải gánh thì cũng phải tìm mọi cách để giảm bớt tối đa. Và, cái cách để giảm bớt gánh nặng đó chính là đùn đẩy cho anh, chị em khác trong nhà, hoặc dùng dịch vụ báo hiếu. Đây là nguyên nhân của những câu chuyện con cái chia lịch từng tháng, từng năm chăm sóc cha mẹ, hay cha mẹ bị con cái bỏ rơi khi về già, bị con cái bạo hành, ngược đãi lúc đau ốm, bệnh tật…

Tôi nghĩ nếu con cái cũng xem việc phụng dưỡng chăm sóc cha mẹ là niềm hạnh phúc thì sẽ không tính toán thiệt hơn, khắc phục mọi khó khăn, để chữ hiếu luôn được tỏa sáng đúng nghĩa.

Nguyễn Thị Tâm
(TDP số 3, Mễ Trì Thượng, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.