“Già rồi còn ăn diện”

Chia sẻ

Thời trẻ, ông là người chỉn chu trong ăn mặc, ở nhà hay đi làm cũng đều gọn gàng, đẹp mắt. Người rèn nếp ăn mặc đó cho ông không ai khác ngoài bà. Về già, ông vẫn giữ cái nếp đó khiến ai nhìn thấy cũng thốt lên "Già rồi còn ăn diện". Mỗi lần nghe câu nói đó, ông chẳng giận mà còn thấy vui.

“Già rồi còn ăn diện” - ảnh 1 (Ảnh: Minh họa)

Bà làm thợ may, thời khốn khó, sau khi cắt may quần cho người ta, bà gom vải vụn, khéo tay chắp vá thành những đồ mặc nhà cho chồng, con. Dưới bàn tay của bà, mớ vải vụn ghép lại thành những tấm vải "thời trang" nhiều sắc màu, rồi thành những bộ quần áo tươm tất, đẹp đẽ. Bà chăm chút cách ăn mặc cho chồng con đến nỗi, mỗi bộ quần áo mặc đi làm, đi học dù cũ, mới, chắp vá thì cũng được là lượt phẳng phiu. Bà bảo, vất vả khó khăn thế nào nhưng cứ nhìn chồng, con ăn mặc chỉn chu, sạch sẽ là bà vẫn cảm thấy ấm lòng, hạnh phúc. Thói quen của bà ăn vào nếp sống của ông, mỗi lần cầm bộ quần áo nhàu nhĩ chưa được gấp, là phẳng là ông để xuống. Vợ bận thì tự mình là lấy, bao giờ phẳng phiu mới khoác lên người. Vậy nên, ông làm công nhân nhưng ra đường, về nhà, hàng xóm cứ tưởng ông là cán bộ bởi cách ăn mặc chẳng giống… người lao động chân tay chút nào.

Các con trưởng thành, cuộc sống khấm khá hơn, quần áo đều ra cửa hàng thời trang mua thay vì mặc đồ bà may như ngày xưa. Nhưng cái nếp ăn mặc chỉn chu trong nhà thì chẳng ai bỏ được. Chuyện ăn mặc của giới trẻ đẹp đẽ là điều đương nhiên nhưng già như ông thì luôn nhận được câu "già rồi còn ăn diện". Bà già rồi, sức khỏe yếu chẳng thể chăm chút, là lượt cho ông như xưa, việc giặt giũ trong nhà đều do con cái đảm nhiệm. Thời hiện đại, quần áo chúng cho hết vào máy giặt, tiện nhưng không lợi. Vì cái nào đồ ông mặc đều thuộc loại vải nhăn, không giống chất thun khó nhàu như đồ con cháu mặc. Vậy nên, lần nào giặt xong, phơi khô, đồ của ông đều nhăn nhúm. Mỗi lần lấy ra mặc, ông lại kì công là phẳng lại. Con cháu thấy phiền phức bởi sự chỉn chu đó của ông, chúng lại luôn miệng bảo “ông già rồi mà còn ăn diện".

Nhưng ông chẳng bỏ được nếp ăn mặc đó. Sau này, già cả, tay chân run rẩy chẳng thể tự mình là quần áo để mặc như trước, ông mới nhờ đến con cháu. Một lần con trai cả cau có vì sự phiền phức bởi chuyện là quần áo cho mình, ông mới nhỏ nhẹ bảo: Mẹ con thích nhất là bố ăn mặc chỉn chu. Cứ nhìn bố ăn mặc như thế là bà biết bố khỏe mạnh, yêu đời nên vui vẻ trong lòng, tinh thần thoải mái hơn. Có lần, bố mệt nên cứ thế mặc bộ đồ nhàu nhĩ, bà ấy mất ngủ, lo lắng, nghĩ bố ốm đau, bệnh tật không thiết tha với cuộc sống nên ăn mặc kiểu được chăng hay chớ. Đó là lý do, bố lúc nào cũng phải "ăn diện".

Anh con trai cả nghe xong, thấy cay cay ở sống mũi. Gần chục năm nay, mẹ anh bị tai biến nằm một chỗ. Công việc chăm sóc bà có giúp việc hỗ trợ, chồng con chỉ động viên tinh thần là chính. Hóa ra, để bà yên tâm, không phải lo lắng cho chồng khi không còn tự tay chăm sóc ông như trước đây, bố anh cố gắng giữ hình ảnh ăn mặc chỉn chu, đẹp đẽ hàng ngày. Bây giờ anh mới để ý đến mỗi buổi sáng thức dậy, ánh mắt bà ánh lên vui vẻ khi thấy ông ở bên cạnh gọn gàng trong những bộ đồ phẳng phiu. Bà an lòng vì điều đó cho thấy ông vẫn được mọi người chăm sóc tốt.

Từ ngày đó, anh luôn để ý đến quần áo của bố, nhắc vợ chịu khó là ủi quần áo cho ông sau mỗi lần giặt. Còn bà, mỗi lần ai nói đó bình phẩm chuyện ông “già rồi còn ăn diện” lại cảm thấy hạnh phúc. Và với ông, đó là liều vitamin đặc biệt ông dành tặng cho bạn đời mỗi ngày. Bởi chỉ cần bà yên lòng, vui sống là họ vẫn có nhau trong đời.

 THU VÂN

Tin cùng chuyên mục

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

(PNTĐ) - Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người. Sự mất kiểm soát cảm xúc này có thể làm tăng tính bốc đồng, ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận về bản thân và tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với những người khác. Bệnh thường xảy ra ở tuổi mới lớn.
Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.