Gia đình được vận hành bởi bộ luật đặc biệt – “Luật yêu thương”

Chia sẻ

Trong xu thế hội nhập toàn cầu, gia đình có nhiều cơ hội để phát triển văn minh tiến bộ hơn, nhưng cũng phải đối diện với những thách thức lớn. Làm thế nào để những giá trị tốt đẹp của gia đình vẫn được giữ gìn, phát huy trong sự biến đổi - mặt trái của cơ chế thị trường là thách thức không nhỏ hiện nay.

Chuyên gia Đinh Đoàn (thứ 3 từ phải qua) – chụp ảnh lưu niệm trong một lần làm báo cáo viên nói chuyện chuyên đề về gia đình (NVCC)Chuyên gia Đinh Đoàn (thứ 3 từ phải qua) – chụp ảnh lưu niệm trong một lần làm báo cáo viên nói chuyện chuyên đề về gia đình (NVCC)

Nhân kỷ niệm 20 năm ngày Gia đình Việt Nam, báo Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia tư vấn - tâm lý Đinh Đoàn (người đã từng tham gia thực hiện nhiều dự án về giáo dục gia đình, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản học đường) về những vấn đề mà gia đình đang đối diện hiện nay.

- Gia đình Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại đang có nhiều biến đổi. Sự biến đổi đó do sự tác động của bên ngoài lẫn bên trong. Theo ông, sự biến đổi ấy đã mang lại những góc sáng cũng như những mảng tối nào đối với gia đình Việt?

- Gia đình là tế bào của xã hội, nên xã hội thay đổi, gia đình cũng thay đổi theo. Sự thay đổi ấy tạo ra những mặt tích cực mà chúng ta dễ dàng nhìn thấy. Gia đình Việt Nam hiện nay nhỏ gọn hơn, ấm no hơn (nếu chưa dám nói đến khá giả và sung túc); Bình đẳng hơn giữa vợ và chồng, giữa thế hệ trước và thế hệ sau; Tiến bộ, hiểu biết hơn, được học hành đầy đủ hơn; Các thành viên trong gia đình được tự do, độc lập hơn khi giải quyết những vấn đề của cá nhân, không bị các thành viên khác can thiệp, áp đặt độc đoán như trước đây…

Bên cạnh góc sáng, sự biến đổi cũng mang lại mảng tối như các mối quan hệ gia đình lỏng lẻo hơn, tình trạng bạo lực gia đình gia tăng theo các hình thức phức tạp, chức năng tình cảm trong gia đình không còn chặt chẽ như xưa, bữa cơm gia đình nơi kết nối yêu thương của gia đình cũng vắng bóng dần…

- Xu hướng hạt nhân hóa đang trở nên phổ biến ở Việt Nam và làm cho nam nữ trở nên bình đẳng hơn. Đáng kể nhất là việc giải phóng phụ nữ, họ được đối xử bình đẳng và có nhiều điều kiện để phát triển, nâng cao vị thế xã hội của mình. Vậy, chúng ta có nên ủng hộ xu hướng hạt nhân hóa gia đình thay cho mô hình gia đình truyền thống không?

- Đúng là gia đình Việt Nam đang phát triển theo xu hướng “hạt nhân hoá”. Ngày càng có nhiều gia đình, không chỉ là những gia đình trẻ, chọn lựa lối sống nhỏ gọn. Xã hội phát triển nhanh, năng động, những gì là cồng kềnh đều làm chậm bước đi của xã hội, dễ bị thui chột dần. Đó là lý do chúng ta thấy sự phát triển theo hướng hạt nhân hoá là phù hợp xu thế thời đại. Xu thế này trở thành xu thế chung của toàn nhân loại.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu văn hoá vẫn thấy nuối tiếc mô hình “tứ đại đồng đường”. Xã hội sẽ vẫn còn kiểu gia đình này, nhưng chỉ còn như một “mái lá” lọt thỏm giữa “khu biệt thự” sang trọng mà thôi.

- Một trong những vấn đề mà gia đình đương đại đang phải đối mặt đó là sự tác động quá mạnh mẽ của công nghệ. Trong nhiều gia đình, công nghệ đang khiến mối quan hệ giữa các thành viên, cũng như các chức năng gia đình trở nên "ảo dần". Ông đánh giá thế nào về điều này?

- Công nghệ mang lại cho chúng ta quá nhiều thuận lợi và tiện ích, nhưng nó cũng kéo theo một số phiền phức như: Con người phụ thuộc vào công nghệ quá nhiều, ít tương tác trực tiếp với nhau, “sống ảo” nhiều hơn sống thật. Cảnh gia đình ngồi bên nhau mà ai cũng “cúi đầu”, lặng lẽ với chiếc điện thoại… đã trở nên khá phổ biến. Chúng ta, từ cấp độ cá nhân, đến cấp độ quản lý toàn xã hội, nếu biết lo lắng cho sự lỏng lẻo, ảo hoá trong mối quan hệ giữa người với người thì phải có những biện pháp cải thiện cuộc sống thực.

Người ta sống ảo một phần vì cuộc sống thật không vui vẻ, sống động, đa dạng như cuộc sống công nghệ. Chúng ta mắng mỏ trẻ nhỏ chỉ biết đam mê điện thoại, nhưng nhiều đứa trẻ sẽ hỏi lại người lớn rằng: “Thế ngoài chuyện học, học ra, con còn có thể xem gì, nghe gì, làm gì ạ?”. Nhiều người lớn cũng thừa nhận: “May có cái công nghệ nó phát triển, chứ không… cuộc sống tẻ nhạt, khó quản con cái”. Chính sự ứng xử và vận dụng công nghệ sai cách của chúng ta đã khiến cho gia đình rơi vào cảnh “sống ảo” thay vì sống thật với nhau.

- Có nhiều ý kiến cho rằng, giá trị đạo đức trong gia đình Việt đang có trình trạng xuống cấp, thậm chí có hiện tượng xuống cấp trầm trọng khi đạo hiếu đang bị biến đổi, các mối quan hệ trong gia đình không được coi trọng. Nguyên nhân dẫn đến điều này là do hệ thống luật pháp, chính sách về gia đình của chúng ta vẫn còn bất cập? Điều này có đúng không, thưa ông?

- Nói như vậy là “vơ đũa cả nắm” vì hệ thống luật pháp, chính sách về gia đình của chúng ta đã khá đầy đủ. Dù thực tiễn có một số điều luật vẫn còn bất cập khi đi vào cuộc sống, cần phải hoàn thiện và bổ sung để phù hợp hơn. Nhưng nhìn nhận kỹ, chúng ta thấy những giá trị đạo đức gia đình vẫn được giữ gìn, coi trọng. Xã hội vẫn tôn vinh những gia đình hiếu thảo, mẫu mực. Nhiều chính sách của Nhà nước tập trung xây dựng gia đình văn minh, tiến bộ. Vì vậy, hiện nay con cái khá giả, có điều kiện chăm sóc sức khoẻ, chữa bệnh cho bố mẹ tốt hơn trước đây. Trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tốt hơn, có nhiều điều kiện để phát triển toàn diện.

Tất nhiên, dưới tác động của mặt trái xã hội, vẫn còn có những gia đình cha mẹ già bị con cái bỏ rơi, anh chị em tranh giành nhau đất đai, thừa kế, dẫn đến huynh đệ tương tàn, con cái hư hỏng, ông bà cha mẹ thiếu mẫu mực, bạo lực gia đình vẫn còn… Bên cạnh trông đợi sự thay đổi của hệ thống pháp luật, mỗi cá nhân, mỗi gia đình tự giáo dục nhau để chúng ta có một tổ ấm an toàn hơn, hạnh phúc hơn. Vì lẽ ra, gia đình là nơi mà “ít phải dùng” đến pháp luật nhất, bởi ở đó có vận hành một bộ luật đặc biệt - “Luật yêu thương”!

- Dưới góc nhìn xã hội học, sự biến đổi của gia đình là tất yếu, không thể tránh khỏi của xu hướng toàn cầu hóa. Theo ông, những giải pháp nào để mô hình gia đình mới hiện nay sẽ thay thế được mô hình gia đình truyền thống cũ mà vẫn giữ được những giá trị tốt đẹp truyền thống, đồng thời phát huy được những thế mạnh, tích cực của thời hiện đại?

- Một là tăng cường sự quan tâm, ý thức trách nhiệm đối với nhau. Khi đã “có lòng” với nhau thì dù có ở hai nhà khác nhau, con cái vẫn chăm sóc, quan tâm tới bố mẹ được, bố mẹ vẫn nắm được tình hình của các con, cháu. Thứ hai, các gia đình thực hiện phương châm “không cùng nhưng gần”, “cùng mà vẫn riêng”. Nghĩa là, khi con cái lấy vợ, lấy chồng, không muốn ở cùng với bố mẹ, nhưng có mua nhà, làm nhà, hãy làm gần, mua gần bố mẹ để tiện đi lại thăm nom, hỗ trợ nhau khi cần thiết. Nếu các thế hệ vẫn sống trong cùng ngôi nhà, hãy duy trì một số sinh hoạt chung, còn lại phải riêng tới mức tối đa để hạn chế sự bất đồng, mâu thuẫn, ảnh hưởng tới không khí gia đình chung.

Thứ ba, cha mẹ có ý thức tích luỹ, giữ cho mình sự độc lập về tài chính khi về già để không làm gánh nặng cho con cái. Con cái cũng cần học tập vươn lên, chủ động có cuộc sống độc lập để không phải phụ thuộc nhiều vào cha mẹ. Khi ấy, sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương sẽ là “thực lòng”, chứ không bị vấn đề tài chính chi phối. Cuối cùng, hệ thống an sinh xã hội phải phát triển để có thể đáp ứng được nhu cầu của thiết chế gia đình hiện đại.

- Trân trọng cảm ơn ông!

THU HÀ

 

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.