Đường về chờ ba

Chia sẻ

Nhận được tin nhắn của con gái, cả đêm ông không ngủ khi nghĩ đến con đường về nhà ngày mai. Gần 30 năm trước, khi ông rời khỏi nơi đó, chẳng bao giờ nghĩ một ngày sẽ quay trở lại.

Đường về chờ ba - ảnh 1 (Ảnh: Minh họa)

Gả chồng xong cho đứa con gái, nhiệm vụ của bà đã hoàn thành. Sau đám cưới của con, căn nhà bỗng trống vắng đến lạ. Ngày nào, bà cũng đi ra đi vào cố tìm việc gì đó để làm, chẳng dám ngồi yên một chỗ, sợ nỗi nhớ con ùa về xâm chiếm. Thế nhưng, ngày thì có việc để làm, còn đêm xuống, muốn làm cũng chẳng biết làm gì? Bà buộc phải đối diện với thực tại. Đêm đã khuya, vợ chồng con trai gọi điện về thuyết phục mẹ lên phố ở cùng với chúng. "Em gái lấy chồng rồi, bọn con không muốn mẹ sống một mình. Mẹ chuyển lên đây sống cùng con cháu cho vui vầy…", "Để mẹ tính đã, còn nhà cửa, vườn tược nữa. Ở quê, mẹ còn nhiều nghĩa vụ với ông bà tổ tiên"... Từ ngày con gái đi lấy chồng, đêm nào vợ chồng con trai và bà cũng nói đi nói lại vấn đề này qua điện thoại. Bà biết con cái hiếu thảo không muốn mẹ sống cô đơn một mình ở quê, nhưng điều kiện của bà chưa thể lên phố sống lúc này.

Đứa con gái đi nghỉ tuần trăng mật xong về quê thăm mẹ. Thấy bà thui thủi một mình, nó cứ lần thần mãi. Rồi, nước mắt mẹ, nước mắt con cứ thi nhau lăn dài. Nó là đứa con gái sống tình cảm, thương chẳng bao giờ để trong lòng mẹ. "Mẹ chẳng chịu lên sống cùng anh chị, con thì lấy chồng xa…". Vừa nói nó vừa khóc như trẻ lên ba khiến bà phải dỗ dành mãi. "Mẹ sống ở đây có hàng xóm, họ hàng. Con xem, ngày nào chẳng có người qua lại”. "Hay, mẹ cho ba một con đường về đi. Giờ, ba sẽ bù đắp lại cho mẹ?". Nghe con gái nói, bà sững người, bởi chưa bao giờ nghĩ đến điều đó.

Nỗi đau gần 30 năm được bà chôn chặt trong lòng bỗng chốc tái hiện. Hôn nhân đang hạnh phúc yên ổn thì bỗng dưng sóng gió nổi lên khi một ngày ông về nhà thú nhận với bà đã có người phụ nữ khác và muốn ly hôn. Ngày đó, bà nghĩ cho hai đứa con còn nhỏ nên quyết không đồng ý, cố van nài ông đừng phá bỏ gia đình. Nhưng, ông như ăn phải bùa mê, kiên quyết dứt áo ra đi. Bà đau khổ suy sụp một thời gian rồi gượng dậy để nuôi con.

Nhà không có người đàn ông trụ cột, ba mẹ con níu giữ nhau trong mái ấm đơn thân. Con cái hiểu chuyện thương mẹ nên bà đỡ bận lòng. Hai đứa trẻ chấp nhận thiệt thòi khi thiếu vắng sự chăm sóc, quan tâm của người cha. Mỗi bữa cơm, ba mẹ con ngồi ăn với nhau kể đủ mọi thứ chuyện trên đời, chỉ trừ những câu chuyện liên quan đến người cha.

Thời gian như liều thuốc chữa dần những vết thương trong lòng bà. Ngày con trai cưới vợ, nó thỏ thẻ với bà rằng ba nó gọi điện muốn về dự đám cưới của con. Bà lặng đi trong chốc lát, rồi gật đầu vì nghĩ âu cũng là quyền của ông ấy và con cũng đỡ tủi thân với người ta. Ông về, sánh vai bên bà như một cặp vợ chồng hạnh phúc trong ngày cưới của con. Lòng bà vẫn lạnh trong ánh mắt nửa hối lỗi, nửa đượm tình của ông. Sau ngày cưới con trai, ông có nhắn tin, gọi điện mấy lần nhưng bà không hồi đáp. Bà nghĩ giờ họ đã đi trên hai con đường khác nhau, chẳng nên gặp nhau nữa làm gì.

Tới lúc đám cưới con gái, ông lại về và sánh bước bên bà trong hôn trường. Hai bức ảnh chụp trong hai đám cưới của con trai và con gái được phóng to treo ở phòng khách. Mỗi lần nhìn nó, bà lại nén tiếng thở dài. Hai đứa con thấy mẹ vẫn chưa gỡ bỏ được nỗi đau trong quá khứ nên chẳng dám nói chuyện của ông cho bà biết. Hóa ra, người đàn bà mà ông chạy theo bỏ mẹ con bà cuối cùng cũng bỏ ông ra đi. Nhiều năm nay, ông sống một mình, lòng hướng về bà với nỗi niềm hối hận không nguôi. Ông ngỏ ý muốn về lại ngôi nhà xưa, nhưng hai đứa con sợ nỗi đau của mẹ không buông bỏ được sẽ lại nhức nhối thêm, nên im lặng.

Một chiều mưa, bà bị cảm, huyết áp tụt, mọi thứ tối sầm trước mắt. Trong lúc nửa tỉnh nửa mơ, bà có cảm giác đôi tay vạm vỡ của người đàn ông đang đỡ mình khi ngã xuống. Tỉnh dậy trong bệnh viện, bà thấy ông ngồi bên cạnh. Như một phản xạ, bà quay lưng lại để khỏi nhìn thấy ông. Thấy vậy, ông kêu con gái vào chăm mẹ rồi lặng lẽ rời đi. Hôm đó, con trai và con gái nói với bà nhiều về ông, rằng bao nhiêu năm nay chúng đã âm thầm tha thứ cho ông rồi. Chúng muốn những ngày tháng sau này của bà có ông chăm sóc, chia sẻ, đền bù lại những năm tháng lỗi lầm kia. Bà im lặng nhưng lòng đã mở ra sau những năm tháng dài khép chặt. Hôm đó, ông cũng nhận được tin nhắn của con gái: "Chúc mừng ba, đường về đã mở cho ba rồi đó".

 NGUYỄN HUYỀN

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.