Gái có công, chồng vẫn phụ

Mai Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) - Biết chuyện của vợ chồng Thảo, bố mẹ chồng cô ra sức khuyên cô nghĩ lại, cố gắng giữ gia đình cho hai đứa con nhỏ. Song nghĩ đến những gì chồng đối xử với mình Thảo lại không thể tha thứ.

Học hết đại học, Thảo bế bụng bầu về ép bố mẹ tổ chức đám cưới. Bạn trai cô lúc đó ra trường trước cô 1 năm nhưng chưa có nghề nghiệp gì. Nhà hai đứa lại cách nhau hơn 100km nên bố mẹ Thảo phản đối kịch liệt. Ông bà không muốn con gái khổ vì đi lấy chồng xa. Cả phía nhà anh cũng không mặn mà vì Thảo chưa công ăn việc làm, lại thêm bầu bí thì gia đình sẽ phải nuôi cả con trai, con dâu và cháu nội. Thế nhưng cả Thảo và người yêu trẻ người non dạ, chẳng lường trước tương lai nên cứ đắm đuối chạy theo tiếng gọi tình yêu, nhất quyết lấy nhau nên cha mẹ đôi bên đành nín nhịn tác thành.

Quãng thời gian đầu ở với nhau chồng Thảo cũng ngọt ngào lắm, lại chiều chuộng đủ đường, cứ có tiền là cho Thảo thích mua gì thì mua. Gia đình bên chồng cũng có điều kiện lại ở chung nên vợ chồng Thảo không phải đóng tiền sinh hoạt hàng tháng. Thảo cảm thấy mình may mắn. Cô lại nhớ những câu truyện ngôn tình trên mạng, rằng kiểu "người đàn ông có 10 đồng thì cho bạn cả 10 là trái tim họ đặt nơi bạn" nên cứ nghĩ số mình may mắn gặp được chồng và gia đình chồng tốt bụng.

Gái có công, chồng vẫn phụ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Thảo cũng không vì thế mà ăn bám nhà chồng. Khi con cứng cáp, Thảo xin đi làm, vừa để tự do tài chính, cũng vừa muốn chứng minh cho bố mẹ đẻ yên tâm rằng cô “nói được làm được”. Chẳng là trước khi cưới, Thảo bảo bố mẹ: “Con chỉ lấy người con yêu. Tiền con tự kiếm ra, không phụ thuộc bất cứ ai”.

Vợ chồng cùng cày cuốc ngày đêm kiếm tiền. Ít năm kết hôn 2 vợ chồng cuối cùng cũng mua được nhà ra ở riêng dù bố mẹ chồng vẫn muốn vợ chồng Thảo ở cùng. Cuộc sống tuy chưa giàu có nhưng cũng khiến nhiều người phải nể phục. Thậm chí bố mẹ Thảo cũng phải công nhận rằng Thảo là đứa nói được làm được.

Chồng Thảo tuy yêu Thảo nhưng lại có tính sĩ diện rất cao và vô tâm với vợ con. Vì để tiết kiệm tiền, Thảo vừa nhận làm đủ mọi việc, vừa một tay trông con thơ. Thảo chẳng dám mua sắm bất kỳ thứ gì cho bản thân, có đồng nào, Thảo lo cho con và gửi tiết kiệm. Dù ông bà nội ngoại 2 bên cũng hỗ trợ nhưng nhận mãi cũng ngại nên Thảo bảo cha mẹ đôi bên không phải hỗ trợ nữa vì vợ chồng cô tự lo được cuộc sống. Ngoảnh đi ngoảnh lại con của Thảo đã học lớp 2. Vợ chồng Thảo bàn nhau đẻ đứa nữa cho bọn trẻ có chị có em. Vậy là Thảo quyết định mang bầu lần 2. Tính cô vẫn tiết kiệm như trước, vẫn tự tay chăm con mà không thuê người làm. Chồng cô dạo đó ít việc nên toàn loanh quanh ở nhà ngủ với chơi game. Thi thoảng nhờ pha được cốc sữa cho con thì cau có khó chịu, việc nhà anh cũng ỷ lại không chịu làm. Thảo biết tính chồng nên cũng nhẫn nhịn cho êm ấm nhà cửa.

Gái có công, chồng vẫn phụ - ảnh 2
Ảnh minh họa

Ít lâu sau, chồng Thảo kiếm được việc lái xe đường dài. Thế là thời gian chồng Thảo ở bên ngoài nhiều hơn ở nhà. Hàng ngày một mình với hai đứa trẻ, mọi việc lớn nhỏ đều đến tay Thảo. Cô không còn nhớ bao lâu rồi mình chưa được mặc đẹp, đi chơi, hay đơn giản là thảnh thơi nằm nghe một bản nhạc mà cô yêu thích. Những bộ váy áo đẹp, Thảo cất sâu dưới đáy tủ. Ông bà nội ở gần, nhưng tính Thảo ngại phiền hà nên hãn hữu lắm cô mới nhờ ông bà tới giúp. Còn lại, Thảo đều cố gắng chu toàn mọi việc.

Song, trong con mắt của chồng Thảo, từ lúc nào, Thảo đã hóa thành người vợ đểnh đoảng, vụng về mọi mặt. Chồng Thảo không những không thông cảm, thấu hiểu cho vợ mà đi xa thì chớ, mỗi lần về nhà là lại hạch sách. Khi thì chồng chê Thảo để nhà cửa bừa bãi, lúc phê phán Thảo thiếu kỹ năng chăm con để con ốm yếu. Rồi anh cũng “đánh tiếng” Thảo xấu, Thảo già cẩn thận mà bị chồng chán, chồng chê.

Thảo nghe chồng nói vậy mà buồn phát khóc. Thời gian nằm không, lướt điện thoại rồi chê trách vợ, nếu biết nghĩ ra, chồng Thảo có thể làm giúp vợ biết bao việc nhà. Thế mà chỉ một câu nói: “Em nghỉ đi để việc đó anh lo” chưa bao giờ Thảo được nghe từ chồng.

Thảo bỗng nhớ lại hồi còn đang yêu, chồng Thảo còn thề thốt sau này, dù em có xấu mấy cũng vẫn yêu thương che chở, cùng em nuôi con lớn và sống hạnh phúc đến hết đời. Đúng là miệng lưỡi đàn ông...

Nỗi đau của Thảo còn lớn hơn khi một ngày, cô phát hiện chồng mình ngoại tình. Thì ra, trong thời gian chồng cô đi lái xe bên ngoài, lúc xa vợ, chồng Thảo đã không thoát khỏi cám dỗ. Khi Thảo đang mang bầu đứa thứ hai, anh viện cớ để cô được nghỉ ngơi nên ngủ riêng ngoài ghế sofa, anh còn cài mật khẩu điện thoại.

Có lần Thảo thắc mắc thì anh nói điện thoại làm ăn sợ có lúc quên nhỡ ai nhặt được thì phiền nên Thảo cũng không hỏi nữa. Thảo không biết rằng, chồng cô đã cặp kè một người hơn anh ta 3 tuổi. Chị ta làm kế toán trên Hà Nội nên thường xuyên thuê xe của chồng Thảo để đi về. Người phụ nữ đó giàu có, chỉ thiếu thốn tình cảm. Chị ta chiều chuộng chồng Thảo, rồi lúc nào cũng váy áo xinh tươi, khác hẳn vẻ ngoài xộc xệch của Thảo.

Gái có công, chồng vẫn phụ - ảnh 3
Ảnh minh họa

Sau khi chị ta gửi ảnh cho Thảo, Thảo lén lấy điện thoại của chồng rồi tự tìm mật khẩu. Mở tin nhắn zalo trong điện thoại của anh, đoạn chat của chồng cô và người phụ nữ kia hiện lên ngay đầu tiên. Cố giữ bình tĩnh, cô từ từ kéo lên đọc những dòng tin nhắn yêu thương mà hai người nhắn cho nhau. Càng đọc Thảo càng cảm thấy uất ức, tủi thân. Ngẫm nghĩ lại Thảo thấy thời gian gần đây, anh hay nói dối.

Có lần anh nói đi làm nhưng thực chất là chở chị ta lên thành phố. Trong nỗi đau bị phản bội, Thảo quyết định ly hôn với chồng. Thấy Thảo làm căng, chồng Thảo tìm mọi lý lẽ để thanh minh nhưng Thảo đã không còn tin mấy lời bao biện của đàn ông ngoại tình. Cô cho rằng, người có bản lĩnh, sống có trách nhiệm sẽ không dễ dàng bị cám dỗ.

Mặc cho bố mẹ chồng ra sức khuyên giải, mong Thảo cho chồng một lối quay về, Thảo vẫn kiên quyết. Thảo nghĩ lại quãng thời gian kết hôn vừa qua, số ngày hạnh phúc của cô thật ngắn ngủi. Rồi cô ân hận tự nhủ với bản thân, bất hạnh này một phần cũng do cô mà ra. Đầu tiên, cô đã bị tình yêu làm mờ mắt mà không tìm hiểu kỹ người mình định lấy làm chồng. Rồi cái thai càng khiến cô mất đi sự tỉnh táo.

Rồi sau đó, cô đã chỉ nghĩ đến việc lo cho gia đình, hy sinh vì con mà quên yêu thương bản thân. Cô chấp nhận trở thành một phụ nữ xấu xí, đầu tắt mặt tối trong mắt mọi người. Giá như được làm lại, Thảo sẽ không chọn một cách sống như thế và một cuộc hôn nhân như thế.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.