Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An
Chia sẻ

(PNTĐ) - Gần đây, không ít gia đình phải đối diện với “cơn sóng ngầm” đầy thách thức: Tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng trẻ hóa và diễn biến phức tạp, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vết rạn trong mối quan hệ gia đình, đặt ra bài toán cấp thiết về trách nhiệm định hướng, chở che con trẻ trước những vấp ngã nhỏ có nguy cơ trở thành những hệ lụy khôn lường.

Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ - ảnh 1
Bạo lực gia đình là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trẻ vị thành niên phạm tội.

Từ những vụ án đau xót
Dư luận hẳn chưa hết bàng hoàng trước những vụ án mà hung thủ gây án lại là những đứa trẻ còn đang tuổi ăn, tuổi học. Vụ án P.M.Q (14 tuổi) giết người ở Tiền Giang. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mâu thuẫn gia đình, khi Q khuyên cha bỏ rượu nhưng bị la mắng, dẫn đến hành động Q đã bỏ bả chó vào hộp sữa nhằm đầu độc cha ruột và bà nội, dẫn đến cái chết thương tâm của cả hai người. 

Một vụ án khác ở Nghệ An cũng khiến nhiều người không khỏi xót xa. H.A.T (SN 2007) đã phải nhận bản án 11 năm tù vì tội “giết người”, hai bạn đồng hành V.H.M (SN 2004) và N.T.N.T (SN 2006) nhận án treo vì “gây rối trật tự công cộng”. Chỉ từ một va chạm nhỏ, H.A.T đã hành xử hung hãn, tước đoạt mạng sống của một người, gieo rắc nỗi bất an cho cả cộng đồng.

Tương tự, vào tháng 11/2023, tại Buôn Ma Thuột, 4 bị cáo trẻ tuổi, trong đó có 2 em là học sinh, đã phải đối diện với bản án tù vì tội giết người. Nạn nhân cũng là một học sinh. Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ những xích mích cá nhân tưởng chừng như không đáng giữa L.H.T (SN 2008) và T.N.H (SN 2007). L.H.T đã rủ thêm bạn bè, chuẩn bị hung khí và gây ra một cuộc ẩu đả với hậu quả vô cùng thương tâm.

Trên đây là ba trong số nhiều vụ án đau lòng do tội phạm trẻ gây ra, khiến dư luận đặt ra một câu hỏi: “Điều gì đã đẩy các em vào con đường lầm lỗi khi tuổi đời còn quá trẻ?”.
Giải mã “nút thắt” trong tâm hồn trẻ
Ở lứa tuổi vị thành niên, các em đang bước vào giai đoạn định hình nhân cách, sự kiểm soát cảm xúc và hành vi còn hạn chế. Tính bốc đồng, dễ bị kích động và thiếu hụt sự đồng cảm có thể khiến các em hành động thiếu chín chắn. Nếu thiếu đi sự quan tâm, định hướng từ gia đình, các em rất dễ trở thành nạn nhân hoặc thậm chí là thủ phạm của những hành vi lệch chuẩn.

Gia đình vốn là nơi ươm mầm những giá trị tốt đẹp, nhưng đôi khi lại trở thành nguồn cơn của những tổn thương tâm lý sâu sắc. Những đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh gia đình đổ vỡ, như trường hợp của P.M.Q thường mang trong mình cảm giác cô đơn, trống trải và thiếu vắng mục tiêu sống. Những xung đột kéo dài, một môi trường thiếu hòa khí, hay những phương pháp giáo dục khắc nghiệt, thiếu thấu hiểu dễ khiến các em tích tụ oán giận, dẫn đến những hành vi chống đối hoặc phạm tội. Áp lực cuộc sống khiến nhiều phụ huynh không còn đủ thời gian và sự kiên nhẫn để thực sự lắng nghe, thấu hiểu con cái, làm sợi dây gắn kết gia đình ngày càng trở nên mong manh. Tỷ lệ ly hôn gia tăng cũng đẩy nhiều trẻ em vào trạng thái cô độc, khiến các em tìm kiếm sự bù đắp từ những nguồn tiêu cực bên ngoài.

Chưa kể, việc tiếp xúc thường xuyên với những trò chơi điện tử, những video có nội dung bạo lực cũng góp phần làm chai sạn cảm xúc, gia tăng tính hiếu chiến và làm mờ nhạt đi sự nhạy cảm của trẻ trước nỗi đau của người khác. Bạo lực dần trở thành một “lăng kính” quen thuộc trong thế giới quan của các em, như những gì đã diễn ra trong các vụ án tại Nghệ An và Buôn Ma Thuột.

Nhiều trẻ vị thành niên chưa ý thức đầy đủ hậu quả của hành vi phạm pháp. Dù Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) đã quy định rõ trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên, nhưng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các em còn hạn chế, khiến các em thiếu “hàng rào” tự bảo vệ khỏi con đường lầm lỡ.

Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ - ảnh 2
Trẻ em cần được sống trong môi trường yêu thương, an toàn

“Chữa lành” từ nền tảng yêu thương và hiểu biết
Gia đình chính là nền tảng đầu tiên và vững chắc nhất trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Một môi trường gia đình ấm áp, nơi các thành viên luôn tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ cùng nhau, sẽ giúp trẻ cảm nhận được sự an toàn, được yêu thương và từ đó phát triển sự tự tin. Cha mẹ cần dành thời gian để đồng hành cùng con, thấu hiểu những tâm tư, tình cảm của con, kịp thời nhận diện và điều chỉnh những biểu hiện lệch lạc. Một gia đình hòa thuận chính là “lá chắn” kiên cố, bảo vệ con trẻ khỏi những cám dỗ tiêu cực từ bên ngoài.

Kỹ năng quản lý cảm xúc, giải quyết mâu thuẫn hòa bình và nuôi dưỡng lòng trắc ẩn là công cụ quan trọng giúp trẻ đối diện tích cực với thách thức. Cha mẹ cần hướng dẫn con kiểm soát nóng giận, giải quyết bất đồng bằng đối thoại chân thành và xây dựng các giá trị đạo đức như trung thực, trách nhiệm, tôn trọng. Những giá trị này định hình thế giới quan lành mạnh, giúp trẻ tránh xa hành vi bốc đồng hay gây tổn thương cho người khác.

Sự hiểu biết pháp luật là “vũ khí” giúp trẻ tự bảo vệ và tránh xa phạm tội. Việc cha mẹ tuân thủ pháp luật hàng ngày tạo hình mẫu tích cực cho con noi theo. Bên cạnh đó, trò chuyện cởi mở về pháp luật trong tình huống thường ngày giúp con dễ tiếp thu và ghi nhớ hơn. Thay vì bài giảng khô khan, hãy biến câu chuyện, tình huống trên báo chí, cuộc sống thành bài học pháp luật sinh động, gần gũi, giúp con hiểu luật và hình thành ý thức tôn trọng pháp luật từ sớm.

Giáo dục trẻ là hành trình dài, đòi hỏi sự đồng hành của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Phụ huynh cần duy trì liên hệ chặt chẽ với giáo viên, tích cực tham gia chương trình giáo dục cộng đồng và ủng hộ hoạt động ngoại khóa lành mạnh giúp trẻ phát triển toàn diện kỹ năng, giá trị sống. Môi trường giáo dục toàn diện, nơi trẻ được hướng dẫn và bảo vệ từ nhiều phía, sẽ tạo ra thế hệ thanh thiếu niên có ý thức cao về đạo đức, pháp luật, góp phần giảm nguy cơ phạm tội.

Tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội không chỉ là nỗi đau của mỗi gia đình mà còn là “vết thương” nhức nhối của xã hội. Để bảo vệ tương lai thế hệ trẻ, cần hành động đồng bộ từ xây dựng nền tảng gia đình vững chắc, giáo dục đạo đức, pháp luật bài bản đến phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan. Chỉ khi cùng nhau ngăn chặn “cơn sóng ngầm” nguy hiểm này, chúng ta mới có thể trả lại tuổi thơ trong sáng và mở ra tương lai tốt đẹp hơn, nơi trẻ em được phát triển toàn diện trong yêu thương, trách nhiệm và nhân văn.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

(PNTĐ) - Diễn đàn “Trẻ cậy cha, già cậy ai?” nhận được nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, trong xã hội hiện đại, cả cha mẹ và con cái nên thay đổi quan niệm cha mẹ về già phải cậy con, mà hãy nên chủ động tương lai, chuẩn bị cuộc sống tự do, tự tại, dành một khoản tiền để dưỡng già, bởi con cái cũng phải lo tương lai của chúng.
Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - “Bà dạy con cái kiểu gì vậy. Con cái nhà người ta thì mong cho bố mẹ sống đầu bạc răng long với nhau, còn con của bà thì lại suốt ngày xúi bẩy bố mẹ ly hôn. Nhà này vô phúc quá rồi…”.
Yêu thương thật sự không đồng nghĩa với roi vọt

Yêu thương thật sự không đồng nghĩa với roi vọt

(PNTĐ) - Trẻ em cần được sinh ra và nuôi lớn trong môi trường yêu thương, lành mạnh. Tuy nhiên, hiện nay, một số cha mẹ lại có cách hiểu sai trong quá trình nuôi dạy con dẫn tới trẻ bị tổn thương. Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu, giáo viên dạy Kỹ năng sống tại Trung tâm Kỹ năng KTC với các cha mẹ về phương pháp nuôi dạy con tích cực.
Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

(PNTĐ) - Bên cạnh những lợi ích về việc làm, tay nghề, thu nhập, xuất khẩu lao động cũng bộc lộ nhiều mặt trái mà một trong số đó là sự tan vỡ hạnh phúc ở những gia đình có người xuất ngoại. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn nhưng chủ yếu vẫn là vợ chồng xa nhau lâu ngày, thiếu thốn tình cảm nên rất dễ nảy sinh tình cảm “ngoài luồng”. Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của lối sống tự do ở nước ngoài nên khi về quê hương, đối mặt với cuộc sống thực tại thấy không còn phù hợp nên sẵn sàng … “đường ai nấy đi”.
Xúc động câu chuyện tìm được người thân thất lạc sau 57 năm nhờ hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư

Xúc động câu chuyện tìm được người thân thất lạc sau 57 năm nhờ hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư

(PNTĐ) - Như một phép màu, sau 57 năm thất lạc, ông Chu Nghiêm (sinh năm 1941, trú tại phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) và con gái là chị Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1967, trú tại xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) đã tìm được nhau nhờ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sự giúp đỡ tận tình của cán bộ, chiến sĩ Công an phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội).