Gia đình nhiếp ảnh gia 4 đời lưu giữ ký ức Hà Nội
(PNTĐ) - Trong nhiều thập niên, phố Hàng Khay, đối diện hồ Hoàn Kiếm đã trở thành một “phố nhiếp ảnh” của Hà Nội. Nằm trên con phố ấy có hiệu ảnh Phương Đông đã hoạt động được 70 năm, nối tiếp qua 4 thế hệ. Gia sản lớn nhất của họ là những âm bản hình ảnh Hà Nội từ những năm 1950 và vô vàn bức ảnh về vẻ đẹp của Thủ đô ngàn năm tuổi.
“Truyền thống gia đình luôn khiến tôi tự hào và hãnh diện”
Từ cụ ngoại, đến ông ngoại, sau đó là mẹ nối tiếp và đến giờ, anh Lê Anh Dũng (29 tuổi) theo đuổi và gìn giữ nghề nhiếp ảnh - một truyền thống quý báu của gia đình. Theo lời kể của anh Dũng, anh có cụ ngoại là nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Hách, một trong những người trong Ban liên lạc nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Sau thời gian phụ giúp bố mình, ông ngoại anh Dũng cũng theo đuổi nghề nhiếp ảnh. Đam mê ấy tiếp tục được truyền lại cho mẹ anh, đến thời của bà, đó là thời kỳ chuyển giao và phát triển hưng thịnh nhất của nghề ảnh ở Hà Nội.
“Vào thời điểm đó, ở Hà Nội số lượng người theo nghề nhiếp ảnh rất ít vì để theo đuổi được nghề này thì phải bỏ ra chi phí rất đắt đỏ. Bởi vậy, mình có thể cảm nhận được niềm đam mê nhiếp ảnh của cụ, của ông và của mẹ mình lớn như thế nào mới có thể giữ nghề qua bao thăng trầm. Đó cũng là nguyên nhân khiến mình yêu chiếc máy ảnh, yêu những thước phim, tấm ảnh từ lúc nào không hay”- anh Dũng kể. Vì thế, anh Dũng khi đang theo học ngành kinh tế đã rẽ hướng sang nhiếp ảnh.
Căn nhà của đại gia đình ở phố Hàng Khay như một Hà Nội xưa giữa lòng Hà Nội hiện đại, náo nhiệt. Trong kho tư liệu gia đình còn giữ lại nhiều âm bản hình ảnh Hà Nội từ những năm 1950. Các tư liệu quý ghi lại nét đẹp của Hà Nội xưa đều được gia đình lưu giữ rất cẩn thận, trân quý. Có thể kể đến những tấm ảnh được chú thích rất rõ ràng như: Nghệ sỹ nhiếp ảnh Văn Hách đứng cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp được đón tiếp Người tại Hợp tác xã ảnh Phương Đông vào thập niên 60; cảnh giao thương trên phố cổ vào đầu những năm 1950; chiếc xe đạp máy trên phố cổ thập niên 50; phố cổ Mã Mây đầu những năm 1980; cửa hàng kem Tràng Tiền năm 1993; chợ Tết Hà Nội năm 1995; các nhiếp ảnh gia tại cầu Thê Húc, hồ Hoàn Kiếm những năm 1990…
Mỗi tấm ảnh là một phần ký ức. Cùng với lưu giữ ký ức, anh Lê Anh Dũng thường xuyên được nghe những câu chuyện và kỷ niệm được mọi người trong gia đình truyền lại. Những năm 1980 và 1990, nghề ảnh rất được tôn trọng. Mỗi khi đi chụp đám cưới về, thợ ảnh đều có một gói quà tình cảm từ gia đình, đôi khi chỉ là chút bánh kẹo. Mỗi dịp Tết đến, gia đình làm việc gần như không nghỉ vì phải soạn ảnh, cắt phim cho vào từng túi để trả khách.
“Ngày ấy giá phim rất đắt. Muốn chụp, người chụp phải đặt lịch trước, có khi cả năm, chọn luôn phim màu hay đen trắng. Kỹ thuật chụp ảnh cũng không được đào tạo phổ biến, chủ yếu là tự mày mò học”- anh Dũng kể và càng thêm trân trọng nghề “gia truyền”.
Gìn giữ vẻ đẹp Hà Nội theo cách của người trẻ
Cùng yêu mến lịch sử Hà Nội và thích nhiếp ảnh, năm 2019, anh Lê Anh Dũng cùng nhà giáo về hưu Trí Dũng đã sáng lập nên nhóm “Ảnh Hà Nội xưa”, nhằm tạo ra một môi trường chia sẻ ảnh về Hà Nội. Diễn đàn có hàng trăm nghìn thành viên, đón nhận được rất nhiều sự quan tâm. Nhiều bức ảnh được gửi chia sẻ, gợi nhớ về một Hà Nội đã xa. Đa phần các thành viên là người lớn tuổi, sinh sống ở Hà Nội. Mọi người đều am hiểu sâu sắc về phong tục tập quán, nét sinh hoạt, các địa danh, đường phố Hà Nội xưa…
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), nhiếp ảnh gia Lê Dũng muốn tiếp nối hành trình gia đình trong việc ghi lại khoảnh khắc đẹp của Hà Nội. Cùng một cộng sự khác, cũng bằng tình yêu Hà Nội, hai người quyết định dành thời gian thực hiện bộ ảnh “100 năm với những thế hệ người yêu Hà Nội”. Họ tìm gặp những con người yêu Hà Nội sinh ra từ năm 1930 đến năm 2000 để ghi lại những câu chuyện thú vị và chụp hình họ bằng máy ảnh phim. Họ đã dành ra 16 tháng để chọn lựa và tìm gặp những nhân vật phù hợp.
“Tất cả các mối quan hệ được tận dụng tối đa, thêm mấy phần may mắn, hai anh em gặp được nhiều nhân vật gắn bó và cống hiến cho Hà Nội ở nhiều lĩnh vực khác nhau thuộc nhiều thế hệ. Cuối cùng, bộ ảnh kịp hoàn thành trước ngày kỷ niệm 10/10 chỉ 3 tiếng đồng hồ”- anh Dũng kể.
Trong bộ ảnh của họ có nhà sử học Lê Văn Lan sinh năm 1934, một trong những sáng lập viên của Viện Sử học Việt Nam và cũng là người sinh ra, lớn lên tại Hà Nội; đạo diễn Trần Văn Thủy sinh năm 1940, đạo diễn của bộ phim tài liệu nổi tiếng “Hà Nội trong mắt ai”; anh Lê Văn Minh, sinh năm 1963, đã hành nghề chụp ảnh tại Bờ Hồ hơn 40 năm; chị Nguyễn Thùy Linh sinh năm 1980 thuộc thế hệ thứ 3 của một gia đình có nghề thêu truyền thống trên phố Hàng Gai…
Chia sẻ về con đường đang đi của con trai mình, bà Nguyễn Quỳnh Hoa (55 tuổi), mẹ anh Dũng nói bà luôn ủng hộ, dù nghề này đang gặp khó khăn hơn trước bởi thời buổi công nghệ số. “Nhưng đó là truyền thống gia đình. Tôi mong con đam mê và chăm chỉ, để thỏa đam mê và xứng đáng với những gì thế hệ trước để lại”- bà Hoa nói.